Bóc lột lao động trẻ em và cuộc tháo chạy của lao động 'nhí'
Tiếng khóc than kêu cứu tìm con của cha mẹ cũng vô vọng, bởi họ không biết con mình đang ở đâu. Chưa bao giờ sự thiếu hiểu biết lại hiển hiện đau buốt, là miếng mồi ngon của tội ác nhiều như bây giờ.
Bị đánh bầm giập, về quê không một xu dính túi
Y Khối Êban (12 tuổi, ngụ buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) bị chủ xưởng may tại Q.Bình Tân, TP.HCM bắt làm việc đến kiệt sức.
Mỗi đêm em chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ, giấc ngủ chập chờn vì những tiếng quát nạt của chủ xưởng may luôn đeo bám. Y Khối mất cha từ khi mới ra đời, cách đây hai năm mẹ em cũng qua đời sau một cơn bệnh.
Em Y Khối kể lại việc đi làm thuê ở TP.HCM.
Năm 2016, Y Khối được một phụ nữ trong buôn dẫn xuống TP.HCM làm việc xếp quần áo trong một cơ sở may với mức lương rẻ mạt 15 triệu đồng/năm.
Lương thấp nhưng Y Khối phải làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 12 giờ khuya. Không chịu nổi, Y Khối xin nghỉ việc về quê, nhưng chủ không những không trả tiền công mà còn không cho cả tiền về xe. Người chị họ của Y Khối phải ra bến xe mua vé cho em về.
Ngày 2/5, tiếp xúc với chúng tôi tại một căn nhà nhỏ ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk, lao động (LĐ) “nhí” Cao Văn L. vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại những trận đòn của quản lý nhà hàng Phú Mập 3 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Dù đã về nhà hơn nửa tháng nhưng hiện CMND và tiền công của L. vẫn còn bị nhà hàng Phú Mập 3 giữ.
Theo gia đình L., giữa tháng 3/2017, L. xuống TP.HCM làm việc cho nhà hàng Phú Mập 3, em được phân công làm phục vụ và giữ xe. Ngày 15/4, cho là L. lấy trộm tiền trong cốp xe máy của khách, quản lý nhà hàng đã đánh L. nhiều lần để “dằn mặt”. Ngày 16/4, một nhân viên nhà hàng phát hiện L. nằm sốt trong phòng với nhiều vết thâm tím trên người nên đã gọi điện cầu cứu báo Phụ Nữ.
PV báo Phụ Nữ đã liên hệ ngay với Hội LHPN Q.Bình Thạnh và chính quyền địa phương đến quán Phú Mập 3 “giải cứu” cho L. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến nơi thì đại diện nhà hàng cho biết, đã đưa L. về quê. L. kể: “Em không hiểu sao anh quản lý nhà hàng biết trước việc công an sẽ xuống, nên hai anh quản lý đã nhanh chóng “áp tải” em lên xe máy, đưa ra bến xe về Đăk Lăk.
Trên đường đi, hai anh tắt nguồn điện thoại của em và chở đi lòng vòng nhiều nơi nên em không thể liên hệ được với ai. Sau đó, hai anh đưa em lên xe về nhà trong tình trạng không giấy tờ tùy thân và không một xu dính túi”.
Rầm rộ tuyển... trẻ em
Tuy có nhiều trường hợp trẻ em đi làm việc ở TP.HCM bị bóc lột, bạo hành, nhưng tại các buôn, làng nghèo khó của Đăk Lăk, tình trạng tuyển dụng trẻ em vẫn diễn ra khá rầm rộ. Các đối tượng tuyển LĐ đã dùng đủ chiêu trò để dụ dỗ, đưa trẻ em đi LĐ trái quy định.
