Dòng sự kiện:

3 điểm/môn đỗ sư phạm: Các giáo viên tương lai sẽ ra sao?

Theo Zing.vn
13:00 08/08/2017
Nhiều trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng giáo viên trong tương lai.

Năm nay, mặt bằng điểm thi THPT quốc gia cao nên điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với ngành sư phạm. Nhiều trường đại học có điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5), hệ cao đẳng giảm xuống chỉ còn 9-10 điểm.

3 môn thi điểm chuẩn chỉ 9, 10

CĐ Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm theo kết quả thi THPT quốc gia với các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn. Điều này đồng nghĩa việc chỉ 3 điểm mỗi môn, thí sinh đã trúng tuyển.

Một số khoa khác lấy điểm chuẩn cao hơn là Giáo dục Mầm non: 15,75 điểm, Giáo dục Tiểu học: 17,75.

Điểm chuẩn thấp khiến dư luận lo lắng về chất lượng ngành sư phạm trong tương lai. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Tương tự, CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5. CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.

Không chỉ bậc cao đẳng có điểm chuẩn "lẹt đẹt", ở đại học, không hiếm trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ Sư phạm Mầm non.

ĐH Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như Sư phạm Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc là 15,5.

Đây cũng là điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành của ĐH Vinh và ĐH Tây Nguyên...

Đáng lo ngại với chất lượng giáo viên tương lai

Là người có kinh nghiệm 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: Mức điểm trúng tuyển vào ngành chỉ hơn 3 điểm một môn ở hệ cao đẳng và bằng điểm sàn với hệ đại học là điều đáng suy ngẫm, lo ngại so với trình độ dân trí hiện tại.

Theo TS Hương, sinh viên có điểm thấp khi vào trường thường chủ quan, tuột dốc dần do không chịu được áp lực học tập và sinh hoạt. Nếu sinh viên không đủ bản lĩnh, họ rất dễ gặp rủi ro khiến cho quá trình tiếp thu kiến thức, sắp xếp thời gian học, sinh hoạt giáo dục của trường, khoa… không được thuận lợi.

Những sinh viên có điểm đầu vào thấp vốn thiếu hụt kiến thức phổ thông nên cần bổ sung nhiều khi vào trường. Họ có thể không thể tiếp thu kịp thời kiến thức mới.

“Với những ngành có điểm chuẩn quá thấp, chất lượng giáo dục không thể cao. Tôi từng gặp những sinh viên sư phạm không biết ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt (Fe), đồng (Cu), nói Nguyễn Huệ là vua cuối cùng của nhà Nguyễn hay đinh ninh vận tốc của ôtô là 5m/h… “, bà Hương bày tỏ.

TS Vũ Thu Hương đề xuất với tỷ lệ sinh viên ra trường 100% hiện nay, cần siết chặt đầu vào, hoặc nếu đầu vào dễ thì cần bó chặt đầu ra. Điều này khiến bản hân học sinh nỗ lực hơn, chất lượng giáo dục đào tạo tăng cao hơn.

Lý giải câu hỏi "vì sao điểm đầu vào các trường sư phạm thấp", TS Vũ Thu Hương cho rằng đây là ngành nghề không hấp dẫn với nhiều thanh niên.

“Nếu các nghề nghiệp khác cho sinh viên quyền lợi trước mắt, sự vận động thì với sư phạm, hầu hết thời gian giáo viên làm việc với 4 bức tường và trẻ em, có phần tẻ nhạt. Nghề giáo viên cũng đòi hỏi nhiều phẩm chất, áp lực, trách nhiệm, không nhàn hạ như nhiều người tưởng…", nữ tiến sĩ phân tích.

Trước những nguy cơ về chất lượng giáo viên thấp, TS Vũ Thu Hương đề xuất nên giảm số lượng tuyển sinh trong ngành sư phạm, tăng cường các ngành nghề khác như trồng trọt, chăn nuôi… phù hợp từng vùng miền. Bởi, nước ta vẫn đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Cần chính sách hấp dẫn cho ngành sư phạm

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm chuẩn hệ cao đẳng của ngành sư phạm giảm sâu do từ năm 2016 Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn ở bậc này. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - nói: Trong ngành sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường đại học lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM. Điều này thuộc về yếu tố ngành và vùng miền buộc chúng ta phải chấp nhận và là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng ngành giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá nếu không có chính sách thu hút, ngành sư phạm không hấp dẫn. Trước đây từng có tình trạng học sinh quay lưng với ngành này, chúng ta có chính sách miễn giảm học phí. Trong điều kiện lúc đó, chính sách này đã thu hút được thí sinh giỏi.

Hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh, chính sách này không phát huy được tác dụng. Ngành sư phạm có chính sách ưu đãi nghề, thâm niên… nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác.

Vấn đề riêng của ngành sư phạm là chúng ta cần chính sách hấp dẫn người học chứ không cần điểm sàn. Chúng ta cần thay đổi đồng bộ chính sách không chỉ cho sinh viên sư phạm mà cho cả giáo viên.

Nguồn: Gia đình Việt Nam