Có nên tắm cho trẻ bị rôm sảy bằng các loại lá?
Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy
Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị.
Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Việc tắc nghẽn có thể do: các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ khiến mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi; khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm; do vận động cơ thể (làm việc nặng, chơi đùa…) với cường độ cao; mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí; do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Có nên tắm cho trẻ bị rôm sảy bằng các loại lá?
Rất nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có hiện tượng bị rôm sảy thường vò các loại lá như sài đất, chè tươi… để tắm. Theo các bác sĩ nhi khoa, nên hết sức thận trọng khi sử dụng các loại lá này như cần phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối trước khi đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí có thể có thuốc bảo vệ thực vật, rất khó rửa sạch nên chưa biết là tốt hay hại.
Ngay cả lá bàng, chè xanh mà nhiều phụ huynh hay tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất ta nanh (chất chát) dễ làm cho da em bé bị tổn thương. Ngoài ra, có những loại như trúc đào, lá bạch hoa trà thiết thảo tuyệt đối không được dùng tắm cho trẻ vì chúng chứa chất độc có thể dẫn đến viêm da, nhiễm trùng nặng.
Quan niệm khi trẻ bị rôm sảy phải tắm lá mới khỏi là không đúng. Đây là hiện tượng do khí huyết nóng phát ra nên việc tắm lá sẽ không có tác dụng. Cách chữa trị là nên giải nhiệt cho trẻ bằng cách cho ăn đồ mát. Việc tắm lá cho trẻ nhỏ (trẻ sơ sinh) chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ.
Có nên dùng phấn rôm khi trẻ bị rôm sảy?
Khi bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh cũng có thói quen dùng phấn rôm xoa ngoài da các bé để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi. Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm tùy nơi sản xuất nhưng thành phần chính vẫn là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ. Khi hít phải bụi phấn rôm, trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn và có thể tím tái, phù phổi.
Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ; tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm và sau khi sử dụng xong cần đậy nắp, cất nơi cao, tránh xa tầm với của trẻ.
Xử trí và phòng tránh rôm sảy
Khi bị rôm sảy, trẻ rất hay quấy khóc, khó chịu nên phòng của trẻ phải rộng rãi, thoáng mát, tránh đông người; nên mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng và nhạt màu cho trẻ; tắm cho trẻ ngày một lần để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng, có thể tắm cho bé bằng mướp đắng, lá sài đất tươi giã nát, chè xanh (đảm bảo an toàn) cho vào miếng vải sạch lọc vắt lấy nước tắm hoặc có thể tắm cho bé bằng sữa tắm diệt khuẩn. Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ. Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy.
Người mẹ cần ăn uống điều độ, tránh những đồ ăn nóng, nên ăn nhiều đồ mát và uống nhiều nước nếu đang cho con bú. Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi khói. Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi bị rôm sảy kéo dài hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: da sưng, nóng, đỏ, đau; có mủ chảy ra; sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh.
Chế độ ăn uống cho bé bị rôm sảy
Để chống mệt mỏi và giải nhiệt cho cơ thể, khi bị rôm sảy các mẹ nên cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi như bơ, cam, chanh, quýt… Ngoài ra các món chè đậu xanh, đậu đỏ cho ít đường, ăn bột sắn dây chín và uống thêm nước rau má sẽ làm mát cho cơ thể của bé. Tuyệt đối không cho bé uống đá hoặc những trái cây để ở ngắn đá quá lạnh có thể làm bé bị viêm họng.
Một số cách dân gian chữa trị rôm sảy cho bé
Nên tắm rửa cho bé thường xuyên bằng một trong các thứ thuốc dân gian như:
– Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) cho vào máy sinh tố xay nhỏ, cho bã vào miếng vải buộc chặt, nấu lấy nước cho bé tắm. Làm như vậy đều đặn trong một tuần, các nốt rôm sảy ở trẻ sẽ lặn hết. Liều lượng là 2 quả mướp/lần tắm.