Theo chính quyền huyện Krông Bông (Đăk Lăk), từ đầu năm 2017, tại địa phương xuất hiện hàng chục đối tượng lạ mặt đến tuyển dụng LĐ trẻ em. Cụ thể là người phụ nữ tên Nguyễn Thị Khang (SN 1958) và ông Nguyễn Văn Hải (cùng ngụ Q.Bình Tân). Để qua mặt cơ quan chức năng, hai “nhà tuyển dụng” này thường dụ phụ huynh và trẻ ký vào giấy thỏa thuận - thay cho hợp đồng cho con đi học nghề may ở TP.HCM.
Tại buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong) có đến hơn chục trẻ em bị bà Khang lén lút đưa xuống TP.HCM. Chị H’Let Liêng (SN 1985, ngụ buôn H’Ngô A) cho biết, nhiều tháng qua gia đình chị rất lo lắng cho cậu con trai Y Kim Liêng (SN 2002) sau khi cậu bé bị một người phụ nữ lạ mặt lén đưa xuống TP.HCM, cho đến nay không nghe tin tức gì.
Chị H’Let Liêng kể: “Khi cháu đòi đi gia đình tôi cương quyết không cho, nhưng cháu vẫn bị một phụ nữ lạ mặt dụ dỗ theo bà ta xuống TP.HCM từ ngày 25/2 đến nay. Cháu có gọi điện về cho biết là được xưởng may trả lương 15 triệu đồng/năm; nhưng phải làm việc mỗi ngày ba ca: từ 7h - 12h, 13h - 20h và từ 20h30 - 23h mới được nghỉ.
Từ hôm đi làm, Y Kim liên tục điện về khóc với tôi là làm quá vất vả, nhớ nhà mà không về được, vì nếu làm không đủ năm sẽ không được trả lương, còn phải bồi thường tiền xe, tiền công dạy nghề và ăn ở kể từ ngày làm giấy thỏa thuận”. Chị H’Let cho biết, gia đình cũng định xuống TP.HCM đưa con về, nhưng không biết địa chỉ nên đành chịu.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, cháu H’Tranh Êban (12 tuổi, ngụ buôn H’Ngô A, con gái anh Y Liêng Byă) được bà Khang làm giấy thỏa thuận đưa xuống TP.HCM làm nghề may từ đầu năm 2017 đến nay. Khác với Y Kim, trong giấy thỏa thuận H’Tranh được bà Khang cam kết sẽ trả mức lương 25 triệu đồng/năm.
Em L. bị thâm tím nhiều chỗ sau khi bị quản lý nhà hàng Phú Mập 3 đánh.
Tuy nhiên, theo người nhà, mỗi ngày H’Tranh phải làm việc từ 7g sáng đến 12g đêm mới được nghỉ. Khi chúng tôi hỏi địa chỉ nơi H’Tranh đang làm việc ở TP.HCM, người nhà cháu lắc đầu không biết. Không chỉ buôn H’Ngô A, nhiều trẻ em tại buôn Noh Prông (xã Hòa Phong) cũng được người đàn ông tên Hải làm giấy thỏa thuận đưa đi “học nghề” may ở TP.HCM.
Trong đó nhiều em chỉ mới 12-15 tuổi như Thào Thị Ngần (SN 2005), Vữ Thị Dế (14 tuổi), Lê Văn Hổ (13 tuổi)… Thực tế, sau khi được đưa vào TP.HCM các em phải làm việc trên 10 tiếng đồng hồ/ngày. Bà Khang và ông Hải đều không thông báo địa chỉ cụ thể nơi làm việc của các em cho gia đình, khiến phụ huynh đứng ngồi không yên vì không biết con mình đang ở đâu, sống thế nào.
Giấy thỏa thuận học nghề trá hình
Ông Nguyễn Nguyên Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: “Đầu tháng 2/2017, UBND xã nhận được thông tin từ ban tự quản buôn H’Ngô A và Ban giám hiệu Trường tiểu học Sơn Phong (xã Hòa Phong) báo cáo tình hình trẻ em trên địa bàn đi LĐ ở TP.HCM. Theo xác minh của công an xã, đến nay bà Khang và ông Hải đã đưa 22 trẻ em từ 11-15 tuổi xuống TP.HCM làm việc”.
Theo ông Đồng, hai đối tượng trên có thủ đoạn rất tinh vi khi làm giấy thỏa thuận. Giấy thỏa thuận viết tay, chỉ có bên A (cha hoặc mẹ) và bên B (trẻ em đi LĐ) chứ không có chữ ký, cam kết của người của người tuyển dụng LĐ. Trong giấy cũng không ghi rõ giờ làm việc, nơi làm việc của trẻ em khi đến TP.HCM.
Những tờ giấy thỏa thuận viết tay không có giá trị pháp lý của những kẻ bất lương dùng để dụ dỗ, sử dụng lao động trẻ bất hợp pháp.
Tờ giấy thỏa thuận này là hoàn toàn không có giá trị pháp lý. “Đa số trẻ em được đưa đi LĐ đều là con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Do thiếu hiểu biết nên phụ huynh dễ dàng bị hai đối tượng trên qua mặt, cứ nghĩ con mình đi làm việc kiếm tiền chứ không biết các cháu đang ở độ tuổi được bảo vệ, không ai được phép đưa đi LĐ trái pháp luật” - ông Đồng phân tích.
Trước tình hình trên, UBND xã Hòa Phong đã làm báo cáo gửi Phòng LĐ-TB-XH, Công an huyện, Huyện ủy, UBND huyện Krông Bông để phối hợp xác minh sự việc và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em bị đưa đi LĐ. Đồng thời, UBND xã cũng đã ban hành công văn về việc ngăn chặn tình trạng trẻ em đi LĐ gửi cho ban tự quản các thôn, buôn, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của xã. Trong 22 trẻ em bị đưa xuống TP.HCM làm việc, đến nay chỉ có hai em H’Đen Êban (13 tuổi) và Y Grăm Êban (15 tuổi) trở về nhà.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Công an xã Hòa Phong cho biết: “Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện đã cử lực lượng phối hợp với Công an xã thu thập thông tin, xác minh từng hộ dân và cử lực lượng xuống TP.HCM xác minh địa chỉ của ông Hải, bà Khang như đã ghi trong giấy thỏa thuận. Tuy nhiên, địa chỉ ghi trong giấy thỏa thuận của hai người này là không có thực”.
Đại tá Bùi Xuân Ngọc, Trưởng Công an huyện Krông Bông cho biết, không chỉ xã Hòa Phong, tại xã Yang Yeh cũng có nhiều LĐ trẻ em xuống TP.HCM làm việc. Công an huyện đang rà soát lại số lượng trẻ em đi LĐ tại các tỉnh và TP.HCM để kịp thời hỗ trợ và có giải pháp can thiệp, phát hiện những hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em bỏ học đi LĐ sớm của các đối tượng môi giới, tuyển LĐ trẻ em trái pháp luật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có trẻ em ở xã Hòa Phong mới bị dụ dỗ đưa về TP.HCM làm việc.
Việc người quản lý nhà hàng bắt giữ, đánh đập em L. là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy tố về hành vi hành hạ người khác quy định tại điều 110, Bộ luật Hình sự. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được giữ các giấy tờ về nhân thân của một người khi người đó có những hành vi vi phạm pháp luật. Người quản lý giữ CMND của em L. là trái pháp luật. Theo quy định, người sử dụng LĐ chỉ được sử dụng người LĐ chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực. Thời gian làm việc của người LĐ chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá tám giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần. Thời gian làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá bốn giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần và không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Cảnh báo tình trạng trẻ em Việt Nam đang có nguy cơ bị mất ngủ trầm trọng
- Bí quyết dạy con tự giác, lễ phép như trẻ em Nhật Bản
- Vùng đất tò mò: Nơi tuyệt vời để trẻ em được thoả sức tưởng tượng
- Chủ tịch Quốc hội quan ngại về xâm hại tình dục trẻ em
- Lời khuyên của đại văn hào Tagore về cách giáo dục trẻ em
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua