Chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu sảy thai sớm mẹ bầu cần biết
Sảy thai là nỗi lo lớn nhất của các bà bầu, thường xảy ra trong 3 tháng đầu mang thai. Hiện tượng này gây nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản và tính mạng của thai phụ.
Bác sĩ Thân Trọng Thạch (Giảng Viên Bộ môn Sản Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, hàng năm anh tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sảy thai liên tiếp, mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh và nguyên nhân khác nhau, số lần sảy thai thường gặp là 3 – 4 lần, trường hợp nhiều nhất là 9 lần sảy thai.
Điển hình là trường hợp của chị T (30 tuổi, quê Tiền Giang), trong 5 năm, chị sảy thai 8 lần liên tiếp. Qua xét nghiệm khảo sát, bác sĩ cho biết, hai vợ chồng chị Thanh đều bình thường, không tìm ra nguyên nhân sảy thai. Vì vậy, bác sĩ phải đưa ra phác đồ điều trị cho chị T như tư vấn chế độ dinh dưỡng, những điều cần làm trước và trong quá trình mang thai… Khi có thai lần thứ 9, chị T đã thực hiện đúng những yêu cầu bác sĩ đưa ra. Sau 36 tuần, chị sinh một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Nhằm giúp mẹ bầu có thêm thông tin về sảy thai, BS Thạch đã đưa ra những dấu hiệu, nguyên nhân, cách ngăn ngừa hiện tượng này.
Ra máu kèm đau bụng là triệu chứng chính dẫn đến sảy thai
Theo BS Thạch, triệu chứng thường gặp nhất của sảy thai là bệnh nhân ra huyết âm đạo. “Khi bị sảy thai, bà bầu thường ra máu đỏ sậm hoặc đỏ tươi, lượng ít hoặc nhiều tuỳ trường hợp và tuỳ tuổi thai”.
Nếu sảy thai ở tuần thứ 3 – 7, thai phụ sẽ bị ra máu với lượng trung bình đến nhiều, kéo dài, có các cục máu đông. Nếu sảy thai ở tuần thứ 8, bà bầu sẽ ra nhiều máu. Còn nếu thai phụ bị sảy ở tuần thứ 9 – 12, thì máu sẽ ra rất nhiều, có cục máu đông và có thể được hình ảnh thai nhi.
Đau bụng dưới kèm ra máu có thể là dấu hiệu sảy thai. (Ảnh minh họa)
Đau bụng dưới từng cơn
Dấu hiệu thứ 2 của hiện tượng sảy thai là đau vùng bụng dưới từng cơn kèm theo đau lưng. Biểu hiện này giống như khi bạn bị đau trong thời kỳ kinh nguyệt. Các cơn co thắt tử cung (nhiều hay ít tùy từng trường hợp) làm cho thai phụ đau quằn quại hoặc chỉ cảm giác trằn bụng dưới.
Các dấu hiệu khác
Ngoài 2 dấu hiệu đặc trưng trên, còn có các dấu hiệu sảy thai khác như: Mất các dấu hiệu mang thai, siêu âm không thấy thai trong hoặc ngoài tử cung…
Khi có các biểu hiện như trên, các mẹ bầu cần tới ngay bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tình trạng thai, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.
Nhiều trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân
Sảy thai do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, một số nguyên nhân thường gặp là bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn dung nạp đường, nhiễm trùng bào thai, bệnh tự miễn...
BS Thân Trọng Thạch cho biết: “Trong trường hợp thai phụ sảy thai lần đầu thì chưa cần khảo sát nguyên nhân sảy thai. Còn nếu trường hợp sảy thai liên tiếp, thì cần phải khảo sát nguyên nhân để có biện pháp can thiệp, tránh trường hợp sảy thai lần kế tiếp”.
Mỗi nhóm nguyên nhân gây ra sảy thai sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp không tìm ra được nguyên nhân sảy thai. Khi đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị đối với từng trường hợp, người phụ nữ từ lúc chưa có thai đến khi có thai và suốt cả thai kì phải tuân thủ việc điều trị này.
Trong nhiều trường hợp, sảy thai có thể xảy ra mà không có nguyên nhân cụ thể. (Ảnh minh họa)
Những loại sảy thai thường gặp
Sảy thai gồm nhiều giai đoạn, từ lúc bắt đầu cho đến khi thai bị đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, không phải lúc nào sảy thai cũng diễn biến theo quy trình như thế. Có 4 loại sảy thai thường gặp là dọa sảy, sảy thai không hoàn toàn, sảy thai hoàn toàn, thai chết lưu.
Dọa sảy: Bắt đầu bằng dấu hiệu ra máu, thường chỉ với lượng ít, máu đỏ hoặc bầm đen, kèm theo đau lưng dưới, kéo dài vài ngày. Cổ tử cung vẫn đóng. Trong nhiều trường hợp, sau khi mẹ bầu có dấu hiệu và được chẩn đoán là dọa sảy thai, tuy nhiên sau đó lại có kết quả là sảy thai. Nguyên nhân của những trường hợp này có thể là do có sự bất thường ở nhiễm sắc thể.
Sảy thai không hoàn toàn: Bụng và lưng đau, kèm dấu hiệu ra máu. Cổ tử cung mở.
Sảy thai hoàn toàn: Bào thai bị đẩy ra ngoài tử cung, ra máu đột ngột, mạnh mẽ hơn kèm theo cơn co tử cung. Sảy thai hoàn toàn sẽ được kiểm tra qua siêu âm thai từ bác sĩ.
Thai chết lưu: Thai chết lưu là tình trạng bào thai bị hỏng nhưng vẫn lưu lại trong tử cung. Nhiều thai phụ không biết chính xác thời điểm bào thai đã hỏng. Dấu hiệu thường thấy là nhịp tim thai không còn đập nữa qua siêu âm.
Cần làm gì để ngăn ngừa sảy thai?
Để giảm nguy cơ bị sảy thai, cách tốt nhất là các mẹ bầu nên có lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ và vận động, nghỉ ngơi hợp lý. Điều này sẽ giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng, chống được bệnh tật. Đồng thời, giúp thai nhi đủ chất dinh dưỡng và phát triển tốt.
Nếu thai phụ có bệnh thì cần tới bác sĩ kiểm tra và có phương pháp điều trị riêng, tránh trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi và dẫn tới sảy thai.
Nguồn: Gia đình VIệt Nam
- Sự thật lời đồn đại uống nước tía tô, ăn mía hấp chống sảy thai
- 9 món có thể gây sảy thai và dị tật thai nhi
- Nguy cơ dị tật và sảy thai khi mẹ mang thai mà làm việc này
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua