Con khóc sướt mướt khi phụ huynh 'lỡ' vượt đèn đỏ
Chắc không chỉ riêng tôi phải đối diện với tình huống trong đám đông nghẹt chờ đèn đỏ, định chớm bánh xe lên phía lề đường để lách qua phải thì nghe giọng trong trẻo: “Mấy cô chú kia đi sai luật kìa ba, lề đường là để cho người đi bộ chứ”.
Ðoàn người vẫn luồn lách băng qua các đường gồ ghề, băng qua các bồn cây, hướng về ngã tư trước mặt. Ðoàn người mà tôi vừa định nhập vào. Câu chống chế được đưa ra, thanh minh giúp người mà cũng là để chặn nỗi xấu hổ về ý định của mình “chắc là mọi người bận quá, mọi người có việc gấp đó con”. Câu hỏi ngây thơ của con thêm lần nữa, khiến nỗi xấu hổ của tôi dâng thật cao: “Vậy khi mình bận quá, mình có việc gấp thì mình được đi sai luật, được lấn đường đi bộ hả ba?”.
Tôi không biết trả lời sao, tôi không thể nói “đúng vậy con ạ” để con tôi mãi tin vào những chuyện cá nhân, những lợi ích tủn mủn, vụn vặt của bản thân có thể đứng cao hơn sự tự trọng, cao hơn những quy định pháp luật, những quy chuẩn văn minh đang bảo vệ cho con người.
Ảnh: Phạm Nghĩa
Tôi chọn phương án nói thật: “Ba sai rồi, mọi người chạy trên lề đường cũng sai, không ai được làm thế chỉ vì mình cho rằng đang bận hơn người khác. Ba cũng định leo lên lề, nhưng ba không làm thế nữa, ba hứa với con. Con cũng vậy nhé!”. Con tôi hướng đôi mắt trong veo nhìn tôi và nói: “Tất nhiên rồi, cô giáo con bảo đi đúng luật giao thông mới an toàn”.
Cám ơn bài học mà con và cô giáo đã dạy ba. Có thể, lúc còn bé, tôi cũng như con, có niềm tin vào các giá trị chung, thế nhưng nhiều thứ phủ lên tấm gương tôi đến mức những ánh sáng lấp lánh như vậy dễ dàng bị tôi gạt qua, bỏ quên. Chỉ những lời của con đã gạt đi lớp bụi phủ, đã trả lại phần nào ánh sáng, gieo lại niềm tin vào những điều tốt đẹp hơn khi tìm thấy tự trọng, khi biết xấu hổ với bản thân và hành động của mình.
Tôi đã nghe rất nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ các câu chuyện về con mình đã khóc sướt mướt khi phụ huynh “lỡ” vượt đèn đỏ, đã bắt phải dừng xe lại để nhặt hộp sữa phụ huynh “lỡ” ném trật khỏi thùng rác bỏ vào hoặc mang đến đúng nơi bỏ rác… Những câu chuyện ấy, ngạc nhiên thay, lại được kể bằng sự tự hào pha lẫn sự xấu hổ của những người lớn.
Chính trẻ con đã dạy cho người lớn sự tự hào và xấu hổ ấy. Nỗi xấu hổ sẽ chỉnh sửa những hành động của người lớn như đã nói, còn tự hào, đó chính là điểm đáng để hy vọng vào tương lai, chính những đứa trẻ lớn lên trong suy nghĩ minh bạch, công chính ấy sẽ tạo nên một tương lai khác. Một tương lai mà mọi người trong xã hội biết chia sẻ trách nhiệm, biết trong phần hành động của mình là toàn bộ cái chung.
Câu chuyện về cậu bé Nguyễn Danh Thành Ðạt, cậu bé năm tuổi theo mẹ nhặt rác ở Q.1, TP.HCM được lan truyền chóng mặt trên facebook gần đây () đã có một cái kết có hậu. Một cái kết đẹp khiến ta tin vào những điều tốt đẹp vẫn còn trong đời, cái đẹp sẽ cứu rỗi chúng ta, giúp chúng ta có niềm tin để đi tiếp hành trình. Cậu bé năm tuổi, đã hồn nhiên xếp những đôi dép vứt lộn xộn của các bạn nhỏ của một lớp học đang dự một buổi dã ngoại trong công viên thành một vòng trật tự, theo từng đôi.
Cậu bé ấy đã không có đủ tiền để đến lớp. Cậu bé gọi mẹ bằng bố vì bố cậu đã không ở cùng cậu lâu lắm. Cậu bé xếp dép xong lại ngồi ngắm các bạn cùng lứa dã ngoại với đôi mắt trong veo, cậu cười theo điệu cười của các bạn. Những tấm ảnh được đưa lên mạng xã hội và cậu nổi tiếng ngoài sự tưởng tượng.
Biết hoàn cảnh ấy, người mẹ nhặt rác và làm công đến 2 giờ sáng vẫn không đủ tiền cho cậu đi học đã được một công ty nhận vào làm. Cậu bé đã có trường nhận vào học miễn phí.
Kết quả ấy nào phải là mục đích của cậu bé khi tỉ mẩn so sánh rồi xếp từng đôi dép, nào phải là sự lấy lòng khi cậu say sưa nhìn ngắm các bạn đồng lứa chơi đùa. Cậu làm nó bằng sự hồn nhiên, bằng tấm lòng không phân biệt, bằng sự mẫn cảm và nghĩa hiệp.
Cậu không bĩu môi chê các bạn, cậu không khóc lóc vòi vĩnh vị trí của các bạn, cậu làm vì nghĩ rằng sự ngăn nắp trật tự là cần thiết, cậu nhìn thấy niềm vui của mình trong niềm vui của các bạn mà không phải so sánh thấp cao. Tấm lòng ấy, đôi mắt nhìn đời ấy, người lớn khó có thể học, người lớn còn bị chia cắt bởi quá nhiều thứ, người lớn chỉ có thể ngưỡng vọng và răn mình làm sao để gần nhất mức hoàn thiện của cậu bé, người lớn chỉ có thể mong mình đừng làm gì phương hại đến sự trong veo ấy.
Cậu bé ấy đã dạy bài học lớn cho rất nhiều người lớn. Sự tương trợ với cậu là một hình thức xã hội trân trọng và vun bồi cho những điều sẽ khiến xã hội tốt đẹp ngày mai. Xã hội giúp chính mình khi tương trợ cậu bé. Cám ơn cậu bé Ðạt vì đã dạy tôi!
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- 5 điều quan trọng bố mẹ nên dạy con khi còn nhỏ
- Các kỹ năng mẹ nhất định phải dạy từ khi con 3 tuổi
- Mẹ Nhật Nam chỉ 2 sai lầm của nhiều mẹ Việt khi nuôi dạy con
- 8 chìa khóa vàng để dạy con lớn lên thành công trong mọi hoàn cảnh
- Lớp 3 đã xem phim sex: Bé dậy thì hay lý do nào khác?
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua