Giáo viên dạy tiếng Anh nói gì về video chê phát âm của thầy Mỹ?
Video gần đây của Dan Hauer, thầy giáo người Mỹ dạy tiếng Anh ở Hà Nội, thu hút hơn 2 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày xuất hiện, khiến dư luận dấy lên tranh cãi. Nhiều giáo viên và những người hay làm video chia sẻ cách học tiếng Anh đã tham gia bày tỏ quan điểm.
Đa số ý kiến đồng tình với những lỗi sai mà thầy giáo người Mỹ chỉ ra. Sau đó, họ chia làm hai luồng quan điểm khác nhau. Một số khen ngợi những điều thầy Tây làm là sự thẳng thắn "đáng yêu" của người Mỹ, trong khi số khác cho rằng thầy "thiếu tế nhị".
Đã sai thì phải sửa
Trong bối cảnh một số thầy cô tại các trung tâm bị "bóc mẽ", nhiều giáo viên dạy tiếng Anh thừa nhận điểm yếu của bản thân, đặc biệt là kỹ năng nói.
Cô Nguyễn Thanh Uyên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân tích thực tế, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến tại Việt Nam khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Trước đó, tiếng Pháp và tiếng Nga phổ biến hơn.
Do sự xa lạ về mặt ngôn ngữ, những lớp giáo viên dạy tiếng Anh người Việt đầu tiên đã đẩy cách phát âm tiếng Anh về gần phát âm tiếng Việt. Qua nhiều thế hệ học sinh lớn lên, trưởng thành và trở thành thầy cô, cái sai đó ngày càng trở thành vệt hằn khó chữa.
Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giáo viên có cơ hội tiếp xúc thế giới bên ngoài. Do đó, họ không nên "khư khư giữ lấy cái sai" mà phải sửa để đáp ứng với xu thế.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Cúc, từng dạy ngoại ngữ và tham gia hoạt động trong một số tổ chức phi chính phủ, đánh giá phát âm chuẩn giọng Anh/Mỹ là một yêu cầu khó. Tuy nhiên, phát âm đúng để người khác có thể hiểu là chuyện khác. Thậm chí, đây được coi là yêu cầu tối thiểu để đạt mục đích giao tiếp.
Theo cô Cúc, người học tiếng được phép mắc lỗi, nhưng mắc lỗi xong thì phải sửa để không sai lần nữa. Còn giáo viên, từ một góc độ thì cũng chỉ là người học. Họ cũng có thể mắc lỗi. Lỗi của người học tiếng chỉ ảnh hưởng bản thân họ, trong khi lỗi của người dạy ảnh hưởng cả một thế hệ. Thế nên, giáo viên phải có trách nhiệm với những gì mình truyền đạt.
"Vấn đề không chỉ đơn giản là sai thì sửa, mà là làm sao để thay đổi sự dễ dãi, cẩu thả, thiếu trách nhiệm và vô tâm của những người tự cho mình là thầy đó", cô Cúc nêu quan điểm.
Nội dung video gần đây của thầy Dan làm dấy lên cuộc tranh cãi do sử dụng đoạn trích của giáo viên người Việt tại một số trung tâm tiếng Anh làm minh họa.
Đồng tình với cô Cúc, một thầy giáo giấu tên cho rằng anh không thấy Dan có lỗi. Ngược lại, anh phải cảm ơn Dan vì đã chỉ ra những lỗi cơ hữu mà mình và các đồng nghiệp dễ mắc phải.
"Tôi thấy giáo viên Anh ngữ và những bạn học tiếng Anh một cách say mê sẽ rất quý những video mà Dan đã làm. Ngược lại, chỉ những người hay đố kỵ hoặc vị kỷ khi không dám chấp nhận cái dở của mình mới phản ứng quá lố", người đàn ông này nhấn mạnh.
Trong khi đó, Lena Trang, một người hay chia sẻ về cách học tiếng Anh trên YouTube, ủng hộ Dan trong việc các giáo viên và trung tâm phải có trách nhiệm với những gì mình dạy. “Nếu phát âm không chuẩn thì không nên dạy phát âm”, cô nói.
Làm sao để nói tốt?
Lena Trang cho biết trong số những lỗi mà thầy giáo Mỹ nêu ra, một số lỗi khá quan trọng như nói quá nhanh nên bị nuốt câu. Cô khuyên mọi người nên bình tĩnh, nói chậm lại để kết quả tốt hơn.
Trong khi đó, Annie, du học sinh Australia - người hay làm video chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh - cho rằng muốn nói tiếng Anh tốt, mọi người phải nghe nhiều để có thể nhận ra cái sai để sửa.
Tiếp đến, học viên nên học cẩn thận cách phát âm. Bên cạnh đó, cô cho rằng những người ở trình độ vừa phải không nên học nuốt âm, nối âm hay chuyển âm bởi đó là những hiện tượng khó, chỉ những người giỏi tiếng Anh mới có thể sử dụng một cách tự nhiên.
"Thậm chí, người ta còn không nhận ra mình đang sử dụng những hiện tượng đó. Bởi, họ phát âm chuẩn, nói nhiều và nhanh thành quen trong khi đó là những hiện tượng tất yếu sẽ xảy ra chứ không phải do học mà thành", Annie chia sẻ.
Ngoài ra, cô khuyên mọi người nên chọn kênh học phù hợp với bản thân và nhờ những người giỏi hơn sửa phát âm.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Vì sao Bộ GD&ĐT dừng cuộc thi giải Toán, Tiếng anh qua mạng?
- Chuyên gia Mỹ khuyên bố mẹ học tiếng Anh cùng con qua Youtube
- Năm học 2017-2018: Bộ GD&ĐT dừng thi giải toán, tiếng Anh trên mạng
- Học tiếng Anh: Cách dùng So, Too, Neither, Either nhiều người dễ nhầm
- Học tiếng Anh: Mẫu câu cơ bản gọi đồ uống trong quán cà phê
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua