Dòng sự kiện:

Các bước huấn luyện bộ não giúp con thành công cả về trí tuệ, cảm xúc, xã hội

5 bước huấn luyện bộ não sau đây sẽ giúp bố mẹ thay đổi cuộc sống của con mình để con có thể thành công cả về mặt trí tuệ, cảm xúc, xã hội.

Giống như những giáo viên khác, cô giáo Đinh Thu Hồng - giáo viên tiểu học tại bang Georgia, Hoa Kỳ cũng có những trăn trở, băn khoăn khi cả trẻ nhỏ ở Việt Nam hay ở Mỹ đều có tình trạng chung, là thiếu kiên nhẫn và chán học. Qua một số tài liệu giáo dục uy tín, cô đã tìm ra con đường sáng giúp các bạn nhỏ thêm yêu cuộc sống, hào hứng tìm ra những điều mới mẻ thông qua việc không ngừng sáng tạo, học hỏi và kiên trì trong cách rèn luyện bản thân.

5 bước huấn luyện bộ não sau đây sẽ giúp bố mẹ thay đổi cuộc sống của con mình để con có thể thành công cả về mặt trí tuệ, cảm xúc, xã hội. Bọn trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực ngay khi bố mẹ thay đổi quan điểm về cách làm cha làm mẹ. Hãy sớm giúp con thành công trong cuộc sống bằng cách huấn luyện và tăng cường sức khỏe bộ não cho con.

Chị Đinh Thu Hồng hiện là giáo viên tiểu học tại bang Georgia Hoa Kỳ.

1. Hạn chế công nghệ, và kết nối hoặc kết nối lại với con về mặt cảm xúc

Hãy làm trẻ con ngạc nhiên, bất ngờ với nụ cười, tặng hoa, cù /thọc lét, viết vài dòng nhắn gửi để dưới gối con ngủ hay nhét trong cặp sách, đến trường thăm con không hẹn trước, lăn lê bò toài hay nhảy cùng nhau, đánh đấu nhau bằng gối.

Chẳng hạn cha mẹ thay vì lên mạng xã hội đăng dòng trạng thái hay hình ảnh chào đón tháng 11 thì hãy cùng con reo lên hay nhảy lên để reo hò chào đón tháng mới. Bố mẹ thể nói chuyện thêm với con về việc trong tháng 11 có sự kiện trông đợi gì, có ai sinh nhật không...

Trò đánh nhau bằng gối rất thú vị. Nhiều khi bố mẹ nghĩ có hay ho gì đâu cái trò dùng gối choảng vào mặt, vào đầu nhau, rồi lại còn đi nhặt gối, dọn chăn. Nhưng trẻ con lại nghĩ khác, cần thứ khác. Trò chơi này ngoài giúp các con giải tỏa năng lượng, còn làm các con được nô đùa, cười vui, dành thời gian cho bố mẹ và những người thân yêu.

Ở Việt Nam một phần nguyên do khiến các em nhỏ học thiếu tập trung và hiệu quả, không khỏe mạnh là vì ít được nô đùa. Ở trường ít giờ ra chơi, ít tập thể dục. Trẻ nhỏ do đặc tính lứa tuổi và phát triển rất cần được vận động nhiều. Vận động nhiều máu mới lên não đều, học và tiếp thu mới hiệu quả được.

Cả nhà có thể đi ăn cùng nhau, dành vài tối trong tuần cho những trò chơi tập thể, đi xe đạp, đi dạo ngoài trời (không nhất thiết đi dạo ban ngày, đi dạo buổi tối cầm theo đèn pin cũng rất thú vị).

Chị khuyên bố mẹ nên học cách huấn luyện bộ não giúp con hào hứng hơn khi học tập.

2. Tập cách trì hoãn sự hài lòng

Bắt tụi trẻ con phải đợi! Hoàn toàn bình thường nếu bọn chúng phàn nàn hay kêu chán. Đây chính là bước đầu tiên dẫn đến sự sáng tạo. Khi con kêu chán, có thể gợi ý con đọc sách, vẽ, chơi đồ chơi, gập hay gấp giấy hay mày mò đồ đạc.

Tăng dần thời gian đợi từ lúc bọn trẻ nói “con muốn” đến lúc bố mẹ bảo “con được”. Hãy thử cách với con. Nhiều bé hay đòi mua đồ chơi, bố mẹ có thể nói dối, đánh trống lảng. Việc nói dối trong trường này là không có hại nên chấp nhận được. Bố mẹ đưa ra lý do như bố bận không đưa đi được, mẹ chưa lĩnh lương, đợi có kết quả thi môn đọc đã. Dần dần trẻ sẽ nản không đòi mua nữa, hoặc quên béng mất.

Tránh dùng công nghệ trên xe ô tô, trong nhà hàng, thay vào đó dạy bọn trẻ biết đợi bằng cách nói chuyện hay chơi trò chơi. Hạn chế ăn quà vặt liên tục.

3. Đừng lo ngại phải đặt ra giới hạn. Bọn trẻ cần có giới hạn để lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ

Lên lịch hay có giờ quy định cho từng việc một như giờ ăn, giờ ngủ, giờ được chơi máy móc, công nghệ.

Nghĩ về những cái gì tốt cho chúng chứ không phải cái gì chúng muốn hay không muốn. Về sau chúng sẽ biết ơn bố mẹ về điều đó. Làm cha mẹ là việc khó. Khó vì các bố mẹ cần phải sáng tạo, nghĩ cách để buộc con cái làm những gì có lợi cho bản thân chúng bởi vì đa số, những điều có lợi đó trái ngược với những điều các con muốn.

Ví dụ con không thích ăn rau quả, chỉ thích ăn quà vặt hay đồ ăn nhanh thì bố mẹ phải nghĩ cách bắt con ăn rau quả một cách tự nguyện, hào hứng. Có vài cách như thực đơn của cả nhà thường xuyên có rau quả, ăn rau quả cùng con, trang trí bày biện thật hấp dẫn, biến rau quả thành các nhân vật sống động trong cuộc hội thoại giữa bố mẹ và con cái ...

Trẻ con cần phải ăn sáng và những thức ăn giàu dinh dưỡng. Chúng cũng cần phải chơi ngoài trời, đi ngủ đúng giờ thì sáng hôm sau đến trường mới sẵn sàng học tập được .

Biến những việc, những điều bọn trẻ không thích hay tránh né làm thành những trò chơi vui vẻ, kích thích và khơi dậy cảm xúc. Ví dụ nhiều trẻ mới được dạy rửa bát thường rất không thích rửa bát. Bố mẹ có thể giúp con hào hứng hơn với nhiệm vụ này bằng cách bật cho con nghe những đoạn nhạc yêu thích trong lúc rửa (như Piano Guys hay Katy Perry), lúc tráng bát thì để bát dưới vòi nước chảy và hai mẹ con cùng làm ra những âm thanh giống như tiếng nước chảy ào ạt rồi cười vui, tưởng tượng bạn bát đang được đi tắm và kỳ cọ dưới vòi hoa sen.

Bé được chơi những trò chơi yêu thích.

4. Dạy trẻ từ tấm bé làm những việc đơn điệu nhàm chán, như nền tảng cho khả năng làm việc trong tương lai

Gập quần áo, thu dọn đồ chơi, treo quần áo, dỡ túi đồ đi chợ, dọn cơm, chuẩn bị đồ ăn mang theo, nấu hay đặt cơm, gập chăn màn.

Phát huy tính sáng tạo. Ngay từ đầu liên hệ những việc đơn điệu đó với các hoạt động vui và kích thích để não bộ suy nghĩ về những công việc đó theo hướng tích cực.

Một số gợi ý cho ba mẹ để biến công việc nhà nhàm chán thành niềm vui bất tận:

- Khi thu dọn đồ chơi các bạn hay hát mấy câu ngắn sau “Clean up, clean up, every body cleans up"

- Khi nhờ con xách túi giúp mẹ khi mẹ đi chợ về, hãy cho con xách mấy cái túi nhẹ trước hoặc túi đựng những món đồ ăn mà con thích để con hào hứng.

- Lúc gập quần áo, khi mới biết gập tất, để con có cơ hội tự so sánh mấy đôi tất sau khi gập xong là thành quả dừa/ coconut.

- Luôn động viên khen ngợi kịp thời mỗi khi con biết thêm việc nhà mới. Những câu đơn giản như “Giỏi quá ta”, “Mẹ rất tự hào về con”...

5. Dạy những kỹ năng xã hội

Dạy con biết đợi đến lượt mình, biết chia sẻ, biết có lúc thắng lúc thua. Có những bé rất hiếu thắng và cầu toàn, hãy luôn nhắc nhở rằng không phải lúc nào con cũng thắng, ai cũng có lúc thua, biết thỏa hiệp, biết khen ngợi người khác, thường xuyên nói “cảm ơn, xin lỗi, dạ xin phép”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam