6 nỗi lo mẹ bầu nên giải tỏa trước khi sinh con để 'vượt cạn' suôn sẻ
Việc chuẩn bị tâm lý trước khi sinh con là điều vô cùng cần thiết. Nhiều mẹ chỉ nghĩ chuẩn bị sinh con là chuẩn bị một túi đồ đi sinh, một bộ hồ sơ giấy tờ đầy đủ để nhập viện, nhưng có mấy ai dành thời gian để đối diện với những nỗi sợ hãi, hoang mang khi gần đến ngày sinh và xử lý chúng “gọn gàng” trước khi bước vào bệnh viện. Cùng “điểm danh” 6 nỗi sợ phổ biến nhất khi chuẩn bị sinh con và sự thực mẹ cần biết để vượt qua chúng nhé.
Nỗi sợ 1: Tôi sẽ không chịu đau nổi
Có tới 20% sản phụ cho biết đây là nỗi sợ hàng đầu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đây cũng chính là lý do nhiều phụ nữ quyết định sẽ chọn một cách giảm đau nào đó trong quá trình chuẩn bị sinh con khi đang ở giai đoạn gần đến ngày sinh. Họ muốn dùng thuốc giảm đau trong quá trình sinh nở hoặc chọn phương pháp giảm đau đến mức thấp nhất là gây tê ngoài màng cứng.
Sự thực là: Đa số các bà mẹ đều có thể vượt qua cơn đau chuyển dạ và vượt cạn thành công. Họ chấp nhận khả năng chịu đau đớn, khó chịu và tìm hiểu các phương pháp giúp kiểm soát cơn đau khi sinh. Có rất nhiều cách giúp mẹ vượt qua cảm giác đau đớn mà không cần can thiệp bằng thuốc. Với sự chuẩn bị và hỗ trợ đúng cách, những phụ nữ này thấy rằng sinh con tự nhiên giúp họ mạnh mẽ hơn. Họ hoàn toàn hài lòng về quyết định của mình.
Nỗi sợ 2: Tôi sẽ phải rạch tầng sinh môn hoặc âm hộ sẽ bị rách
Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật thường gặp khi sản phụ chọn phương pháp sinh thường. Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt ở khu vực giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu), được thực hiện ngay trước khi sinh để mở rộng cửa âm đạo. Một số phụ nữ bị rách tầng sinh môn một cách tự nhiên trong lúc sinh con ngay cả khi đã được rạch. Các vết rách này có thể không đáng kể hoặc khá nghiêm trọng, đòi hỏi phải được khâu lại bằng nhiều mũi.
Sự thực là: Thủ thuật này từng được xem là bắt buộc khi sinh thường, nhưng nay các chuyên gia đều đồng ý rằng, việc này không nên được thực hiện một cách máy móc. Mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ trong quá trình chuẩn bị sinh con khi nào bạn buộc phải rạch tầng sinh môn, ở mức độ ra sao, và làm thế nào giúp bạn hạn chế tối đa trường hợp phải rạch hoặc bị rách. Có một số nghiên cứu y học cho thấy, việc bắt đầu xoa bóp đáy chậu trong khoảng năm tuần trước ngày sinh sẽ giúp ích trong trường hợp này.
Nỗi sợ 3: Tôi sẽ bị chột bụng trong quá trình đau đẻ
Khá nhiều phụ nữ cho biết họ sợ sẽ… rặn ra phân trong khi sinh. Thực tế, có nhiều mẹ gặp tình huống này và một vài người cảm thấy thực sự xấu hổ. Tuy nhiên, chuyện này là hoàn toàn bình thường khi sản phụ rặn đẻ, vì thế các bác sĩ và y tá sẽ thông cảm cho bạn. Y tá hoặc hộ lý sẽ lau sạch thậm chí trước cả khi bạn biết chuyện gì đã xảy ra. Ngay trong những ngày chuẩn bị sinh con, bạn nên tự trấn an mình, đây chỉ là một chuyện cực nhỏ trong quá trình vượt cạn.
Nỗi sợ 4: Tôi sẽ bị can thiệp y tế quá mức cần thiết
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ. Nếu tin tưởng và tôn trọng bác sĩ đỡ đẻ của mình, bạn có thể yên tâm rằng họ sẽ làm điều tốt nhất cho bạn và em bé trong ngày sinh nở. Nếu bác sĩ nhận thức được mong muốn của bạn, họ có thể nỗ lực hết sức để làm theo mong muốn đó, chẳng hạn như khi bạn không muốn gây tê ngoài màng cứng hay thực hiện da tiếp da sau sinh, cần trao đổi với bác sĩ và bệnh viện càng sớm càng tốt để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Nỗi sợ 5: Bạn sẽ phải sinh mổ
Với tỷ lệ 1/5 số phụ nữ sinh con so phải mổ bắt con, nỗi sợ này là điều dễ hiểu. Nếu bạn luôn mong muốn sinh thường, việc phải sinh mổ có thể khiến bạn thất vọng. Khá nhiều phụ nữ cảm thấy rằng sinh mổ không thực sự cần thiết. Một số bà mẹ nói rằng họ cảm thấy như bị lừa, đặc biệt là khi đã học các lớp tiền sản về việc lâm bồn và chờ đợi cảm giác sinh con một cách hoàn toàn tự nhiên.
Nếu bạn có cảm giác này, có thể phải mất một thời gian để dung hòa giữa thực tế với những gì bạn kỳ vọng trong quá trình mang thai. Đây cũng là một trong những điểm quan trọng mà bạn cần chuẩn bị tâm lý trước khi sinh con. Sinh mổ ngoài dự tính có thể là một thử thách cực lớn về mặt tâm lý nếu bạn không chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng.
Nỗi sợ 6: Tôi sẽ không đến bệnh viện kịp lúc
Trường hợp sinh con khẩn cấp tại nhà là cực kỳ hiếm, đặc biệt là khi sinh con so. Cơn đau chuyển dạ thường xuất hiện nhiều giờ trước khi bé được sinh ra. Thậm chí, ngay cả khi bạn đã vỡ ối thì cũng rất lâu sau đó bé mới chào đời. Nếu sự thật này vẫn không giúp bạn giảm lo lắng, hãy thử tìm hiểu các kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho việc sinh con tại nhà.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thai nhi ra dấu 'OK' khi siêu âm khiến mẹ bầu kinh ngạc
- 5 thực phẩm nguy hiểm nhất khi mang thai mẹ bầu nào cũng nên tránh
- Giúp mẹ bầu giảm đau xương chậu những tháng cuối thai kỳ
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua