Hãy dừng ngay việc nhục mạ con bởi đó là cách giáo dục sai lầm!
Một số ông bố, bà mẹ dùng nhiều cách để gây áp lực lên con trẻ, như đe dọa bằng các hậu quả được thổi phồng, kể tội trẻ đến từng chi tiết, thậm chí bêu riếu con mình lên mạng xã hội.
Những cách này có thể gây tác động lên con trẻ ngay lập tức (theo mong muốn tức thời của bố mẹ), nhưng về lâu dài, chúng có thể để lại các hậu quả vô cùng tai hại đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Cách thức này không phải là một công cụ hiệu quả để uốn nắn hành vi của con trẻ.
Lời nói nặng ngàn cân
Có thể chính bạn đã nhiều lần vô ý dùng lời nói nhục mạ con trẻ. Có ba cách thức phổ biến được liệt vào hình thức nhục mạ con cái.
Đầu tiên là việc kể những hậu quả dễ sợ, những ví dụ đáng xấu hổ để tìm cách điều khiển suy nghĩ của con trẻ, chẳng hạn như nói: ‘Nếu con còn làm như thế thì ông kẹ sẽ bắt con đi đấy’ hay ‘Mẹ biết có đứa làm thế rồi đầu bị cạo trọc lóc’. Đe dọa như vậy sẽ làm trẻ hiểu sai về tính chất của sự việc; đến một lúc nào đó trẻ sẽ tự dần hiểu ra những lời đe dọa như vậy là không đúng, dẫn đến mất lòng tin vào bố mẹ.
Thứ hai là cách đem những chuyện cá nhân, những ‘tội lỗi’ mà trẻ phạm phải, đưa ra các chốn công cộng và mong áp lực xã hội gây ảnh hưởng lên trẻ. Với sự có mặt của mạng xã hội và các dịch vụ tương tự, bố mẹ lại còn có thể kể tội trẻ với cả bạn bè và người lạ.
Đã từng có trường hợp trẻ phải chịu đựng sự chế giễu của bạn bè ở trường trong một thời gian dài, chỉ vì bố mẹ muốn chấn chỉnh kỷ luật ở nhà. Đối với trẻ, hành động của bố mẹ được xem là một sự ‘phản bội’. Bố mẹ phải là người đứng bên cạnh ủng hộ trẻ, chứ không phải là người biến thế giới xung quanh thành kẻ thù của trẻ.
Cuối cùng là những câu nói đánh vào chính mong muốn kết nối tự nhiên của trẻ với bố mẹ, chẳng hạn như: ‘Bố thật xấu hổ vì con’ hay ‘Con hư như thế này thì mẹ không muốn nuôi nữa’. Đây là cách thức nhục mạ làm trẻ cảm thấy xấu hổ về chính mình, điều này giẫm đạp lên thiên tính mong làm hài lòng bố mẹ để được yêu thương của trẻ, nên rất tai hại.
Tất cả các cách thức này thường gây tác động lên trẻ rất nhanh chóng, làm cho bố mẹ cảm thấy chúng có hiệu quả, nhưng hậu quả lại rất nặng nề, khó sửa chữa, đẩy trẻ về phía ngược lại, khiến chúng lặp lại hành vi xấu nhiều hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại sao lời nhục mạ không có hiệu quả?
Các bậc cha mẹ thường không hiểu rằng tình cảm ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của trẻ. Ví dụ, nếu bạn la mắng trẻ quá nặng lời, sau đó cảm thấy có lỗi hay hối hận, bạn sẽ muốn thôi không la mắng trẻ nữa. Vậy là, bạn muốn áp dụng cách suy nghĩ này với con, mong trẻ sẽ không lặp lại lỗi lầm nếu chúng cảm thấy xấu hổ.
Tuy vậy, sự xấu hổ và cảm giác tội lỗi lại rất khác nhau. Brené Brown - giáo sư tại trường đại học Houston (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Daring Greatly (tựa tiếng Việt: Sự liều lĩnh vĩ đại), mô tả: cảm giác tội lỗi muốn nói “Tôi đã làm một việc sai”, trong khi cảm giác xấu hổ lại muốn nói ‘Tôi là kẻ xấu’. Dù cho bạn đang phải đối mặt với hành vi nào của trẻ, thì cảm giác xấu hổ không phải là thứ mà bạn muốn ép vào cảm xúc của trẻ.
Tệ hơn, cảm giác xấu hổ lại là thứ cảm giác có thể vương vấn lại rất lâu, lâu hơn cả ý muốn của cha mẹ. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ đến những hành động xấu hổ mà mình đã từng làm trong quá khứ? Trẻ cũng sẽ mãi ghi nhớ những kỷ niệm đó, hơn cả những bài học và niềm vui khác.
Chính vì thế, sự xấu hổ sẽ tiếp tục làm tổn thương lòng tự trọng của con, trẻ sẽ không dám thử thách những chướng ngại mới, sợ sẽ làm sai và bị làm xấu hổ; nhưng thực tế, trẻ đã có thể hoàn toàn thực hiện được việc đó. Nguy hiểm hơn, những lời nói nhục mạ trẻ còn dần dần phá hủy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, điều mà bố mẹ đã phải bỏ nhiều công sức để gầy dựng, nhưng rất khó để sửa chữa.
Thế nào là đúng?
Sự thật là có thể chính bạn đã từng nhiều lần sử dụng cách giáo dục sai lầm này. Nhưng không bao giờ là quá trễ để xin tha thứ. Đúng thế, bạn - một người lớn - cần phải xin trẻ thứ lỗi khi mình phạm sai lầm. Trẻ cần phải thấy được người lớn - và nhất là những người nuôi dưỡng, giáo dục chúng - cũng có thể mắc sai lầm.
Tùy theo những ‘sai phạm’ mà bạn đã làm, như làm xấu hổ trẻ trước mặt bạn bè, bạn cần đưa ra một lời xin lỗi chân tình và hứa với trẻ là mình sẽ không bao giờ sử dụng cách răn đe này nữa. Nếu làm tốt, bạn không chỉ có thể lấy lại lòng tin của con mà còn tạo ra một “vũ khí” lợi hại để thuyết phục trẻ sau này.
Chính mối quan hệ giữa bố mẹ và con là công cụ mạnh mẽ nhất để uốn nắn trẻ. Nhưng vẫn cần phải có một sự cân bằng. Lý tưởng nhất là bố mẹ tạo dựng được một mối gắn kết chặt chẽ để trẻ tự tin vào bản thân mình, và sẵn sàng học tập từ các thất bại hay sai lầm.
Như thế, mỗi lần trẻ không nghe lời bạn, bạn có thể nói chuyện với con về lựa chọn của chúng và làm như thế nào là đúng. Thay vì nói những lời làm trẻ ái ngại, xấu hổ, bạn nên chuyển sang sử dụng các câu nói mang tính khích lệ như: ‘Mẹ muốn biết chuyện gì đã xảy ra’ hay ‘Nói cho bố xem điều này làm con cảm thấy thế nào’ và lắng nghe lý luận, cảm xúc của trẻ.
Tiếp theo đó, bố mẹ hãy chuyển sang bàn luận để trẻ tự nhận ra điều mình nên làm: ‘Theo con thì lẽ ra con đã nên làm khác đi như thế nào?’, rồi củng cố bài học để trẻ nhớ, không lặp lại lỗi lầm: ‘Lần sau con có nên làm thế nữa hay không?’. Sự ủng hộ của bố mẹ sẽ giúp trẻ học tập từ thất bại và làm điều đúng đắn.
Thạc sĩ tâm lý Trần Thiên Linh
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Vì sao cha mẹ Việt thường 'ngại' dạy con về tiền bạc?
- Nguyên tắc cha mẹ cần dạy con ngay để tránh bị xâm hại tình dục
- 5 điều quan trọng bố mẹ nên dạy con khi còn nhỏ
- Mẹ Nhật Nam chỉ 2 sai lầm của nhiều mẹ Việt khi nuôi dạy con
- 8 chìa khóa vàng để dạy con lớn lên thành công trong mọi hoàn cảnh
- Vì sao cha mẹ Việt thường 'ngại' dạy con về tiền bạc?
- Nguyên tắc cha mẹ cần dạy con ngay để tránh bị xâm hại tình dục
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua