'Cha mẹ nuôi con như chơi thả diều, nếu cầm quá chặt, dây sẽ đứt'
“Con học lớp 1, tôi đã giải thích nhiều lần về động lực học tập nhưng dường như cháu không hiểu”, “Tôi không làm thế nào để con tập trung ngồi yên tại bàn học”… là những vấn đề phụ huynh nêu ra tại tọa đàm "Dạy con tự học hiệu quả, phương pháp thực tiễn từ các chuyên gia" diễn ra tại Hà Nội ngày 4/1.
TS Văn học Diệu Lan Phương (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), thạc sĩ Thực hành Tâm lý học Phát triển trẻ em và Thanh thiếu niên Phạm Lê Hoàng Minh tham gia tọa đàm.
Không nên sùng bái phương pháp giáo dục nào
Theo TS Lan Phương, mỗi học sinh đều có phong cách khác nhau. Ví dụ, với cách trừu tượng ngẫu nhiên, trẻ sẽ học thoải mái trong nhiều không gian khác, không cố định ở bàn học. Nếu cha mẹ hiểu đúng phong cách của trẻ, việc tiếp thu kiến thức sẽ hiệu quả.
Là người mẹ, bà Lan Phương không dạy con học tại chỗ, luyện nhiều lần một bài tập. Theo chị Phương, dạy con cần hướng đến giá trị bền vững như tự học, phát triển ngôn ngữ. Những điều này sẽ theo con suốt cuộc đời.
TS Văn học Lan Phương cho rằng dạy trẻ về tình yêu thương là điều quan trọng nhất. Ảnh: Q.Q.
“Thông thường, trẻ cấp một tập trung cao nhất 30 phút. Trẻ lớp 1 và 2 chỉ tập trung được 10 phút. Vì vậy, nếu bố mẹ bắt con ngồi trên bàn và học trong 2 tiếng là quá lãng phí, gây tâm trạng chán nản. Con có thể ra ngoài chơi, tiếp xúc môi trường mở, thân thiện, kiến thức sẽ tự hấp thụ một cách say mê", bà Phương nói.
Việc đồng hành, quan sát con trên chặng đường tri thức rất quan trọng nhưng không nhất thiết cha mẹ luôn phải "kè kè bên cạnh" để kèm cặp con. Thói quen của người lớn là hay áp đặt suy nghĩ và trải nghiệm của họ lên con cái. Hãy để con tự học, tự do mới có sự sáng tạo.
“Tôi không bao giờ bắt con viết nhiều lần một bài văn, hãy để con tự do viết những mẩu truyện mình thích. Con làm bài sai, không sao cả. Con không chịu làm bài tập về nhà, hãy để trả giá khi bị cô giáo phạt vào hôm sau. Con được 3/8 điểm, tôi không buồn. Lần sau con được 5/8 điểm, tôi mừng vì con tiến bộ”, nữ tiến sĩ nói.
Theo bà Phương, động lực học tập đến từ bên trong mỗi đứa trẻ mới quan trọng nhất. Cha mẹ hãy khuyến khích con sống có suy nghĩ và mục tiêu.
Nữ tiến sĩ cho rằng cha mẹ nuôi con thời hiện đại gặp nhiều khó khăn như có quá nhiều lựa chọn và rủi ro. Nếu sống trong gia đình có nhiều thành viên với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, cha mẹ phải xác định nuôi con là trách nhiệm của chính mình, sống có tự chủ và mục tiêu. Đồng thời, cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt. Phụ huynh không thể thay đổi được ông bà trong cách giáo dục con, chỉ thay đổi được suy nghĩ của chính mình.
“Nhiều gia đình hiện đại thuê người giúp việc nhưng tôi cho rằng điều này có hại vì nhận thức của họ còn nhiều hạn chế. Họ luôn làm hộ tất cả việc đứa trẻ có thể tự làm được. Trong khi đó, một đứa trẻ phát triển toàn diện không thể thiếu sự vận động, lao động chân tay”, bà Lan Phương nêu quan điểm.
Trước sự hoang mang của phụ huynh khi ngày càng có nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, bà Lan Phương cho hay cha mẹ không nên sốt ruột khi dạy con vì giáo dục là cả con đường dài. Kiến thức của một đứa trẻ vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa một, hai năm không phải điều to tát để vội vàng.
Dù áp dụng phương pháp giáo dục nào, cha mẹ cũng không nên quá sùng bái. Phụ huynh hãy biết lựa chọn điều hay, phù hợp ở mỗi phương pháp căn cứ trên nhận thức của trẻ. Ngoài ra, dạy con về tình yêu thương là điều rất quan trọng.
Càng cấm yêu, trẻ càng giấu giếm
Thạc sĩ Phạm Lê Hoàng Minh nói mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có các mốc phát triển khác nhau. Từ 2-7 tuổi, trẻ tư duy cụ thể. 7 đến 11 tuổi, trẻ tư duy trừu tượng. Sau 12 tuổi, các em có thể giải quyết được vấn đề phức tạp. Cha mẹ có thể dạy con tự học từ 7, 8 tuổi.
Lớn hơn một chút, tuổi vị thành niên, trẻ thường mong muốn được công nhận là người lớn.
Gần đây, thạc sĩ Hoàng Minh tư vấn cho một phụ huynh có con học ở trường chuyên có điểm số luôn trên 9. Tuy nhiên, cha mẹ than phiền ở nhà con không bao giờ học bài, ham chơi, có một vài thói xấu, có bạn trai.
Thạc sĩ Phạm Lê Hoàng Minh cho hay lên cấp hai, điều quan trọng nhất là cha mẹ quan sát con chơi với bạn bè như thế nào. Ảnh: Q.Q.
“Tôi tiếp xúc học sinh, thấy các em hoàn toàn phát triển bình thường, người gặp vấn đề lại chính là mẹ em. Phụ huynh lo lắng quá mức, làm cho đứa trẻ càng thấy mình không được tin tưởng, bị xâm phạm đời tư và càng vùng vẫy”, ông Hoàng Minh chia sẻ.
Với trường hợp này, ông Minh tư vấn phụ huynh cần bớt lo lắng, thêm tin tưởng thì con sẽ thấy giảm áp lực, hợp tác hơn với mẹ. Trong gia đình cũng cần thiết lấp hành vi được phép và không được phép.
Theo ông Hoàng Minh, lên cấp 2, trẻ bắt đầu rung động trước bạn khác giới. Nếu bố mẹ càng cấm cản, con sẽ càng giấu giếm. Ở tuổi này, điều quan trọng cha mẹ cần quan sát và biết được mối quan hệ của con với bạn bè như thế nào.
“Tôi hay nói với phụ huynh, nuôi con như trò chơi thả diều. Để diều càng bay cao, tay cầm dây phải lỏng, nếu cầm chặt, dây diều sẽ đứt”, anh Hoàng Minh nói.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Cha mẹ làm 6 điều “một phút” này mỗi ngày, trẻ sẽ khác biệt rõ rệt
- Những câu nói của cha mẹ khiến con hạnh phúc hơn
- 2 thói quen xấu của trẻ cha mẹ phải sửa ngay trước khi lên 6 tuổi
- Cha mẹ làm thế nào để đối phó với "tuổi nói không" của con?
- 7 cách giúp cha mẹ ngăn hành động ngỗ nghịch của con
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua