Dòng sự kiện:

Công thức làm 2 món bánh dặm đảm bảo bé yêu thích mê

15:00 02/12/2015
Nếu mẹ có thời gian và khéo tay một chút có thể tự làm các món bánh ăn dặm để an toàn cho bé, hạn chế mua các đồ ăn dặm bán sẵn.

 

 

 

 [mecloud]l4T2FQRjoD[/mecloud]

1. Bánh quy ăn dặm

Nguyên liệu:

- Bột mì (loại làm bánh mì): 1 bát

- Ngũ cốc khô loại cho trẻ sơ sinh: 1 bát

- Dầu ăn: 3 thìa

- Nước đun sôi để nguội

Cách làm bánh quy ăn dặm

Bước 1: Cho bột mỳ và ngũ cốc vào 1 chiếc bát lớn, từ từ trộn thêm dầu ăn.

Bước 2: Thêm từ từ nước lạnh vào, trộn đều bột thành khối. Bột không được quá nát để nặn hình.

Bước 3: Cho bột ra, cán bột thành miếng dày khoảng 1,5cm. Dùng khuôn cắt bánh để tạo hình.

Bước 4: Cho bánh lên giấy nến đã chuẩn bị sẵn ở khay, bật lò nướng ở 175 độ trước 5 – 7 phút, nướng bánh khoảng 35′.

Bước 5: Bánh chín có màu hơi nâu thì nhấc ra, phơi nguội rồi cho vào hộp bảo quản.

Lưu ý: Bánh ăn dặm cho bé mẹ không nên để quá lâu, nên dùng hết trong vòng 2 tuần rồi làm đợt mới. Mẹ có thể thêm nước trái cây hay mật ong để thay đổi khẩu vị bánh cho bé. Có thể nướng bánh hơi già chút nhưng không nên nướng non, bánh ít thơm và dễ hỏng.

2. Bánh mì từ sữa mẹ

Nguyên liệu:

- 120 gram sữa mẹ

- 20 gram đường

- 5 gram men instant

- 205 gram bột bánh mì

- 2 gram muối

- 15 gram dầu ăn

Các bước thực hiện:

Bước 1: Nếu sữa mẹ mới vắt thì có thể cho ngay vào men instant vì nhiệt độ sữa mẹ phù hợp để kích hoạt men. Nếu sữa rã đông thì hâm nóng. Nhiệt độ thích hợp để giải phóng men là 35-45 độ C.

Bước 2: Hòa tan đường và men trong sữa mẹ. Men tốt sẽ nở bung và tạo mảng trên mặt sữa mẹ, lấy thìa gạt bọt khí nổi trên bề mặt sữa.

Bước 3: Cho dầu ăn, muối và sữa mẹ có đường đã lên men vào bát. Dùng thìa quấy đều.

Bước 4: Chia bột làm 2-3 phần, cho từng phần vào âu, dùng thìa quấy đều sau mỗi lần thêm bột, đến khi có một khối bột nhão và dính

Bước 5. Nhồi bột:

- Đổ bột ra mặt bàn có phủ một lớp bột áo mỏng.

- Nhào bột trong khoảng 15 phút.

- Dùng lòng bàn tay miết và kéo bột ra phía trước, vun bột và lặp đi lặp lại động tác đó đến khi bột đạt. Bột đạt là khối bột dẻo mịn, đàn hồi, không dính tay.

- Ấn thử ngón tay lên mặt bột sẽ thấy phồng trở lại.

- Ủ bột (lần 1): Dùng một chiếc âu hoặc bát to, quét 1 lớp dầu ăn mỏng lên đáy và thành âu. Cho khối bột vào âu, lật mặt khối bột để dầu ăn bao đều quanh cả khối bột. Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín âu.

- Ủ bột ở nhiệt độ phòng (25 – 32 độ C) đến khi bột nở gấp đôi. Không có thời gian ủ cố định vì tùy theo nhiệt độ ủ mà bột có thể nở nhanh hay chậm. “Bột nở lớn gấp đôi” là căn cứ tốt nhất. Ngoài ra, các bạn có thể kiểm tra bột ủ đạt bằng cách dùng 2 ngón tay cắm vào khối bột, sâu khoảng 1-2 cm. Nếu vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm.

- Sau khi bột đã nở gấp đôi thì dùng mu bàn tay để “đấm” nhẹ hay ép nhẹ cho khí trong khối bột thoát ra ngoài. Lấy bột ra, nhào bằng tay lại sơ qua trong khoảng 1-2 phút.

- Gập 1/3 miếng bột, rồi tiếp tục gập đến hết. Sau đó có thể tiếp tục gập đôi hoặc xoay miếng bột và gập tiếp theo chiều dọc cuộn lại cho vào khuôn.

- Ủ bột lần 2: ủ bột ở nơi ấm áp và ẩm đến khi bột nở gấp đôi. Ủ trong lò nướng và đặt thêm 1 cốc nước sôi để giữ ẩm, tránh cho mặt bánh bị khô.

Bước 6: Khi bột nở khoảng 70-80% thì bật lò ở nhiệt độ 170 độ C (lò nướng cần tối thiểu 10 phút để làm nóng nên khi lò đủ nóng thì bánh cũng ủ vừa đạt).

Bước 7: Nướng bánh ở 170 – 175 độ C trong khoảng 25-30 phút, hoặc lâu hơn nếu làm bánh to, đến khi bánh chín vàng mặt. Nếu mặt bánh vàng sớm thì có thể dùng giấy bạc che cho mặt bánh khỏi bị cháy. Không nên chữa bằng cách nướng ở nhiệt độ thấp vì có thể sẽ làm cho vỏ bánh bị dày.

Bước 8: Bánh chín cho nguội hẳn rồi mới cắt lát (cắt khi bánh chưa nguội hẳn sẽ dễ làm bánh bị bết, dai, dính).

Bước 9: Bánh ăn không hết bảo quản tủ đá, khi ăn nướng lại vẫn thơm ngon.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip xem nhiều nhất: [mecloud]NxJiE0DvQI[/mecloud]