Chuyên gia Mỹ khuyên bố mẹ học tiếng Anh cùng con qua Youtube
Chiều 19/8, tại tọa đàm "Định hướng giáo dục cho con: Nên bắt đầu từ đâu?" tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đưa ra nhiều lời khuyên về giáo dục sớm cho trẻ, trong đó có ngoại ngữ.
Đừng lỡ mất thời điểm vàng
Giám đốc Trung tâm Anh ngữ quốc tế Shelton Hà Nội, ông Robert Gibb, cho rằng trẻ học được nhiều kiến thức nhất trong năm năm đầu đời. Ở độ tuổi này, biểu hiện học tập không được thể hiện ra bên ngoài, nhưng bộ não giống như miếng mút xốp được tưới nước, hấp thu rất dễ dàng. Khi lớn lên, cho dù không thể nhớ chính xác kiến thức được dạy từ ngày nhỏ, đó vẫn là nền tảng quan trọng để trẻ tiếp nhận kiến thức phức tạp hơn.
Theo chuyên gia Mỹ có kinh nghiệm 10 năm dạy tiếng Anh ở Việt Nam, người lớn mất nhiều thời gian để học tập bởi đã thu nạp quá nhiều thứ trước đó. Đầu óc mở của trẻ là một căn phòng trống, ta có thể sắp xếp đồ đạc dễ dàng hơn.
Ông Robert Gibb cho rằng trẻ học được nhiều kiến thức nhất trong năm năm đầu đời. Ảnh: Thùy Linh
Trước phép so sánh thú vị, ông Đặng Minh Tuấn, nhà sáng lập dự án UberMath - Học toán bằng tiếng Anh, phản biện rằng nếu không biết cách sắp xếp hợp lý, kiến thức trẻ nhận được sẽ vô cùng hỗn độn.
Ông Tuấn đánh giá thời kỳ vàng để trẻ tiếp thu kiến thức là 3-5 tuổi, bởi dưới ba tuổi trẻ còn hay ốm vặt, sức đề kháng không tốt. Khả năng ngoại ngữ, âm nhạc và mỹ thuật nên được thúc đẩy với sự theo dõi sát sao của phụ huynh.
"Lưỡi của trẻ ở độ tuổi này rất mềm, tai nghe rất nhạy cảm, nên được dạy ngoại ngữ theo đúng trình tự nghe - nói - đọc - viết. Phụ huynh chúng ta đang học ngược quy trình tự nhiên, tập đọc và viết trước nên gặp nhiều khó khăn với việc giao tiếp", ông Tuấn đưa ra lời khuyên.
Bố mẹ không giỏi ngoại ngữ vẫn có thể dạy con
Việc nhiều phụ huynh tìm thấy tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ là tín hiệu đáng mừng. Ông Robert quan niệm bố mẹ không nhất thiết phải quá giỏi tiếng Anh mới có thể dạy con. Trong giao tiếp hàng ngày, người lớn có thể nói song song một từ tiếng Việt và một từ tiếng Anh cùng nghĩa để trẻ tiếp thu thụ động.
"Giáo viên bản ngữ dạy rất tốt, nhưng trẻ cùng lắm chỉ học 3-4 tiếng mỗi tuần. Bố mẹ lại luôn ở cạnh, do đó có thể vừa dạy con vừa trau dồi thêm ngoại ngữ thông qua TV, Youtube, sách song ngữ", ông nói.
Trước ý kiến cho rằng phụ huynh phát âm sai sẽ ảnh hưởng xấu đến con, ông Robert tin rằng Youtube sẽ giúp điều chỉnh tiếng Anh của cả hai bên. Chìa khóa của quá trình giáo dục sớm là kiên nhẫn.
"Trẻ mất 2-3 năm mới có thể nói bập bõm tiếng mẹ đẻ dù ở trong môi trường toàn người Việt. Tại sao nhiều phụ huynh cho con đi học ngoại ngữ chỉ 30-45 phút mỗi tuần với người bản ngữ, nhưng lại mong con nói trôi chảy chỉ sau vài tháng?", thầy giáo Mỹ đặt câu hỏi.
Một số bài nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra rằng trẻ 0-18 tháng muốn hiểu và phát âm tốt một từ mới phải nghe đủ 1.000 lần, trong khi trẻ 2-5 tuổi phải trải qua 50 lần nghe mới nhớ được. Do vậy, học ngoại ngữ là quá trình dài bố mẹ nên song hành cùng con. Nếu trẻ không chịu nói, cha mẹ không nên sốt sắng. Trẻ vẫn đang tiếp thu một cách thụ động, đến một ngày sẽ tự bật ra kiến thức được học.
Sách song ngữ cũng là phương pháp học tiếng Anh được thầy Robert khuyên dùng. Ảnh: Thùy Linh
Giáo dục có định hướng
Một phụ huynh tham gia buổi tọa đàm chia sẻ, chị cho con hai tuổi xem nhiều chương trình trên Youtube bằng tiếng Anh, nhưng được một người bạn khuyên chỉ nên tìm kênh tiếng Anh chuẩn của người Anh hoặc người Mỹ. Liệu lời khuyên này có chính xác hay không?
Ông Robert Gibb thông tin, thế giới hiện có 400-500 triệu người nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng có đến 2-3 tỷ người sử dụng tiếng Anh như phương tiện giao tiếp, với nhiều giọng vùng miền (accent) đa dạng. Thực tế là tương lai của ngôn ngữ tiếng Anh sẽ không nằm trong tay số ít, do đó không nên đóng khung theo phát âm chuẩn của người bản xứ.
"Nhiều phụ huynh hy vọng cho con du học ở Mỹ và Anh, nhưng 75% sinh viên ở các đại học Mỹ hiện nay đến từ quốc gia khác. Làm thế nào để con giao tiếp hiệu quả với người nói tiếng Anh đến từ nhiều nước mới thật sự quan trọng", ông khẳng định. Bản thân Robert nói tiếng Anh - Mỹ thành thạo nhưng thi thoảng vẫn gặp khó khi nghe giọng Scotland hoặc Ireland. Người dân vùng miền khác nhau ở Việt Nam cũng không hiểu hết những gì người khác nói.
Từng là giám khảo các kỳ thi tiếng Anh quốc tế của Đại học Cambridge, ông Robert cho biết thêm, phần thi nghe IELTS lồng ghép 3-4 giọng vùng miền, do đó bạn nên luyện tai nghe để hiểu nhiều kiểu tiếng Anh.
Bên cạnh việc giúp con tiếp thu kiến thức, ông Minh Tuấn mong phụ huynh giữ tuổi thơ hồn nhiên của trẻ, đừng đẩy nhanh tiến độ khi thấy "con nhà hàng xóm" nói tiếng Anh giỏi hơn. Mỗi đứa trẻ có năng khiếu riêng, có người trội về ngôn ngữ, có người trội về hình ảnh hoặc tư duy logic. Vai trò của phụ huynh không phải là ép con học càng nhiều càng tốt mà phải định hướng giáo dục cho con.
"Phụ huynh để con học tự nhiên nhưng cần có định hướng nhất định. Chẳng hạn, mục tiêu của tôi là con chưa cần biết nói câu dài nhưng phải tròn vành rõ chữ, tương tự ca sĩ luyện thanh. Bố mẹ không phải chuyên gia giáo dục nên cần tham khảo định hướng lộ trình từ các chuyên gia", ông Tuấn chia sẻ.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Học tiếng Anh: Cách dùng So, Too, Neither, Either nhiều người dễ nhầm
- Học tiếng Anh: Mẫu câu cơ bản gọi đồ uống trong quán cà phê
- Video: Học tiếng Anh qua bài hát Remember when
- Học tiếng Anh: Phân biệt liên từ While và When
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua