Dòng sự kiện:

Đảm bảo an toàn khi mua sắm trên mạng

Theo PNVN
09:06 04/07/2017
Kết quả khảo sát mua sắm trực tuyến mới đây của MasterCard tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có đến 9 người (92%) mua qua mạng, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau Hàn Quốc (96,7%), Ấn Độ (95,8%), và Nhật Bản (95%).

Tuy chỉ có 34% người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy an toàn khi mua sắm qua mạng nhưng khi được hỏi thì có đến 96,2% người tiêu dùng trả lời sẽ thực hiện thêm ít nhất 1 giao dịch mua sắm trực tuyến trong thời gian tới.

Thực tế là hiện có tới 23 triệu người Việt thường xuyên mua sắm trên mạng. Bởi mua sắm trên mạng được coi là có thể mang lại những phương tiện thanh toán an toàn, song song đó là giá cả và sự tiện lợi. Hiện tại, 3 nhóm hàng được mua trực tuyến nhiều nhất tại Việt Nam là thời trang, sản phẩm chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp và đồ điện - điện tử.

Kết quả khảo sát Mua sắm trực tuyến mới đây của MasterCard tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có đến 9 người (92%) đã mua sắm qua mạng (Ảnh minh họa)

An toàn là yếu tố được quan tâm nhất khi mua sắm trên mạng. Việc mua sắm trên mạng cần phải sử dụng thẻ để thanh toán - đó là yêu cầu bắt buộc. Và đó cũng chính là điểm yếu khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Bởi khi đặt mua hàng và thanh toán, người mua phải khai báo một số thông tin cá nhân, bao gồm cả mã số thẻ.

Thậm chí một số trang bán hàng trực tuyến còn yêu cầu người mua nhập mật mã. Trên thực tế, đã có những trường hợp thông tin cá nhân của khách hàng bị lọt ra ngoài theo nhiều cách khác nhau, bị những kẻ xấu lợi dụng để lấy tiền trong thẻ hoặc chiếm đoạt thẻ.

Một trong những đặc điểm chung của người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm trực tuyến là xem các trang mạng xã hội có sức ảnh hưởng hơn những lời giới thiệu “truyền miệng”. Ngay tại nhiều shop trên mạng xã hội cũng có những đường link dẫn tới các địa chỉ bán hàng ở “bên ngoài”.

Hiện tại, 3 nhóm hàng được mua trực tuyến nhiều nhất tại Việt Nam là thời trang, sản phẩm chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp và đồ điện - điện tử (Ảnh minh họa)

Việc nhận biết những trang “thứ cấp” này có an toàn, có nguy cơ bị chứa mã độc hay không, là gần như nằm ngoài tầm của đa số người tiêu dùng. Vì thế, nếu chấp nhận đặt mua hàng tại những trang này thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận “may nhờ rủi chịu”, trong đó nguy cơ rủi ro là không nhỏ, với hậu quả là tiền trong thẻ bị mất mà không biết “truy cứu trách nhiệm” ở đâu?

Do đó, các chuyên gia bảo mật của MasterCard khuyến cáo: Chỉ mua sắm tại những trang web có biểu tượng “ổ khóa” trên thanh URL - biểu tượng này cho thấy trang web này an toàn; Để bảo mật những thông tin cá nhân của bạn, hạn chế sử dụng Wi-Fi không có bảo mật nơi công cộng khi thực hiện những giao dịch tài chính; Giám sát những giao dịch mua sắm bằng cách theo dõi hoạt động của tài khoản và kiểm tra sao kê ngân hàng.

Những giao dịch đáng ngờ hay lạ cần phải được báo cáo cho ngân hàng ngay lập tức; Đảm bảo mật khẩu của bạn đủ mạnh - ít nhất có 8 ký tự và tổ hợp số và chữ cái; Không sử dụng cùng mật khẩu với những cửa hiệu trực tuyến khác nhau hoặc khi đăng nhập vào email.

Mua sắm trên mạng đang trở thành một trong những xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị mua sắm ngày càng lớn. Do đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt những khuyến cáo trên để mọi người có thể yên tâm tận hưởng những trải nghiệm thương mại điện tử nhanh chóng, đơn giản, thông suốt và an toàn, đồng thời ngăn chặn được những sự cố, rủi ro có thể dẫn tới thiệt hại.

Dự báo, thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng di động, sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới nhờ hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Để đáp ứng xu hướng này, trên thị trường thương mại điện tử sẽ xuất hiện các sản phẩm ví kỹ thuật số và thanh toán sinh trắc học - những giải pháp an toàn, có thể giúp tái định hình và định nghĩa lại trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam