Dòng sự kiện:

Cha ngã ngửa khi biết lý do con trai lớp 8 nói dối thành thần

08:57 18/01/2018
Có cậu con trai “nói dối thành thần” nên anh Tạ Hữu Minh (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi lần muốn phạt con đều phải gọi điện “tứ phía” từ bạn bè, cô giáo của con để xác minh. Anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bất lực.

Nhiều ông bố không kiềm chế được khi con trai tuổi teen "nói dối thành thần". Ảnh minh họa

Từ ngày bước vào tuổi teen, cậu con trai lớp 8 Hữu Đạt ham vui và lười học hơn, chỉ thích tụ tập bạn bè. Cậu thường xuyên nói dối bố mẹ đi học thêm để đi chơi game cùng nhóm bạn. Biết tính con nên anh Đạt quản lý con khá chặt chẽ. Thế nhưng, lần nào về “tra khảo” con, anh cũng nhận được câu trả lời rất “trơn tru” như thể mình “vô tội.

11g trưa con học xong tiết cuối nhưng 12g vẫn chưa thấy con về nhà dù quãng đường từ trường về nhà chỉ chưa đầy 10 phút. Anh Minh hốt hoảng, lo lắng gọi cho các phụ huynh trong lớp để hỏi tình hình của con và được biết một số cậu con trai ở lớp cũng chưa về. Hơn 12g, con mới về nhà và trả lời “như đúng rồi”: Chúng con học xong thì vào nhà bạn Đức để học nhóm. Anh Minh hỏi đi hỏi lại Đạt vẫn khẳng định điều đó.

Nhấc máy gọi điện cho mẹ của Đức trước mặt con trai và vị phụ huynh này cho biết các con không thể vào nhà vì không có chìa khóa. Lúc đó, Đạt mới ngập ngừng nhận lỗi: "Chúng con đi chơi điện tử ở quán net".

Hay chiều hôm trước, lẽ ra đi học thêm 4 giờ đã về thì 6 giờ chiều mới thấy con lò dò về, con trả lời tỉnh queo: Gần thi nên hôm nay cô cho học thêm 2 ca liền bố ạ. Anh Minh bán tín bán nghi gọi cho cô giáo thì được biết chỉ học 1 ca và 4 giờ con đã tan học. Vòng vo đủ kiểu cu cậu mới thú nhận là đi chơi game.

Anh Minh cảm thấy rất bất lực khi con trai “mở mồm ra là nói dối” và anh không biết lúc nào con nói thật. Mỗi lần phát hiện con nói dối anh đều “nổi trận lôi đình”, mắng nhiếc con không ra gì. Không ít lần, không kiềm chế được, anh còn đấm đá con túi bụi. Anh cũng thường xuyên dọa đuổi con ra khỏi nhà, cấm con không được đi học hòng mong con sợ để con hết nói dối. Thế nhưng, lần sau con vẫn chứng nào tật nấy và không thể bỏ được tật nói dối của mình.

Anh Minh không biết, chính việc thường xuyên bị trừng phạt đã khiến con nói dối nhiều như vậy. Bởi cậu bé biết nếu nói thật những lỗi của mình đương nhiên không thoát khỏi cơn giận dữ của bố. Thế nên, cậu đành nói dối thì vẫn có 50% cơ hội “thoát”.

Theo chị Nguyễn Thị Yên Châu (Hà Nội), người có kinh nghiệm dạy con không nói dối, nhiều cha mẹ luôn nghĩ mình đúng và cấm đoán, giáo dục con theo cách suy nghĩ của người lớn, không bao giờ nhìn lại hồi bằng tuổi chúng, cha mẹ như thế nào. Thế nên, chị Châu đã phải luyện rất lâu để kìm những câu dạy dỗ con khi chúng kể một việc gì đó mà theo chị là không đúng.

Với tuổi teen thì nghiêm trọng hơn, càng cấm đoán thì càng dễ đẩy con vào phản kháng và làm ngược lại với sự cấm đoán của bố mẹ. Thường các bố mẹ khi không kiểm soát được là cấm. Việc đó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng sẽ ở trong phòng cả ngày với cái máy điện thoại, không trao đổi với bố mẹ nữa, và các ông bố bà mẹ trở nên càng bực bội, tìm cách kiểm soát nhiều hơn.

Không dễ chia sẻ khi cha mẹ không có thói quen đó với con từ nhỏ. Nhưng không bao giờ là muộn khi làm bạn với con. Cha mẹ không phải là người thua cuộc khi nói lời xin lỗi con, vì đã không quan tâm tới suy nghĩ, tâm lý của con. Hãy nói lời xin lỗi vì bố mẹ đã gào lên với chúng. Bố mẹ sẽ ngạc nhiên vì hiệu quả khi chúng ta lui một bước, ngồi xuống ngang hàng với chúng và nghe chúng nói.

Theo PNVN