Dòng sự kiện:

Bí quyết nuôi dưỡng tính trung thực cho trẻ

09:55 31/01/2017
Phản ứng tức giận với hành động sai trái của con có thể gây ra nhiều tác hại hơn lợi ích, theo một nghiên cứu mới công bố.

Trẻ em thường có xu hướng nói thật hơn khi chúng nhận thấy bố mẹ phản ứng tích cực, ngay cả khi biết chúng sẽ bị trừng phạt. Việc tìm hiểu cách trẻ nhận thức tính dối trá và trung thực có thể giúp đánh giá chính xác hơn hành vi của chúng.

Để làm rõ điều này, các nhà khoa học đến từ trường đại học Michigan (Mỹ), đã tìm hiểm những cảm xúc của trẻ về nói dối và thú nhận khi chúng làm việc sai trái.

Họ đã yêu cầu một nhóm trẻ em tình nguyện từ 4 đến 9 tuổi trả lời một loạt câu hỏi có tính giả thuyết trong những câu chuyện khác nhau. Ở mỗi tình huống, nhân vật chính làm việc sai trái và sau đó có thể nói dối và hoặc thừa nhận lỗi lầm của mình.

Trẻ có xu hướng nói dối vì sợ bố mẹ tức giận.

“Trong một câu chuyện, người có lỗi đã cướp kẹo từ bạn và trong một tình huống khác, người mắc lỗi đã đẩy đứa trẻ khác xuống đất để tranh xích đu ngoài sân chơi”, các tác giả của nghiên cứu cho biết.

Trong một nửa số câu chuyện, nhân vật chính đã kể trung thực về những gì chúng làm và trong số tình huống còn lại, nhân vật chính nói dối.

Các nhà khoa học đã hỏi nhóm trẻ em tình nguyện cảm thấy như thế nào trong lúc và sau khi đọc các câu chuyện, đặc biệt là những gì chúng nghĩ về nhân vật chính. Sau đó, trẻ được hỏi về bố mẹ của các nhân vật và chúng mong họ phản ứng như thế nào.

Nhóm nghiên cứu cũng phỏng vấn mẹ của nhóm trẻ em tình nguyện về tính trung thực của chúng. Trẻ em từ 4 đến 5 tuổi thường nghĩ tích cực về sự dối trá và tiêu cực về sự thú nhận, trong khi trẻ từ 7 đến 9 tuổi bắt đầu hiểu được nói dối là sai.

Điều này đồng nghĩa trẻ lớn tuổi hơn thường coi việc thú nhận lỗi lầm là việc cần làm, ngay cả khi chúng biết mình sẽ bị phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa trẻ nhỏ hơn không cảm thấy có lỗi hay hiểu nói dối là sai. Thay vào đó, chúng nói dối vì sợ bố mẹ tức giận.

“Với vai trò là phụ huynh, bạn có thể không vui với những gì con đã làm. Nhưng nếu bạn muốn giữ mối quan hệ cởi mở với trẻ, bạn có thể cố gắng cho chúng thấy rằng bạn cảm thấy vui khi trẻ kể trung thực những gì chúng đã làm”, tiến sĩ Craig Smith, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Dân Việt 

Nguồn: Gia đình Việt Nam