Chuyện người cha già bên chiếc xe lăn chờ con trai thi THPT Quốc Gia: 'Em nợ bố nhiều lắm'
Kết thúc ngày thi thứ 2 của kì thi THPT Quốc Gia 2018, Hà Nội mưa rả rích. 16h, tiếng trống tại điểm thi trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vang lên từng hồi thúc giục, báo hiệu kết thúc môn thi Ngoại ngữ. Thí sinh lũ lượt ùa ra cổng trường với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chúng tôi đứng đợi bố con em Hanh, nhưng phải đến khi sân trường không còn ai, Hanh mới xuất hiện.
"Chỉ khi các em học sinh về hết, bạn ấy mới bắt đầu được các anh chị sinh viên tình nguyện dìu xuống sân trường, bố em ấy đợi sẵn rồi. Chứ bây giờ mà đưa Hanh xuống luôn, sợ lại va chạm với những bạn học sinh khác rồi ảnh hưởng sức khoẻ".Đó là lời chia sẻ của một chiến sĩ công an làm nhiệm vụ tại điểm trường THCS Minh Khai. Suốt 2 ngày thi, với các anh, Hanh là một thí sinh đặc biệt.
16h30, sân trường vắng vẻ, không còn bất cứ sĩ tử nào. Một vài bạn sinh viên tình nguyện bước lên tầng 5 của khu nhà chính. Họ cõng Hanh sau lưng, đưa em băng qua những bậc thang để xuống sân trường. Ở đó, bố em đứng đợi sẵn với chiếc xe lăn tự động. Hanh là con trai út của chú Kiểm, em không may bị liệt bẩm sinh.
Cha 12 năm cõng con bị liệt nửa người đến trường
m Đặng Văn Hanh (SN 1997, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rạng rỡ khi gặp chúng tôi. "Đề khó quá chị à, nhưng mà cuối cùng em cũng hoàn thành xong rồi". Hanh cười, đôi mắt em trong veo còn giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh. Ánh mắt của em có chút ngần ngại khi xung quanh em có khá nhiều người vây quanh. Họ tò mò về Hanh, về chiếc xe lăn em đang ngồi, về cơ thể không bình thường của em.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, chúng tôi biết Hanh là một chàng thanh niên 21 tuổi đầy nghị lực và bản lĩnh đến nhường nào qua quyết tâm của em. "Em mong muốn thi đỗ ngành Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ước mơ của em á, là trở thành một lập trình viên".
Trong gia đình có 8 anh chị em, Hanh là con trai út mang nhiều thiệt thòi. 7 người con trước của chú Kiểm sinh ra đều khoẻ mạnh, mỗi em Hanh có nhiều dấu hiệu bất thường. Khi Hanh chào đời, bố mẹ chưa phát hiện loại bệnh của em. Lớn lên một tí, cơ thể đứa bé bắt đầu bị liệt nửa người bên phải, cả bàn tay phải của em cũng không hoạt động được. Đưa con chạy chữa khắp nơi, cầu cứu cả bác sĩ nước ngoài nhưng chú Kiểm chỉ nhận về những cái lắc đầu đầy đau đớn. Hanh khi đó mới là một đứa bé, và cha em xác định con trai mình sẽ phải sống chung với bệnh tật suốt đời.
Vì hoàn cảnh gia đình, năm lên 8 tuổi Hanh mới được đến lớp. Việc em tủi thân so với bạn bè cùng trang lứa là điều đương nhiên, như cách anh Tới (anh trai Hanh) nhận định. "Em nó cũng mặc cảm nhiều lắm, nhưng được cái bạn bè thương, nhà trường cũng tạo điều kiện".
12 năm đến trường, Hanh là niềm tự hào của gia đình và đặc biệt là với chú Kiểm. Trước khi góp đủ tiền mua cho con trai chiếc xe lăn, ít ai biết chú chính là "đôi chân" thứ 2 của Hanh. Ngày nắng hay ngày mưa, 2 cha con lại cùng nhau đi học. Mười mấy năm trời trên chiếc xe đạp cà tàng, Hanh ngồi phía sau dùng bàn tay trái bám thật chặt lấy vạt áo của cha. Đến trường, cha lại cõng con lên tận lớp học. Cứ như thế đằng đẵng 12 năm...
Năm 2014, chú Kiểm sắm cho em Hanh một chiếc xe lăn đẩy, chưa phải loại xịn nhất mà em có bây giờ. Khi đó, chú lại đến trường xin các thầy cô cho xây những đoạn bậc thềm nối vào lớp học của Hanh. Từ ngày có xe lăn, chú Kiểm không phải cõng em Hanh nữa.
"Hanh ham học lắm, 12 năm qua cháu nó đều là học sinh giỏi cô à. Gia đình luôn cố gắng hết sức để con có thể đến trường như bạn bè cùng chang lứa" - đứng đợi em Hanh ngoài cổng trường, chú Kiểm tâm sự với chúng tôi về hành trình của 2 cha con.
Đến năm 2017, chú Kiểm mua lại được con xe máy từ người thân. Chú mừng lắm, vậy là từ thời điểm đó, thay vì phải đạp xe lóc cóc chú có thể dễ dàng đưa con đến trường. Về phần mình, Hanh cũng được tài trợ chiếc xe lăn tự động. Em có thể tự di chuyển mà không cần người khác đẩy từ phía sau.
"Hanh biết bản thân mình như thế nên không muốn làm phiền ai. Từ khi có chiếc xe mới, em nó tự làm hết mọi việc trong khả năng của mình, từ vệ sinh cá nhân đến phụ giúp cha mẹ. Gia đình cũng bình thường với Hanh để con không bị mặc cảm. Thỉnh thoảng mấy đứa cháu trêu chọc hơi quá, khi đó con mới khóc và tủi thân" - chú Kiểm tâm sự.
"Bố là người quan trọng nhất với em"
Trong suốt mấy ngày thi tốt nghiệp THPT, chú Kiểm chạy đôn chạy đáo lo lắng cho con trai. Hanh là thí sinh đặc biệt được phép nghỉ trưa ngay tại phòng thi. Chú Kiểm cũng được vào phòng để chăm sóc con trai. Những lúc buộc phải ra ngoài cổng trường, chú lo lắm. Chú không biết chỉ với bàn tay trái liệu Hanh có làm bài tốt không, thời gian có gấp gáp quá không. Chỉ đến khi hai cha con gặp lại nhau, nhìn con, chú mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Hanh học khối tự nhiên nên với em, môn Toán không phải là trở ngại quá lớn. Sau kì thi này, Hanh muốn học thêm về máy tính để vun đắp cho ước mơ trở thành lập trình viên. "Trước tiên em muốn làm ra một phần mềm diệt virus. Sau đó khi em học cao hơn, em sẽ có thể sáng tạo những sản phẩm hỗ trợ những bạn trẻ khuyết tật, có cùng hoàn cảnh như em" - Mắt Hanh lại sáng lên mỗi khi em nói về ước mơ của mình.
Chú Kiểm hiện là bảo vệ khu phố, cuộc sống về hưu của chú giản đơn lắm. Phần lớn thời gian, chú đều dành hết cho Hanh. Nhà đông anh chị em, anh Tới hay nói đùa: "Bố sắp lên chức cố rồi cũng nên, còn chú Hanh sắp lên chức ông. Có đứa cháu sang năm cũng thi Đại học".
Nhận xét cuộc sống của mình so với trước đây, Hanh thủ thỉ: "Đỡ hơn nhiều chị ạ! Có lúc bố mẹ giúp, có lúc em tự làm hết mọi việc. Bạn bè cũng hỗ trợ em nhiều lắm, em biết ơn mọi người. Những lúc cảm thấy khó khăn, mệt mỏi quá, em giấu bố mẹ khóc tu tu".
- "Thế giữa bố với mẹ, em thân với ai hơn?".
- "Bố ạ! Những lúc bất mãn với cuộc sống, những lúc buồn và em muốn bỏ cuộc, thì bố là người quan trọng nhất. Bố vực em đứng lên, bố dạy em nhiều điều. Em nợ bố nhiều lắm".
Trời chiều Hà Nội lại như sắp đổ cơn mưa, chúng tôi chia tay cha con chú Kiểm, em Hanh. Một vài bạn sinh viên có mong muốn đỡ em Hanh từ xe lăn lên xe máy, nhưng chú Kiểm bảo thôi, chú làm được. Vẫn là chú, mười mấy năm rồi, tự mình đỡ đần người con trai không may mắn của mình.
"Đội mũ lên con trai, về nhà thôi!". Chú Kiểm nói lời tạm biệt, chú cũng không quên cảm ơn tới những người đã giúp cha con mình. Trên chiếc xe máy nhỏ, người đàn ông với gương mặt khắc khổ quàng chiếc khăn ngang cổ, đứa con trai ngồi phía sau.
Bàn tay trái em Hanh, vẫn luôn nắm chặt lấy vạt áo của cha.
- Bài giải môn địa lý THPT quốc gia 2018
- Hơn 440.000 thí sinh thi bài cuối cùng THPT quốc gia
- Đề thi tiếng Anh THPT quốc gia 2018
- Đề thi vật lý THPT quốc gia bị lọt ra ngoài như thế nào?
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua