Dòng sự kiện:

Cách xử lý trong các vụ ly hôn của các tỷ phú nhìn từ vụ ly hôn của ông chủ Trung Nguyên

12:19 07/03/2019
Câu chuyện ly hôn của ông chủ café Trung Nguyên nhận được nhiều sự quan tâm và gây xôn xao dư luận của truyền thông và báo chí trong thời gian qua.

Nhiều năm nay, ông chủ cafe Trung Nguyên luôn là đề tài của truyền thông bằng cách này hay cách khác. Thế cho nên, không có gì ngạc nhiên khi việc ông ly hôn với người vợ “thanh mai trúc mã” lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Tất nhiên, những vụ ly hôn của các tỷ phú hay ngôi sao đều gây chú ý, bởi tò mò là bản tính khó thay đổi của con người.

Tiền nhiều để làm gì?

Giống như những lần xuất hiện trước truyền thông, ông chủ cafe Trung Nguyên luôn biết cách tạo ấn tượng. Khi thì với cuốn sách mà theo ông là có thể thay đổi cả thế giới, khi thì là khoá tu hành siêu việt để ngộ ra những chân lý mà người thường không thể nhìn thấy. Gần đây, ông lại tung ra những cụm từ mà cư dân mạng hào hứng sử dụng như “qua”, “người anh em thiện lành”. Lần này thì với câu hỏi “tiền nhiều để làm gì”, một lần nữa ông lại làm cả cộng đồng xôn xao.

 

Trong phiên tòa xử ly hôn ông Vũ đã đặt câu hỏi gây chú ý: "Tiền nhiều để làm gì?"

Người ta có thể hiểu rằng, ông ngậm ngùi khi ngày hôm nay, gia tài đã đến con số ngàn tỷ, nhưng cũng không cứu vãn được hạnh phúc gia đình, để đến nỗi ông và vợ thành hai đầu chiến tuyến trong cuộc chiến chia gia tài. Ông chỉ đồng ý nhượng cho vợ 30% giá trị gia tài với lý do là không thể để mất thương hiệu nhiều năm gây dựng trong khi bà Thảo - vợ ông muốn 51% với lý do bà cũng đóng góp nhiều cho thành công của cafe Trung Nguyên. Về lý, thì chắc chỉ người trong cuộc mới rõ hơn ai hết, bởi lúc này, ai cũng sẽ nói hay nói tốt cho mình, cũng giành giật phần đúng về mình.

Nếu ông không nói nhiều về tu hành, về đạo, rồi thảng thốt tiền nhiều để làm gì, thì việc ông không chấp nhận chia đôi gia tài cho vợ cũng không có gì đáng để bàn. Bởi lòng tham của con người là luôn tồn tại.

Cho nên, câu hỏi của ông “Tiền nhiều để làm gì?” đến lúc này, có vẻ như được mang ra vui đùa nhiều hơn là bàn luận một cách nghiêm túc. Bởi người ta hy vọng khi ông nói câu đó xong, ông hành xử đúng với sự trăn trở rằng tiền không mua được hạnh phúc. Khi mà các con ông chỉ muốn gia đình được như ngày xưa, không cần giàu đến mức như bây giờ, bởi từ khi ra đời, việc kinh doanh của ông đã gặp nhiều thuận lợi.

Những vụ ly hôn rùm beng của các tỷ phú

Không phải vụ ly hôn nào của các tỷ phú trên thế giới cũng đều kết thúc tốt đẹp, khi các tỷ phú hơn ai hết là những người rất chặt chẽ về tiền bạc. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch sau 32 năm sống với vợ mình là bà Anna Torv, đã ly dị và chia cho bà 1,7 tỷ USD trong đó 100 triệu là tiền mặt. Ông trùm dầu mỏ Harold Hamme cũng chỉ chia cho vợ cũ 974,8 triệu USD, đến mức bà này sau đó kiện lên toà án nhiều năm để đòi hơn nhưng rồi cũng phải đồng ý với phán quyết của toà án. Nhiều tỷ phú, để đề phòng việc phải chia gia tài sau ly hôn, đã tìm mọi cách để giấu tiền. Công ty luật hàng đầu Mossack Fonseca có trụ sở chính ở Panama nhiều năm làm ăn rất phát đạt bởi đã giúp cho các tỷ phú giấu tài sản như du thuyền, nhà cửa, bộ sưu tập nghệ thuật.. khỏi mắt vợ con.

Thế nên, dư luận tỏ ra cực kỳ ngưỡng mộ ông chủ mạng mua bán trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon khi ông quyết định chia nửa gia sản cho vợ, là người cùng ông khởi nghiệp. Chuyện tan vỡ hạnh phúc là chuyện mà chẳng ai có thể nói trước được, dù họ đã có 25 năm chung sống êm đềm bên nhau. Nhưng cái cách mà tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập và là CEO của Amazon, thực hiện sau ly hôn mới là đáng nhắc đến. Bởi vụ ly hôn này cùng với vụ ly hôn của ông chủ café Trung Nguyên mới có nhiều điểm tương đồng.

Hai cách xử lý, hai cách sống

Ông chủ Amazon và ông chủ café Trung Nguyên, tuy có khác nhau về con đường cũng như gia tài, ở đây không nói về tầm cỡ, bởi trong kinh doanh, tài sản nói lên tất cả, người có tài sản 12 con số chắc chắc khác người tài sản có 10 con số, nhưng cùng chung ở điểm, họ khởi nghiệp với sự trợ giúp đắc lực của vợ. Cho đến trước khi có rạn nứt dẫn đến ly hôn, những cặp vợ chồng ấy vẫn là bạn đời, bạn tâm giao và trợ thủ đắc lực của nhau. Nếu thành công của Trung Nguyên có công lớn của bà Thảo thì trong cuộc sống của ông chủ Amazon, bà MacKenzie không khác gì một hồng nhan tri kỷ trong tất cả các hoạt động trong và ngoài kinh doanh của mình.

t

Hình ảnh tại tòa án của bà Thảo và ông Vũ (Ảnh minh họa)

Người ta nể ông chủ Amazon, khi ông chia nửa gia tài cho vợ và trả lời truyền thông rằng, vẫn giữ quan hệ bè bạn tốt với bà. Vậy là đủ để ông trở nên đàng hoàng, dù trước đó người ta chỉ trích ông vì việc ngoại tình. Tất nhiên, chỉ trích là một chuyện, bởi tình cảm là thứ gì đó không nằm trong bất cứ quy luật nào. Người ta sẽ chỉ chung thuỷ với một người cho đến khi tìm được người khác. Với một nửa số gia tài đó, bà MacKenzie đã trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới cho đến lúc này. Tất nhiên, ông chủ Amazon thì không giữ được vị trí giàu nhất thế giới nữa.

Theo một cách ngược lại, người ta sẽ đặt câu hỏi về ông chủ cafe Trung Nguyên. Bởi dù ông có biện hộ gì đi chăng nữa, người ta cũng sẽ khó mà thông cảm được về tình, khi ông chỉ nhường cho bà Thảo 30% giá trị tài sản. Bởi vì, tiền thì còn có thể làm ra được, ít nhất với người có tài kinh doanh như ông, nhưng những tổn thất xảy ra cho người phụ nữ, thì không gì có thể bù đắp được. Nhất là phụ nữ ở những nước mà sự bất bình đẳng giới, hệ tư tưởng phong kiến vẫn tồn tại mạnh mẽ và chưa chắc đã lay chuyển được trong tương lai gần. Nhất là khi những phát ngôn của ông, những gì ông tỏ ra trước kia, lại hoàn toàn mâu thuẫn với những gì đang xảy ra với vụ ly hôn này.

Nguồn: Gia đình Việt Nam