Dòng sự kiện:

Hướng dẫn cách cúng thôi nôi cho bé sao cho chuẩn và tròn vẹn nhất

08:21 07/04/2017
Lễ cúng thôi nôi là lễ cúng vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Lễ thôi nôi được xem như một nghi thức cúng (về mặt tâm linh) báo cáo với các vị thần và ông bà tổ tiên để công nhận trẻ...

Lễ cúng thôi nôi là gì?

Lễ thôi nôi cho bé được tổ chức để đánh đấu ngày sinh nhật đầu đời của con. Lễ cúng thôi nôi ngoài việc có ý nghĩa như nghi thức cúng báo cáo cho các vị thần đỡ đầu trẻ và ông bà tổ tiên như đã nói ở trên. Lễ này còn có ý nghĩa để cha mẹ và những người thân cầu mong những điều tốt đẹp cho bé. Đối với người Việt, lễ thôi nôi mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người.

Từ “thôi nôi” có nghĩa đen là trẻ không dùng nôi nữa mà chuyển qua dùng giường để ngủ. Điều này cũng có nghĩa bóng là trẻ đã bắt đầu lớn, bắt đầu phát triển toàn diện như một cá thể độc lập trong cộng đồng.

Lễ thôi nôi thường được tính theo ngày sinh âm lịch và tính theo giới tính của bé. Qui luật chọn ngày sẽ là “trai kém 2, gái kém 1”. Nghĩa là nếu bé là con trai, thì tính từ ngày sinh nhật theo âm lịch của bé lùi xuống 2 ngày và nếu bé là con gái thì sẽ lùi xuống 1 ngày. Lễ thôi nôi thường được cúng vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, tùy vào sự lựa chọn của gia đình bạn.

Lễ thôi nôi cho bé được tổ chức để đánh đấu ngày sinh nhật đầu đời của con. Ảnh minh họa

Mâm cúng trong lễ thôi nôi cho bé

Tùy theo văn hóa vùng miền, đồ cúng lễ thôi nôi cho bé có thể gồm cả 3 mâm:

  • Mâm cúng Thần tài – Thổ địa
  • Mâm cúng Ông Táo
  • Mâm cúng 12 Mụ Bà và Đức Ông

Danh sách những món phổ biến và cần thiết trong các mâm cúng chắc hẳn không thể thiếu trái cây, xôi, chè. Tìm hiểu chi tiết, bạn có thể chuẩn bị theo danh sách các món dưới đây cho mỗi loại mâm cúng.

Mâm cúng Thần tài – Thổ địa & Mâm cúng Ông Táo:

  • 1 đĩa trái cây ngũ quả nhiều màu sắc
  • 1 chén chè đậu xanh
  • 1 đĩa xôi đậu xanh hoặc xôi gấc
  • 1 bộ tam sên gồm thịt, trứng, tôm hoặc cua; đặc biệt với cua, tuyệt đối không chọn con sứt mẻ, gãy càng. Mọi thứ trên mâm cúng cần phải chỉn chu, tươm tất.
  • 3 ly nước, hoa, hương để thắp.
  • Các lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng thôi nôi được đặt ở ngoài sân. Ảnh minh họa

Mâm cúng 12 Mụ Bà và Đức Ông:

1 con gà luộc nguyên con, đầy đủ các bộ phận. Lưu ý đặt gà lên đĩa với thế đàng hoàng, đầu ngẩng cao.

  • 1 đĩa trái cây
  • 12 đĩa xôi nhỏ kèm 1 đĩa xôi lớn
  • 12 chén chè, 12 chén cháo
  • Nước hoặc rượu trắng, hoa và hương để thắp
  • Bộ giấy tiền cúng thôi nôi; chuẩn bị thêm chén, đũa, muỗng, đặc biệt nên có 1 đôi đũa hoa bởi theo quan niệm dân gian, Bà Mụ thích dùng đũa này.

Các nghi thức và lời khấn trong nghi lễ thôi nôi

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, người lớn trong nhà sẽ thực hiện các nghi thức cúng như sau:

Nghi thức cúng đất đai diên địa, thổ công thổ chủ:

Người lớn trong nhà thắp nhang, bái lạy và đọc lời khấn: “Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âm lịch), gia đình cháu (nêu họ tên)… bày làm mâm lễ vật, trước cung thỉnh đất đai diên địa, thổ công thổ chủ trước về chứng minh nhận lễ mừng cho cháu (… ) tròn một năm tuổi, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên… ) khỏe mạnh, chóng lớn, ngoan hiền, phù trợ cho gia đình luôn ấm no, hạnh phúc… ”.

Nghi thức cúng Thành Hoàng bổn cảnh; Cửu Huyền thất tổ và ông bà:

Nghi thức này thực hiện giống nghi thức trên với lời khấn tương tự, chỉ thay đổi danh xưng các vị cần khấn cầu cho phải phép.

Nghi thức làm “ba tuần rượu, một tuần trà”

Cũng không khác hai nghi thức trên, người lớn tiếp tục thắp nhang và khấn vái.

Nghi thức đoán vận mệnh

Sau khi “ba tuần rượu, một tuần trà” kết thúc, em bé sẽ được đưa đến một khay đồ vật gồm 12 món tượng trưng cho các nghề nghiệp của xã hội bao gồm công, nông, ngư, thương,…Chẳng hạn, bạn có thể bày trên khay các vật dụng như nắm xôi, cái lược, tập viết, sách, kéo, búa, bao tiền,… Nếu bé cầm vật gì lên trước trong số các món được bày trước mắt thì sau này bé sẽ theo nghề ấy mà phát triển như quan niệm của dân gian từ bao đời nay.

Nghi lễ mừng tuổi

Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà nghi thức này được thực hiện hay không? Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của nghi thức này đó chính là mở đầu cho mọi điều tốt đẹp mà sau này bé sẽ được thụ hưởng. Vì thế, vấn đề vật chất không nên đặt nặng.

Sau tất cả những nghi thức này, gia đình và khách mời có thể cùng vào bàn và tiệc tùng mừng cho dấu mốc quan trọng của cháu bé.

Thôi nôi là một nghi lễ rất ý nghĩa, mang nét đẹp của tín ngưỡng văn hóa dân gian cần được nhìn nhận và gìn giữ dưới những góc độ nhân bản. Những biến dạng méo mó của nghi lễ này theo các giá trị vật chất sẽ làm mai một dần nét đẹp đáng trân quý này. Do đó, hơn ai hết, chính các bậc sinh thành phải là những người trước hết có được sự nhìn nhận đúng đắn ý nghĩa ngày thôi nôi của con mình.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam