Dòng sự kiện:

Đoán tính cách bạn bằng nước chanh đậm đặc

01:31 15/06/2016
Nhỏ 5 giọt nước chanh đậm đặc lên lưỡi bạn và nuốt xuống. Sau đó đặt chiếc tăm bông lên lưỡi 20 giây. Cuối cùng, lấy tăm bông ra khỏi miệng và cầm tăm bông bằng sợi chỉ buộc ở giữa. Bạn sẽ cần quan sát xem liệu nó có nằm ngang, hay đầu dính nước chanh trên lưỡi bạn nặng hơn? Nếu bông nặng hơn, nghĩa là bạn tiết nhiều nước bọt, nghĩa là bạn là người hướng nội.

Bạn nghĩ bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Có lẽ bạn sẽ tìm câu trả lời bằng cách nghĩ rằng mình thường xuyên dự tiệc tùng tới đâu, thường xuyên bắt chuyện với người lạ tới đâu.

Cũng có thể bạn đã tìm ra câu trả lời từ những câu hỏi khảo sát trên mạng về bản thân mình.

Có điều vấn đề là những cách này thường yêu cầu sự trung thực với bản thân và bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan. Có lẽ bạn rất thích dự tiệc tùng, nhưng không nhiều như các bạn của mình - như vậy liệu bạn có hướng ngoại hay không?

Một cách khác hoàn toàn đó là sử dụng một quả chanh - hay nói chính xác hơn là bằng nước chanh cốt đậm đặc.

Đây là một bài sát hạch đã được biết đến từ lâu trong lĩnh vực tâm lý tính cách và nó có thể được thực hiện dễ dàng ở nhà.

Bạn sẽ cần một cây tăm bông, có chỉ buộc ở chính giữa.

Đặt một đầu tăm bông lên lưỡi trong 20 giây. Tiếp theo đó, nhỏ 5 giọt nước chanh đậm đặc lên lưỡi bạn, nuốt xuống, và sau đó đặt đầu kia của tăm bông lên lưỡi trong 20 giây.

Cuối cùng, lấy tăm bông ra khỏi miệng và cầm tăm bông bằng sợi chỉ buộc ở giữa.

Bạn sẽ cần quan sát xem liệu nó có nằm ngang, hay đầu dính nước chanh trên lưỡi bạn nặng hơn.

Nếu chanh trên lưỡi bạn làm cho một đầu tăm bông nặng hơn, có nghĩa là nước chanh đã làm bạn ra nước bọt nhiều hơn bình thường, có nghĩa là dấu hiệu cho thấy bạn là người hướng nội. Nếu tăm bông vẫn giữa thăng bằng, có nghĩa là bạn không phản ứng nhiều trước chanh và bạn là người hướng ngoại.

Sao lại như vậy?

Đây là một phiên bản của bài sát hạch từ những năm 1960, thiết kế bởi một trong những người đi đầu trong ngành tâm lý tính cách, Hans Eysenck, và vợ ông, người đồng nghiên cứu, Sybil Eysenck.

Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên, họ đã sử dụng các dụng cụ cân có độ nhạy cao để đo nước bọt đã thấm vào tăm bông thế nào trước và sau khi người tham gia thử nghiệm nếm nước chanh.

Nhà Eysencks muốn thử nghiệm lý thuyết 'khuấy động ngoài vỏ' về hướng nội và hướng ngoại.

Ông cho rằng tính cách dựa trên những yếu tố về thể chất và những ngườ hướng nội dễ bị 'khuấy động ngoài vỏ' hơn, khiến họ dễ phản ứng mạnh trước sự kích thích hơn, và họ thường dễ xúc động hơn, có lẽ điều đó khiến họ hay né tránh một số tình huống nhất định.

 đoán tính cách con người qua nước chanh đậm đặc

Người hướng nội có vẻ như phản ứng mạnh hơn trước vị chua của chanh

 

Nhà Eysencks tin rằng thử nghiệm bằng nước chanh củng cố giả thiết này vì những người có điểm hướng nội cao hơn trong các bài khảo sát thường ra nhiều nước bọt hơn khi bị kích thích bằng nước chanh.

Mặc dù khía cạnh tính cách của hướng nội/hướng ngoại rõ ràng là bị tác động bởi các yếu tố sinh học (bao gồm việc thừa hưởng từ bố mẹ), chúng ta biết rằng giả thuyết 'khuấy động vỏ ngoài' không phải đúng hoàn toàn.

Có đủ bằng chứng, bao gồm các nghiên cứu dựa trên hình quét từ não, cho thấy những người hướng nội thường phản ứng mạnh hơn trước tiếng ồn và các yếu tố kích thích giác quan.

Tuy nhiên đối lập với giả thiết của Eysenck, có rất ít bằng chứng cho thấy những người hướng nội dễ bị khuấy động.

Mặc dù độ chính xác của bài thử nghiệm bằng nước chanh vẫn còn là điều đáng tranh cãi, nó cũng rõ ràng cho chúng ta thấy những điều lý thú về độ nhạy cảm của cơ thể - và bạn có thể thử nhiều lần để có một kết quả khả tín hơn.

Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự hướng nội và hướng ngoại đều không phải là các yếu tố duy nhất của tính cách có thể được kiểm định bằng nước chanh.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 cho thấy chúng ta có thể sử dụng chanh để thử nghiệm một khía cạnh khác của cá tính - sự cảm thông.

Đây là điều mà các nhà tâm lý có thể thường đo đạt bằng các câu hỏi khảo sát, thế nhưng tất nhiên nó cũng gặp phải vấn đề về sự chủ quan và sự trung thực.

Để thực hiện một bài kiểm nghiệm khách quan hơn, Florence Hagenmuller và các đồng nghiệp đã yêu cầu các tình nguyện viên đặt ba cục bông vào miệng (dùng để đo nước bọt), và xem hai đoạn video mỗi đoạn dài một phút - một đoạn quay cảnh người đàn ông cắt và nhai chanh, một đoạn khác quay cảnh một người lấy những quả bóng màu ra khỏi hộp đựng và đặt lên bàn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu cân các cục bông và nhận ra những người tham gia thử nghiệm ra nước bọt nhiều hơn sau khi xem cảnh người ăn chanh.

Đây là điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự 'cộng hưởng tự động' cách mà chúng ta bắt chước tình trạng tâm lý của người khác một cách tự động, ví dụ như khi ta ngáp khi thấy người khác ngáp.

Nhưng chúng ta có độ nhạy cảm khác nhau trong vấn đề này, và các nhà khoa học nhận ra rằng những người có điểm cao hơn trong các bài khảo sát về đồng cảm thường ra nhiều nước bọt hơn khi xem cảnh người khác ăn chanh.

Bài thử nghiệm này thì khó thực hiện hơn ở nhà, nhất là khi bạn muốn cân những cục bông đầy nước bọt!

Bên cạnh đó, để có được kết quả có ý nghĩa, bạn cần so sánh mình đã ra nước bọt nhiều bao nhiêu so với một hoặc hai người khác.

Tôi nghĩ rằng bài thử nghiệm này sẽ khá phù hợp ở nhà trường hoặc đại học.

Hagenmuller và nhóm của bà nói bài sát hạch sự đồng cảm bằng chanh có thể phục vụ một số mục đích nghiêm túc - ví dụ như đánh giá sự đồng cảm ở những người không muốn hoặc không có khả năng thực hiện những bài khảo sát - chẳng hạn như những người bị bệnh tự kỷ.

Lợi thế của bài kiểm tra dựa trên video ăn chanh là nó không cần sự tham gia một cách có ý thức của người tham gia thử nghiệm. Họ chỉ cần ngồi một chỗ và xem video.

Vì vậy nếu một lúc nào đó, bạn có trong tay một giỏ chanh, bạn sẽ có sự lựa chọn. Bạn có thể làm nước chanh, hoặc có thể bắt đầu một cuộc thử nghiệm. Tôi tò mò không biết sự lựa chọn đó sẽ nói lên điều gì về cá tính của bạn.

Theo BBC Future