Dòng sự kiện:

5 món ăn dân dã từ quả trám

04:08 28/06/2016
Trám được dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã nhưng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn.

1. Xôi nhân trám

Một chõ xôi vài cân gạo nếp cần có 1/3 là nhân trám. Như vậy, phải có vài rổ hạt trám mới lấy được 1kg nhân. Để chuẩn bị có một chõ xôi nhân trám phải vo gạo nếp, ngâm gạo từ tối hôm trước, sáng hôm sau mới rửa hạt trám đổ ra nong, chặt hạt trám, lấy nhân. Xôi được đơm vào đĩa, nhìn vào bạn sẽ ngỡ là chỉ có gạo nếp không vì nhân trám cũng trắng tinh. Tuy nhiên, khi ăn, ta có cảm giác sần sật, béo lại bùi lẫn trong hạt nếp.

2. Canh trám nấu gà

Đây là món ăn dễ chế biến và không cầu kỳ. Quả trám được hái về rửa sạch, thịt gà thái thành từng miếng vừa ăn. Phi gừng cho dậy mùi và cho trám cùng thịt gà vào xào khoảng 5-7 phút rồi đổ nước xăm xắp và hầm từ 25 đến 30 phút là cả trám và thịt gà đều đã chín nhừ. Khi canh đã chín, cho gia vị, một chút lá và củ kiệu tươi cùng mộc nhĩ đã ngâm nở, làm sạch. Đậy vung khoảng chừng 2 phút là có thể múc canh ra ăn được.

Khi múc canh lên bát, chúng ta sẽ thấy canh có nhiều màu khác nhau: màu vàng của quả trám, màu trắng vàng của thịt gà, màu xanh của lá, củ kiệu, màu tím thẫm của mộc nhĩ, màu vàng nghệ của gừng và mỡ gà. Nước canh rất trong cùng với vị ngọt của thịt gà lẫn vị hơi chua của quả trám, vị cay nhẹ của gừng và hương thơm của kiệu khiến người ăn khó quên.

Món canh này còn là bài thuốc rất tốt cho những người mới ốm dậy, chỉ cần ăn một bát canh trám thôi sẽ cảm nhận được vị giác ngon miệng. Canh gà nấu quả trám là món ăn độc đáo mang bản sắc rất riêng của người Tày vùng Nghĩa Đô (Lào Cai).

3. Trám kho thịt, cá


Trám được dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã nhưng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Ảnh: Mai Nguyên

Thịt, cá kho trám là món ăn phổ biến của nông thôn miền núi phía Bắc. Khi kho, vị chua của trám ngấm vào làm thịt, cá mềm nục có vị chua chua, còn có vị ngọt của tương, chất đạm của thịt, cá ngấm vào trám làm mất vị chát, giảm vị chua, miếng trám mang lại vị chua ngọt, béo bùi, ăn mãi không chán.

4. Trám dầm mắm ớt

Trám rửa sạch, dùng dao bổ trám làm 4, bỏ phần hạt, ngâm trám vào nước muối khoảng 30 phút để trám bớt chát và không bị thâm. Ngâm trám với nước mắm, tỏi, ớt, đường, chờ ngấm gia vị là ăn luôn được. Trám non hơi chua chua chát chát, ăn xong thì có vị ngọt bùi đọng lại nơi đầu lưỡi.

5. Trám đen nhồi thịt

Trám nhồi thịt dùng ăn với cơm có vị lạ, thơm và béo ngậy, rất hấp dẫn.

Trám đen muốn ăn có vị béo, hết chát cần được làm từ hôm trước. Trám mua về đem rửa sạch nhiều nước cho hết nhựa. Cho 1/2 lít nước vào nồi đun sôi, nêm khoảng 3 thìa canh muối vào khuấy đều, nhấc ra khỏi bếp để nguội còn khoảng 75 độ, cho trám vào ngập nước, đậy vung để nguyên tại chỗ (còn gọi là om trám) và để hôm sau dùng. Trám mềm tay rồi vớt ra, bổ dọc thân quả lấy thịt, bỏ hột.

Thịt xay nhỏ, mộc nhĩ, nấm hướng rửa sạch băm nhỏ, thêm một chút hành khô đập dập. Trộn đều tất cả các nguyên liệu, nêm một chút gia vị. Nhồi hỗn hợp thịt đã trộn vào quả trám và xếp ra đĩa. Cho dầu vào chảo đun nóng, sau đó cho trám vào chảo rán, cẩn thận lật mặt để trám không bị cháy. Khi thịt bên trong đã chín, xếp lần lượt từng quả ra đĩa cho đẹp mắt. Hoặc nếu không thích ăn rán bạn có thể xếp vào đĩa, cho vào chõ hấp chín trong khoảng 7-10 phút. Ăn trám khi còn nóng và chấm kèm nước mắm ớt.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam