Dòng sự kiện:

Học sinh gãy chân trong sân trường: Giáo viên "tố" hiệu trưởng nói sai sự thật

Theo Người lao động
08:30 18/02/2017
Một số giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết Hiệu trưởng đã nói sai sự thật vụ học sinh bị tai nạn gãy chân trong sân trường.

Ảnh chụp X -quang xương chân bị gãy của học sinh Trần Chí Kiên

Liên quan đến vụ học sinh lớp 2, cháu Trần Chí Kiên, bị tai nạn gãy xương đùi ngay trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên (TP Hà Nội) ngày 1-12-2016, trong một văn bản gửi các cơ quan báo chí đề ngày 13-2, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, cho rằng: “Ngày 12-12-2016, bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô Nhung (cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm của học sinh Trần Chí Kiên - PV) mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp. Việc làm phiếu khảo sát là do cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, ban giám hiệu, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”.

Tuy nhiên, ngày 17-2, cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2, cho biết khi đọc bản báo cáo này cô thấy bức xúc vì có nhiều điểm không đúng sự thật. “Sự thực là tôi không hề tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, Ban giám hiệu (BGH) về việc phát phiếu khảo sát. Văn bản viết như vậy là hoàn toàn không đúng sự thật”- cô Nhung khẳng định. Cô Nhung cũng cho biết thêm sau khi đọc báo cáo này, cô đã hỏi thẳng BGH trường rằng tại sao lại viết như vậy thì BGH không trả lời được.

Cô Nhung nói thêm: "Ngay buổi đó, chính một số học sinh trong lớp chơi đùa với cháu Kiên đã kể với giáo viên vì các con chứng kiến sự việc. Có học sinh còn kể chi tiết với tôi: Con chạy sau bạn Kiên, thấy bạn bị xe taxi đâm vào và ngã ra. Cô Hiệu phó đi mở cửa bên này đi xuống xem bạn Kiên có sao không thì con chạy vòng sang cửa xe bên kia, chỗ cô Hiệu trưởng ngồi để mách cô là bạn Kiên bị xe đâm…".

Cô Trần Thị Thu Nhung khẳng định không tư vấn cho nhà trường làm phiếu khảo sát

Nhiều giáo viên khác cũng cho rằng việc nhà trường khẳng định rằng 100% giáo viên ký vào giấy khảo sát cho rằng không có ô tô nào đi vào trường hoàn toàn không đúng sự thật.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, một giáo viên lớp 5, cho biết buổi trưa khi phát phiếu khảo sát, nhiều giáo viên không tham gia trông bán trú nên không có mặt ở trường. Vì thế, không thể nói 100% giáo viên được tham gia vào cuộc khảo sát.

“Khi lấy phiếu khảo sát tới từng lớp thì BGH trường thông báo là làm phiếu khảo sát phục vụ cho công tác thanh tra an toàn trường học vào tháng 3 của phòng chứ giáo viên, học sinh cũng không rõ là khảo sát về vụ việc cháu Kiên”- cô Tú cho biết.

Bức xúc về kết quả khảo sát 100% giáo viên, học sinh nói không có xe ô tô vào trường, cô Vũ Thị Mừng, một giáo viên lớp 3 của trường, cho biết từ khi xảy ra vụ việc, các giáo viên trong trường phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Danh dự và uy tín của tập thể giáo viên trong trường cũng bị ảnh hưởng. “Đọc những bình luận trên báo chí cho rằng giáo viên trường Nam Trung Yên đồng tình che giấu sự việc, đồng tình dối trá, tôi rất buồn. Bạn bè ở khắp nơi cũng gọi điện hỏi thăm về vụ việc vì không hiểu rõ và đánh giá không tốt nhân cách, đạo đức của chúng tôi” - cô Mừng bức xúc chia sẻ.

Theo cô Nhung, để xảy ra sự việc như thế này, bản thân cô cũng thấy có trách nhiệm với học sinh của mình. “Tuy nhiên, tôi nghĩ ai làm gì thì người đó rõ nhất và họ phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Là người lớn chúng ta hãy sống sao cho đúng với lương tâm”- cô Nhung nói.

Trước đó, sáng 17-2, anh Trần Trí Dũng (bố cháu Kiên) đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và báo chí, trong đó phản bác lại 7 điều mà theo ông không đúng sự thật trong phần trả lời của cô Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên.

Cụ thể, anh Dũng cho biết, việc gia đình mong muốn giáo viên khảo sát tìm nguyên nhân gây tai nạn là không đúng; việc cô Ngọc giải thích do phải gây mê còn mệt nên phải đi taxi vào trường cũng không hợp lý. Ngoài ra, anh Dũng cũng cho rằng cô Ngọc bất nhất trong báo cáo về sự việc cả trước và trong quá trình điều tra, lúc thì cô khẳng định không có ô tô vào trường, lúc khác lại nói là có. Phụ huynh này cũng cho hay cảm thấy buồn khi cả tập thể giáo viên của trường không biết do cố tình hay bị ép buộc mà đồng lòng bao che cho sai trái. “Gia đình chúng tôi rất bức xúc trước sự việc này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan theo chỉ đạo từ Phó Thủ tướng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội” - anh Dũng nói.

Được biết UBND quận Cầu Giấy vẫn chưa có quyết định điều chuyển đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc.

Ngày 1-12-2016, học sinh lớp 2 Trần Chí Kiên bị ngã gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên. Nhà trường cho rằng, học sinh tự chạy bị ngã, không có xe ô tô vào ra sân trường hôm xảy ra sự việc. Tuy nhiên, gia đình cháu bé cho rằng cháu bị chiếc xe taxi đi vào sân trường va chạm khiến gãy chân.

Ngày 6-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị xử lý, đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của trường chờ điều tra. Đến thời điểm này, vụ việc vẫn chưa có kết luận và hình thức xử lý.

Nguồn: Gia đình Việt Nam