Dòng sự kiện:

Yêu cầu các trường học không loại bỏ thịt lợn khỏi thực đơn

Theo CAND
08:32 15/03/2019
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay nhiều trường học tại Hà Nội đã thay đổi thực đơn bữa ăn bán trú, theo đó sẽ tạm dừng hoặc hạn chế sử dụng thịt lợn.

Chiều 11-3-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố không loại bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn. Yêu cầu các trường đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Việc các trường học tạm dừng sử dụng thịt lợn sẽ dẫn đến một lượng lớn thực phẩm không được tiêu thụ, ảnh hưởng rất lớn đến ngành Chăn nuôi.

Thực đơn không thịt lợn

Bữa trưa ngày thứ 4, 13-3-2019 tại Trường Mầm non Hoa Mai Vàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), các bé được ăn các món chế biến từ thịt gà và tôm thay cho thực đơn cũ là các món ăn chế biến từ thịt lợn. Bác Nguyễn Thị Minh – nhân viên nấu ăn của trường cho biết, từ 2 tuần nay thịt lợn đã được đưa ra khỏi thực đơn để các cháu nhỏ không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. 

Từ ngày 9-3-2019, hệ thống các trường học Vinschool từ mầm non đến trung học phổ thông ra thông báo dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt lợn, do đó thực đơn cho các em học sinh tháng 3-2019 được điều chỉnh theo hướng tạm dừng sử dụng thịt lợn, thay vào đó sẽ là thịt bò, thịt gà và các loại thủy hải sản. Việc điều chỉnh này sẽ thực hiện cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại thời điểm này, nhiều trường học ở Hà Nội từ mầm non cho đến trung học phổ thông đều có thông báo thay đổi thực đơn, trong đó loại bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế các món ăn chế biến từ thịt lợn. Thực đơn từng tuần trong tháng 3-2019 của hệ thống Trường liên cấp Newton hoàn toàn vắng bóng các món ăn chế biến từ thịt lợn. Tương tự, các trường Thăng Long Kidsmart, Sakura Montessori, Hà Nội Montessori đều có thông báo tới các bậc phụ huynh học sinh về việc không cho học sinh ăn thịt lợn trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

Có nhiều trường học hạn chế số bữa ăn có thịt lợn từ 3 – 4 bữa/tuần xuống còn 1 - 2 bữa/tuần. Nhiều phụ huynh lo lắng cho việc ăn uống của con em mình đã có ý kiến tới nhà trường yêu cầu ngừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn bán trú. Các nhóm phụ huynh cũng được lập ra để kiểm tra bếp ăn của nhà trường.

Hạn chế thịt lợn đồng nghĩa với việc phải tăng các thực phẩm khác trong bữa ăn như thịt chim, thịt bò, tôm, cá để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho học sinh. Nhưng thức ăn thay thế hầu hết đều đắt hơn thịt lợn nên có những trường còn kèm thông báo về việc tăng giá suất ăn của học sinh.

Việc các trường tạm dừng hoặc hạn chế đưa thịt lợn vào bữa ăn cho học sinh xuất phát từ tâm lý lo lắng về nguồn cung cấp thịt lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt lợn đưa vào chế biến có thể bị nhiễm bệnh dịch, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của học sinh. 

Mặc dù nhiều nhà cung cấp thực phẩm cho các trường học đã có bản cam kết về nguồn thịt lợn đã qua các bước kiểm tra, kiểm dịch và không nằm trong vùng dịch, nhưng với tâm lý phòng bệnh là chính thì nhiều trường học vẫn nói không với thịt lợn.

Sử dụng sản phẩm thịt lợn an toàn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thì bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do virus ASFV gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn nhưng không có khả năng lây sang người. Vì vậy các trường học cũng như người dân không nên lo sợ, không tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, các trường học đều tổ chức ăn bán trú cho học sinh, do đó tiêu thụ lượng thịt lợn rất lớn. Việc nhiều trường học ngừng tiêu thụ thịt lợn sẽ ảnh hưởng tới các hộ chăn nuôi và nguồn thịt lợn không mắc dịch bệnh.

Thêm nữa, thịt lợn là loại thực phẩm thông dụng, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và dễ chế biến thành các món ăn. Các loại thịt động vật trong đó có thịt lợn có nhiều sắt giúp phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt, bảo đảm cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, chống lại bệnh tật, vì vậy đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ.

Vì vậy không thể thiếu thịt lợn trong các bữa ăn hằng ngày. Thịt lợn đưa vào các bữa ăn phải được mua tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Người tiêu dùng không nên mua thịt giá rẻ, thịt không rõ xuất xứ, thịt lợn tại các vùng nằm trong ổ dịch. 

Đảm bảo thịt lợn phải được nấu chín kĩ trước khi ăn vì virus ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút khi nấu ở nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và khi nấu chín ở 100 độ C thì chưa đầy một phút sau virus này sẽ bị tiêu diệt.

Việc các trường học và người dân quay lưng với thịt lợn một phần xuất phát từ tâm lý hoang mang khi tiếp cận các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Đặc biệt nhiều trường hợp cá nhân lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, đưa thông tin phiến diện về tình hình dịch bệnh khiến người tiêu dùng hoang mang và có biểu hiện quay lưng với sản phẩm thịt lợn, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi lợn nói riêng và người chăn nuôi cả nước nói chung. Do đó cần xử lí nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Nguồn: Gia đình Việt Nam