– Lá chè xanh, rửa sạch, bóp nát nấu với nước, dùng tắm cho bé có tác dụng kháng khuẩn và làm mát da.
– Lá kinh giới, lá đậu ván nấu với lượng nước vừa đủ, đun lên tắm cho bé. Liều lượng là 2-3 mớ kinh giới/lần tắm.
– Dùng nước ấm, pha thêm chút muối không quá mặn và tùy theo lượng nước nhiều hay ít mà vắt thêm vào đó một hoặc nửa quả chanh, tắm cho bé sẽ cho cảm giác mát mẻ. Các mẹ nhớ đừng cho muối và chanh quán nhiều nhé vì sẽ làm rát da bé.
– Ngoài ra, mẹ cũng có thể tắm cho bé ít nhất một ngày một lần với dung dịch thuốc tím pha loãng tỷ lệ 1/10.000 hoặc lactaxcyd. Lưu ý, không nên tự ý bôi corticoid vì da bé rất mỏng, dễ gây phồng rộp, tổn thương da.
– Các mẹ cũng có thể dùng nước tắm bình thường và cho vào một lượng muối vừa phải để trị rôm sảy cho bé. Nước tắm có muối sẽ có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, góp phần giữ ẩm, vừa giúp da tỏa nhiệt tốt hơn, mang lại cho bé cảm giác mát mẻ sau khi tắm.
– Trong trường hợp nhọt mọc liên tiếp và mọc dày thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ tìm ra nguyên nhân.
Một số lưu ý để bé không bị rôm sảy
– Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.
– Bạn cần hạn chế để trẻ đi ra nắng, tắm nước mát, uống đủ nước.
– Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da mỏng manh của bé. Để làm được điều này các bậc cha mẹ chỉ cần tuân theo những tiêu chí đơn giản sau đây:
+ Hạn chế không cho bé ra nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Sở dĩ bạn không nên hoặc hạn chế đến mức thấp nhất có thể để bé tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm này, bởi lẽ đây là khoảng thời gian các tia UVA và UVB cực độc từ mặt trời hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát hay nguy hiểm hơn là dẫn tới nguy cơ ung thư da.
+ Luôn giữ cho da bé được khô ráo và sạch sẽ.
+ Nên chọn quần áo cho trẻ được thiết kế bằng những chất liệu mát mẻ và thấm hút tốt.
+ Không nên thoa quá nhiều kem hay phấn lên da trẻ vì sẽ bịt lại các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm hơn.
Những việc mẹ không nên làm khi bé bị rôm sẩy
– Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đặc. Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hay trực tiếp xát chanh lên da dễ khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao. Nếu hòa chanh, muối vào nước tắm, không nên dùng quá nhiều mà cần phải để ý tỷ lệ hợp lý, vì nếu không sẽ gây xót và dễ làm kích ứng làn da non nớt của bé. Với việc nấu nước lá, các mẹ cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.
– Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.
– Không tắm sữa tắm người lớn hay massage cho bé. Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô, vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sẩy trên da của bé. Trong khi đó, không ít mẹ lại có thói quen massage cho bé bằng tinh dầu dừa, tinh dầu oliu. Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng nực, dùng các loại tinh dầu này chỉ làm tăng thêm tình trạng khó chịu, gây chàm hay mọc rôm sẩy ở bé.
– Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bé bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sẩy dày đặc, đỏ, kéo dài …, các mẹ nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa, vì có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.
Khi nào cần đến khám bác sỹ?
Chăm sóc tốt tại nhà thì rôm sảy thường tự hết trong 7-10 ngày.
Nên đi khám bác sỹ nếu rôm sảy có một trong các yếu tố sau:
- Kéo dài trên 7- 10 ngày hay lan rộng nhiều.
- Tái đi tái lại nhiều lần.
- Bé khó chịu như ngứa, bứt rứt, quấy hay có biến chứng nhiễm trùng da, sốt.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua