Hành trình tìm kiếm 90% khả năng nghe nói của con gái NSƯT Hạnh Thúy
Cô bé tuổi mười sáu Thúy Anh - con gái Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hạnh Thúy - có nụ cười thật tươi, cứ quấn quýt bên mẹ. Ngày được nghỉ học, Thúy Anh cùng mẹ lang thang khắp Sài Gòn. Mẹ gặp bạn, Thúy Anh ngồi riêng một góc, thỉnh thoảng lại chạy đến khẽ “thơm” lên tóc mẹ, rồi lại trở về chỗ ngồi.
Nhìn cách Thúy Anh nũng nịu quấn mẹ, nghe Thúy Anh thỏ thẻ trò chuyện với mẹ, chắc chắn không ai nghĩ cô “tiểu thư” nhõng nhẽo ấy đã xin mẹ đi làm thêm từ khi mới mười ba tuổi. Càng bất ngờ hơn nếu biết rằng cách đây hơn mười bốn năm, mẹ Thúy Anh đã từng chết điếng khi nghe bác sĩ thông báo bé Xí Muội (tên ở nhà của Thúy Anh) chỉ còn chưa đến 10% khả năng có thể nghe - nói được.
Không bỏ cuộc
“Đất trời như sụp đổ dưới chân. Cố gắng bám víu một tia hy vọng nhỏ nhoi, tôi hỏi bác sĩ liệu có cách nào không, để rồi tôi như bị dội một gáo nước lạnh với câu trả lời: “Muốn nghe con nói thì đẻ đứa khác!”. Tôi không còn nhớ bộ dạng, cảm xúc của mình khi đó ra sao, chỉ còn nhớ một số y tá, bác sĩ khác thấy tình cảnh của tôi khi đó, đã cho Xí Muội vào đo lại thính lực với hy vọng mong manh: biết đâu đã có một sự nhầm lẫn, biết đâu máy móc đã bị trục trặc… Nhưng rồi, đã không hề có bất kỳ một sự trục trặc nào” - mười bốn năm đã qua, nhưng NSƯT Hạnh Thúy vẫn thảng thốt khi nhắc lại chuyện cũ.
Nụ cười của mẹ con NSƯT Hạnh Thúy sau những ngày tháng đau thương.
Vợ chồng Hạnh Thúy được yêu cầu đặt máy nghe cho con như tất cả những đứa trẻ có vấn đề về thính lực khác. Khi đó, để mua được chiếc máy đầu tiên, vợ chồng NSƯT Hạnh Thúy đã phải vay muợn nhưng cũng chỉ đủ tiền mua cho con loại máy bình thường, kèm theo lời khuyến cáo: nếu có điều kỳ diệu xảy ra, Xí Muội cũng chỉ có thể nghe và nói được các nguyên âm.
Bị sởi rubella trong thời gian đầu của thai kỳ, NSƯT Hạnh Thúy từng lo đến thót tim mỗi lần siêu âm, kiểm tra thai nhi định kỳ trong suốt quá trình mang thai. Ngày sinh con, nhìn con lành lặn, Hạnh Thúy mới bớt âu lo. Nhưng linh cảm của người mẹ vẫn khiến chị luôn có cảm giác bất ổn. Nhiều lần chị tự hỏi: sao nhà làm sắt ồn vậy mà con không bao giờ giật mình? Nhưng lo lắng lại được khỏa lấp khi nhiều lần thử gọi con, vợ chồng chị vẫn thấy Xí Muội quay đầu lại và cười.
Con mười tám tháng, Hạnh Thúy chơi vơi với nỗi đau của người mẹ có con bị khiếm thính. Con càng xinh xắn, đáng yêu, Hạnh Thúy càng đau đớn trước viễn cảnh con không thể nghe, không thể nói, không thể gọi mẹ, kêu ba… Có lần, bồng con đứng ở cửa sổ tầng một, Hạnh Thúy đã nhìn xuống đường và nghĩ: “Độ cao này liệu đã đủ để kết thúc?”.
Gia đình Hạnh Thuý
Đúng ở thời điểm tuyệt vọng nhất, một hình ảnh chợt bắt gặp trên đường đã làm Hạnh Thúy trở thành con người khác. “Nhìn người mẹ cõng đứa con bị liệt to cao hơn mình trên lưng, nghe mọi người kể, đứa con sinh ra đã bị bại não nhưng bao nhiêu năm nay, chị vẫn kiên trì đưa con đi tập vật lý trị liệu, bao nhiêu năm nay chị vẫn không thôi hy vọng tìm lại cho con những cử động bình thường nhất. Tôi bỗng thấy mình vẫn hạnh phúc hơn chị gấp nhiều lần. Trong tình huống xấu nhất, bé Xí Muội cũng chỉ mất khả năng nghe và phát âm, nhưng con vẫn có thể tự giao tiếp, tự chăm sóc bản thân. Tôi không có bất kỳ lý do gì để bỏ cuộc và cũng không được phép dừng bước trên hành trình cùng con đi tìm thanh âm. Tôi đã thề với lòng: nếu con không thể nghe nói, sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường thì cả cuộc đời này tôi sẽ không sinh thêm bất cứ đứa con nào, sẽ chỉ tập trung mọi thứ và sống và bên cạnh con suốt đời” - chị chia sẻ.
Tự tạo dựng cho mình một niềm tin, NSƯT Hạnh Thúy bình tĩnh hơn và bắt đầu nhận ra Xí Muội có rất nhiều cơ hội để tiếp nhận âm thanh và phát triển ngôn ngữ. Ngày đầu tiên đeo máy là một ngày trọng đại, chồng chị mở một bản nhạc giao hưởng và đặt con ngồi giữa phòng, đeo máy rồi mở nhạc.
Xí Muội mở to mắt đón nhận âm thanh - có lẽ đầu tiên trong đời - rồi mỉm cười. Cô bé khóc khi ba tắt nhạc. Con ngồi nghe nhạc đến hơn 30 phút mới chịu thôi. Phản ứng của con khiến Hạnh Thúy rộn lên một niềm hy vọng và tin rằng mẹ con chị sẽ thành công. Hai mẹ con bắt đầu một hành trình mới.
Không nhận tập kịch dài, không nhận đóng phim, nhưng không thể ở nhà vì thời đó hai vợ chồng còn rất khó khăn, Hạnh Thúy chỉ dám nhận chạy show diễn hài để có nhiều thời gian cho con hơn. Không chỉ tập cho con phát âm từng nguyên âm, Hạnh Thúy kể mình còn “mắc bệnh” nói nhiều từ đó.
Chị có thể nói chuyện với con mọi lúc ở bên cạnh con, nói đủ thứ chuyện trên đời dù biết chắc chắn con không thể hiểu hết những gì mình nói. Khi đó, Hạnh Thúy chỉ nghĩ đơn giản, cho con nghe thật nhiều âm thanh để con quen dần, rồi hy vọng con sẽ bật thành tiếng theo phản xạ tự nhiên.
Quả ngọt
Bảy tháng miệt mài, lần đầu tiên nghe con ngọng nghịu gọi ba, Hạnh Thúy mừng như vừa mở được chiếc rương chứa đầy châu báu. Như hiểu kỳ vọng của mẹ, Xí Muội rất chịu “hợp tác”, cố gắng và tiến bộ khá nhanh. Con hào hứng vì vừa bật được một âm thanh mới lạ thì mẹ lại mừng rơi nước mắt.
Yêu con, khát khao chờ nghe từng âm thanh của con nhưng không phải bao giờ mọi thứ cũng trơn tru. Chưa bao giờ ân hận vì đã từng phải tạm chia tay với sân khấu, vai diễn để chăm sóc con, xác định mẹ và con sẽ không bao giờ bỏ cuộc, nhưng đôi lúc Hạnh Thúy cũng không thoát khỏi áp lực của cuộc sống, khiến cô suýt phạm sai lầm.
Có lần, khi nhận thấy con chỉ nói được nguyên âm, Hạnh Thúy nôn nóng ép con phải nói cho được tất cả. Thèm coi ti vi, Xí Muội ngọng nghịu phát âm đủ kiểu nhưng không thể nói được từ mẹ mong muốn. “Không hiểu vì sao, bỗng nhiên lúc đó tôi nổi giận. Thấy mẹ trợn mắt, la lớn tiếng, Xí Muội sợ hãi khóc ngất và sợ đến mức kể từ lần đó, cháu không bao giờ dám đòi xem ti vi nữa” - Hạnh Thúy nhớ lại.
Tuy nhiên, khó khăn thật sự là thời điểm bé bắt đầu đến tuổi vào tiểu học. Do cô bé vẫn không phát âm rõ chữ và chỉ nói vài từ chứ không thể nguyên câu nên nhiều người khuyên Hạnh Thúy nên cho con học trường của trẻ khuyết tật để con có đủ thời gian tiếp thu kiến thức và không bị mặc cảm vì thua thiệt bạn bè.
Đắn đo suy nghĩ, Hạnh Thúy nhận ra rằng, với con gái, điều quan trọng nhất không phải là lượng kiến thức con tiếp thu được trong mỗi năm học mà là khả năng thích nghi, hòa nhập với cuộc sống như tất cả những đứa trẻ bình thường cùng trang lứa. Tại sao không cho con một cơ hội, một môi trường để con cố gắng vươn lên và hòa nhập. Nếu con không thể thích nghi, đưa con trở lại trường học chung với trẻ khiếm thính cũng không muộn. Với suy nghĩ đó, hai mẹ con lại bắt đầu một “cuộc chiến” mới.
Và Hạnh Thúy đã đúng. Với sự giúp đỡ của cô giáo và các bạn, chỉ sau một học kỳ, Xí Muội đã tiến bộ ngoài mong đợi, đã có thể nói trọn vẹn cả câu mà không ngắc ngứ. Nhưng quan trọng hơn cả, cô bé tự tin, năng động và vui vẻ hơn rất nhiều so với lúc chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ.
Cho đến lúc đó, Hạnh Thúy mới thực sự bước qua nỗi buồn của người mẹ có đứa con không lành lặn như những đứa trẻ khác. Hạnh Thúy thôi cho con đội mũ lụp xụp để che tai mỗi khi ra đường, thôi thót tim mỗi khi có ai hỏi “bé đeo gì ở tai”. Gạt bỏ suy nghĩ con sẽ thua kém bạn bè, Hạnh Thúy lại cùng con bước tiếp một hành trình mới: trao cho con sự tự tin và khả năng tự chăm sóc, tự làm chủ cuộc đời mình.
Cho đến bây giờ, Xí Muội đã có thể học tiếng Nhật, học đàn organ, violon, leo núi, bơi lội, chơi cầu lông, chạy xe đạp địa hình, nấu ăn, làm bánh... mà không gặp chút khó khăn nào.
Năm con thi chuyển cấp vào lớp 10, vì lo lắng cho Xí Muội, cô giáo chủ nhiệm đã tư vấn cho Hạnh Thúy nên ghi con bị khiếm thính để lấy 2 điểm ưu tiên dành cho người khuyết tật. Hạnh Thúy từ chối với suy nghĩ: thà con thi lại vài lần chứ không lấy hai điểm thương hại đó. Và Xí Muội đã làm được điều mong muốn khi đạt 27,5 điểm, đủ điểm vào lớp 10 trong niềm vui và sự hãnh diện của Hạnh Thúy về cô con gái cưng.
Không còn giấu khiếm khuyết của con, nhưng Hạnh Thúy cũng không chia sẻ điều đó với bất kỳ ai. Nhưng thật bất ngờ, chính Xí Muội lại là người chia sẻ chuyện của mình trong bài viết ở cuộc thi Viết tiếng Anh cùng APC năm 2017 để giành suất tham dự trại hè APC (American Paradise Camp - trại hè quốc tế “phong cách Mỹ”) năm nay. Với yêu cầu viết một bài văn ngắn, kể lại kỷ niệm với người mình yêu quý nhất, cô bé đã không ngần ngại kể lại cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp của mình và mẹ.
“Con đã mạnh mẽ đối diện với khiếm khuyết của mình thì không có lý do gì để mẹ lại nói không. Nếu hỏi bí quyết nào để mẹ cùng con đạt được những điều tuyệt vời này, tôi chỉ có thể nói một điều: đừng tuyệt vọng, đừng bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để con khám phá, thử thách, thể hiện mình, đừng bao giờ coi con mình là người khiếm khuyết mà phải coi con như một kỳ quan cần chế độ chăm sóc, bảo trì đặc biệt, yêu con và bên cạnh con nhiều nhất có thể, chỉ có vậy mà thôi” - ánh mắt Hạnh Thúy lấp lánh niềm vui.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Hành trình tìm lại thính lực cho con của diễn viên Hạnh Thúy
- Quý tử nhà Thanh Thúy - Đức Thịnh theo bố mẹ sang Australia quảng bá phim
- Mảng tối xót xa trong tình yêu của các nghệ sĩ chuyển giới
- Nghệ sĩ Việt nô nức tới dự buổi ra mắt phim 'Cha cõng con'
- 2 nam tài tử giàu có nhưng sống bình dị khiến nghệ sĩ trẻ phải suy ngẫm
- Hai vợ chồng cùng thấp, Hòa Minzy sốt sắng hỏi cách phát triển chiều cao cho con để cao vượt bố mẹ
- Ở tuổi 24, Quang Hải giàu cỡ nào?
- Mẹ đảm Sài Gòn chia sẻ công thức làm hũ dinh dưỡng thay thế bất kỳ bữa ăn nào trong ngày cho con, ngon - bổ - rẻ mà lại siêu tiện lợi
- Đầu năm trò chuyện với Lương Thế Thành: Ông bố dạy khéo và chiều con nhất nhì showbiz Việt, hé lộ kế hoạch đón thêm thành viên mới
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua