Dòng sự kiện:

Hướng dẫn mẹ cách bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương

14:18 09/09/2016
Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho.

 

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị còi xương

Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Do thiếu kiến thức về chế độ chăm sóc trẻ nên nhiều cha mẹ đã không phát hiện sớm bệnh còi xương. Khi thấy trẻ có những biểu hiện thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, ra nhiều mồ hôi khi ngủ và hay bị giật mình, rụng tóc vùng sau gáy… có thể bé đã mắc bệnh còi xương.

Ngoài ra, khi mắc bệnh còi xương, trẻ sẽ có các biểu hiện ở xương như thóp rộng, bờ thóp mềm, đầu bẹp cá trê, dô ức gà, cong vẹo cột sống, chân cong hình chữ bát, chân vòng kiềng…

Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Ảnh minh họa

Dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương

Chăm sóc trẻ bị còi xương, trước hết cha mẹ cần cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, trẻ không thể cao được nếu chế độ ăn thiếu năng lượng, bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm… hàng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn. Cha mẹ cũng nên ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa.

Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm: cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm: trứng, sữa, thủy sản, thịt… đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, thịt cóc, con hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú đến 2 tuổi, nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi, khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá. Hơn nữa canxi trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác.

Ăn nhiều rau xanh quả chín, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…

Chế độ ăn cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như: vitamin D, vitamin A, canxi, kẽm, sắt… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ bị còi xương cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ảnh minh họa

Cách phòng bệnh còi xương cho trẻ

- Khi có thai các bà mẹ phải làm việc nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị đẻ non, có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.

- Sau khi sinh cả mẹ và con không nên ở trong phòng tối và kín, phòng ở thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.

- Sau khi sinh 2 tuần cho trẻ ra tắm nắng 15 - 20 phút/ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ).

- Cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông.

- Khi trẻ ăn bổ sung: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG