Chọn trường cho con: Hãy chọn đi đường dài
Cuối năm học là lúc cha mẹ lăn tăn chuyện chọn trường, chuyển cấp cho con. Hơn bảy năm gắn bó với giáo dục, tôi được nghe nhiều trăn trở và băn khoăn của phụ huynh. Câu hỏi đặt ra nhiều nhất vẫn là: "Chọn trường nào cho con?".
Các yếu tố như: trường gần hay xa nhà, thu nhập của gia đình và học phí, liệu gia đình có đi được đường dài, rồi cơ sở vật chất, dịch vụ đưa đón, bán trú... là những vấn đề cơ bản. Tùy hoàn cảnh, lứa tuổi, cấp học mà chọn.
Vậy tiếp theo đâu là một trường học phù hợp với con? Tất nhiên, mỗi người sẽ có cách trả lời riêng. Riêng tôi, câu hỏi quan trọng đầu tiên khi cân nhắc bất kỳ trường học nào sẽ là những yếu tố sau đây:
Triết lý và quan điểm của trường là gì?
Với tôi, mỗi trường học, dù họ có nói ra, gọi tên hay không, thường có một triết lý và quan điểm giáo dục riêng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những con người trong môi trường ấy. Tìm hiểu kỹ cái được và cái không được của mỗi lựa chọn.
Với công việc và trải nghiệm của bản thân trong lĩnh vực tư vấn giáo dục, xây dựng mô hình giáo dục, và giảng dạy cho hơn 3.000 học sinh, sinh viên đến từ đủ dạng mô hình trường - công, tư, quốc tế, song ngữ, Việt Nam hay Anh, Mỹ - tôi tin rằng: không có một mô hình giáo dục nào là hoàn hảo.
Vì vậy, nếu chấp nhận những điểm không tốt của một đường lối giáo dục, tôi muốn biết những người lãnh đạo và vận hành trường học có được một triết lý và quan điểm giáo dục giống với định hướng của tôi vạch ra cho con hay không, hoặc họ có thể giúp tôi có được một cái nhìn rõ ràng hơn nếu định hướng của tôi còn mơ hồ, và cái nhìn đó có phù hợp với gia đình và con tôi hay không.
Để có thể hiểu triết lý và quan điểm của trường học, đừng chỉ dựa vào truyền thông, mà nên nhìn vào:
Chương trình học
Hãy xem lại định hướng và lộ trình mà mình muốn vạch ra cho con. Sau đó, xem thử chương trình của trường có phù hợp không? Cân nhắc những cái được và chưa được của mỗi chương trình trong việc phát triển học sinh từ kiến thức, tư duy, kỹ năng, ngôn ngữ, tính cách, nhận thức, lễ nghi…
Hãy dành thời gian tìm hiểu “cái ruột” của chương trình: từ chương trình học tổng quát, chương trình học cụ thể, lộ trình học dài hạn, đối tác triển khai, và hệ thống quản lý chất lượng.
Một trường học thật sự tốt cần có những giải pháp hỗ trợ học sinh, phụ huynh cụ thể để khắc phục những mặt chưa được của bản thân chương trình và trong công tác triển khai. Nếu một trường học không làm rõ được những điểm này với tôi trong vai trò là một phụ huynh, có thể tôi sẽ cân nhắc lại quyết định của mình.
Giáo dục đôi khi phải mất 5-10 năm mới thấy kết quả rõ ràng. Vì vậy, tôi nghĩ phụ huynh cần tìm hiểu rõ hai mặt được-mất của nó bởi không có một chương trình giáo dục nào là hoàn hảo, dù nó được “đóng gói” và “dán nhãn” thế nào đi nữa.
Giáo viên và “hệ sinh thái giáo dục”
Cũng là cùng một chương trình, cùng một nguồn gốc, nhưng người dạy như thế nào là chuyện hoàn toàn khác. Để chương trình đến với học sinh, phát huy những điểm hay và khắc phục những điểm chưa tốt, quan trọng nhất vẫn là người dạy.
Đã từng trực tiếp phỏng vấn, đào tạo chuyên môn và làm việc với hơn 1.000 giáo viên, Tây lẫn ta, từ bậc mầm non cho đến đại học, sau đại học, tôi tin: có bằng cấp, học vị cao chưa chắc là một giáo viên giỏi, hoặc cứ giáo viên Tây là giỏi hơn giáo viên ta.
Và có mấy người nhận thức được rằng: ở mỗi lứa tuổi, học sinh cần phát triển những năng lực và kỹ năng khác nhau, và vì vậy có những điều chưa chắc giáo viên nước ngoài, dù giỏi, có thể dạy được. Cái tôi quan trọng và chú tâm nhiều hơn cả là kinh nghiệm, năng lực, đam mê và cả cái tâm của người dạy.
Để có được một tiết học hay, một lớp học thành công cho vài chục học sinh, chứ đừng nói chi là một trường học với cả chục lớp trong một khối, người giáo viên dù giỏi đến đâu đi nữa cũng cần cả một hệ sinh thái xung quanh để hỗ trợ công tác giảng dạy. Vậy hệ sinh thái đó là gì? Là hệ thống phát triển chương trình, là nguồn tài liệu giảng dạy, là hệ thống đào tạo và quản lý chất lượng...
Một số người sẽ tự hỏi: "Đã là giáo viên dạy giỏi rồi thì cần gì hệ sinh thái này?". Theo tôi, một môi trường giáo dục nếu chỉ dựa vào một vài giáo viên giỏi, đó không phải là mô hình phát triển bền vững. Như vậy, con tôi có thể bị “gãy gánh” nửa chừng.
Những người dạy giỏi có thể cho ra một hai lứa học trò giỏi, nhưng đi kèm hệ thống tốt và bền vững, họ sẽ xây dựng được một nền tảng tốt để cho nhiều lớp và thế hệ học sinh, chứ không phải một vài cá nhân nổi trội để trường xây dựng thương hiệu.
Cách đánh giá học sinh
Cách học sinh được phát triển và đánh giá trên trường là yếu tố thứ ba tôi cân nhắc. Đây chính là điều thể hiện sâu sắc nhất triết lý giáo dục của mỗi trường. Nếu một trường học đặt mục tiêu là chuẩn hóa, thì từ chương trình đến người dạy, và cả việc đánh giá học sinh cũng chuẩn hóa đồng loạt. Nếu một trường học chú trọng phát triển từng học sinh, họ sẽ có cách đánh giá và phát triển học sinh khác nhau.
Nếu học sinh được đánh giá chỉ đơn thuần qua những bài thi lấy điểm và chỉ những bài thi đó mà thôi, thì học sinh sẽ phát triển, ít ra trong bốn-tám tiếng ở trường mỗi ngày, theo cách học đối phó, học để thi.
Thêm vào đó, sẽ còn nhiều vấn đề bất cập khác nếu phụ huynh nhìn nhận việc học trên trường chưa đủ và cho con đi học thêm ngoài giờ, để chạy theo đáp ứng nhu cầu thi cử ở trường, chứ chưa chắc là để bổ sung những điều mà học sinh cần mà trường học chưa đáp ứng được.
Điều này sẽ ngốn đi rất nhiều thời gian của học sinh, nhưng chưa chắc phát triển chúng một cách toàn diện, nếu như mục tiêu của phụ huynh là phát triển toàn diện cho học sinh.
Chữ tâm
Tôi vẫn tin rằng: một chương trình học hay, một thầy giáo giỏi, một cách đánh giá học sinh phù hợp chưa chắc đã tạo ra những lứa học sinh tốt về mọi mặt, nếu như bài toán của những người lãnh đạo trường thiếu đi chữ tâm. Dù tốt hoặc chưa tốt, một khi họ đã đam mê và đặt học sinh trong tâm, họ sẽ bám trụ và làm tất cả vì học sinh, chứ không phải chỉ đơn thuần vì vấn đề thương mại.
Mỗi ngày ở trường có bao nhiêu chuyện xảy ra, không chỉ là chuyện ăn, chuyện học, chuyện ngủ, chuyện chơi, mà còn là vô vàn những điều lớn bé khác, có những việc chúng ta sẽ biết, có những việc thì không. Vì vậy, tôi vẫn tin rằng: nếu có đam mê và có tâm với học sinh, những người làm giáo dục sẽ cho ra một môi trường giáo dục tốt và những con người tốt.
Giáo dục là một con đường dài, vì vậy tôi phải nhìn theo chiều dài. Trường là nơi dạy làm người, và vì vậy đừng chỉ nhìn vào vì danh tiếng, truyền thông, hay “ngôi sao” trong trường. Hãy chọn chính… con người của trường.
Vì vậy, hãy ghé thăm trường, nói chuyện với những người lãnh đạo của trường, với thầy cô dạy học, với cả những người làm dịch vụ trong trường. Vì đó là những người mà con tôi sẽ gặp gỡ và sinh hoạt trong bốn-tám tiếng mỗi ngày.
Họ đều ảnh hưởng đến sự phát triển của con tôi. Hãy đến và nhìn cách những đứa trẻ ở đó học, suy nghĩ, chơi đùa, nói chuyện và đối xử với bạn bè, người lớn. Vì có thể con chúng ta sẽ là một trong số những đứa trẻ đó.
Đừng chỉ lựa chọn, mà hãy lựa chọn có thông tin, phân tích, có chọn lọc. Và dù chọn trường nào đi nữa, tôi hay bạn đều cũng hiểu trách nhiệm nuôi dạy và đồng hành cùng con trên chặng đường dài. Thay vì phó thác 100% cho trường học, tôi chọn hỗ trợ, đồng hành và kết hợp cùng nhà trường để dạy con.
Giáo dục chân chính đôi khi không cần sự ồn ào. Hãy nhớ, con tôi và con bạn đều là những cá thể riêng. Điều phù hợp với người khác chưa chắc đã phù hợp với con tôi. Dù mỗi người một cách nghĩ, nhưng nếu nghĩ theo chiều dài và sâu, tôi hy vọng mỗi người sẽ đưa ra một lựa chọn hợp lý cho con và cho mình.
TS Nguyễn Chí Hiếu
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Trẻ vào lớp 1, chọn trường công hay tư?
- Chọn trường cho con, bố mẹ hãy đến… cổng trường
- Chọn trường cho con: Con tự quyết, mẹ không ép
- Chọn trường mầm non thế nào để tránh con bị bạo hành?
- "Ba sẽ chọn trường nào cô giáo không đánh con"
- Giúp trẻ vượt qua sự ghen tỵ với anh chị em trong nhà bằng cách đơn giản này
- Trước khi muốn con thành ông nọ bà kia, cha mẹ cần nhớ dạy con 10 điều quan trọng này
- Muốn dạy con trở nên xuất chúng thì cha mẹ đừng nuông chiều 5 điều này
- Con trai học lớp 1 viết đoạn văn ngắn tả mẹ mà ai nấy cười sặc sụa bình phẩm: 'Mới tí tuổi đầu đã dẻo miệng nịnh nọt'
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua