Dòng sự kiện:

Cảnh báo trẻ có thể bị hoại tử, suy hô hấp do rắn độc cắn

Mai Nguyên (T/h)
07:20 14/09/2017
Theo các chuyên gia, mùa này thường hay gặp rắn độc cắn với triệu chứng sưng nề, bầm tím, vết bầm tím lan nhanh, kèm theo hoại tử chỗ rắn cắn; có nhiều trường hợp suy hô hấp.

Liên tiếp trẻ nhập viện do rắn độc cắn

Trong các tuần gần đây, hầu như tuần nào cũng có 2 - 3 bệnh nhi bị rắn độc cắn nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Theo Ths.BS. Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên báo Tin tức, thời điểm này đang là mùa rắn sinh sôi, phát triển, nên trong vòng một tháng trở lại đây đã gia tăng các trường hợp bị rắn cắn phải nhập viện. Các ca bị rắn độc cắn tập trung phần lớn ở các vùng trung du, miền núi Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái. Hiện có 2 bệnh nhi bị rắn độc cắn đang điều trị tại khoa. Các trẻ bị rắn độc cắn ngay khi đang ở nhà.

Liên tiếp những tuần gần đây trẻ phải nhập viện vì rắn cắn. Ảnh: Báo Giao thông

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV báo Thanh niên, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, bé Nguyễn Duy Kh. (2 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) đang chơi ngoài sân thì bị rắn độc cắn phải nhập viện hôm 27/8 trong tình trạng bàn chân trái sưng nề nhiều, vị trí bị rắn cắn có dấu hiệu hoại tử. Do được đưa đến viện và dùng huyết thanh kháng nọc rắn kịp thời, nên tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, vết hoại tử sưng nề đang có dấu hiệu hồi phục.

Một trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Thu H. (12 tuổi, ngụ H.Lý Nhân, Hà Nam) đang chải tóc trong nhà thì bị rắn bò vào nhà cắn ở mu bàn chân phải vào Bệnh viện huyện Lý Nhân xử lý ban đầu, và tiếp tục được chuyển đến Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai hôm 1/9 trong tình trạng vết rắn cắn sưng nóng, mu bàn chân có vết hoại tử đen rộng khoảng 2 - 3 cm.

Trẻ có thể bị hoại tử, suy hô hấ do rắn độc cắn

Nói về những biến chứng nguy hiểm khi bị rắn độc cắn, BS Nam phân tích trên báo Dân trí, ngoài một số trường hợp đến viện sớm, nhiều ca được đưa đến viện khi mà các vết sưng nề hoại tử lan rộng. Có những bệnh nhân rắn cắn ở vùng mắt cá chân, ngón chân nhưng khi bệnh nhân sưng nề đến đùi hoặc gối mới đến viện; một số trường hợp đến viện trong tình trạng suy hô hấp sau khi bị rắn cắn.

Trẻ có thể bị hoại tử, suy hô hấp do rắn độc cắn. Ảnh: Báo Tin tức

Nguyên nhân của tình trạng này, là nhiều gia đình vẫn tìm các biện pháp dân gian để sơ cứu, đắp lá, không nghĩ đến diễn biến nặng nề sau khi bị rắn cắn là hoại tử, suy hô hấp, chảy máu không cầm tại vết cắn (tùy thuộc vào từng loại rắn cắn).

Mất nhiều thời gian vào những biện pháp sơ cứu dân gian nên nhiều bệnh nhi đến viện trong tình trạng muộn.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi không may bị rắn cắn tuyệt đối không cố gắng hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… Tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong, thậm chí còn khiến sự việc tồi tệ hơn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam