Dòng sự kiện:

Khi nào con được ăn cơm hả mẹ?

14:00 11/11/2015
Thông thường tuổi thích hợp để bé ăn cơm là lên 2. Trong độ tuổi 18 đến24 tháng, bé có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nát và cháo đặc.
 

 

Cơm là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng nhưng chọn thời điểm nào để bắt đầu cho bé tập ăn cơm và tập ăn như thế nào là câu hỏi của nhiều bậc phụ huynh. 


Khi cho bé ăn cơm sớm, răng hàm bé chưa mọc đủ để nhai kỹ cơm sẽ dẫn đến khó tiêu và gây rối loạn tiêu hóa khiến dạ dày của bé bị ảnh hưởng. Về lâu dài sẽ khiến bé biếng ăn do ăn không ngon miệng và gây nguy cơ suy dinh dưỡng do không hấp thu được dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc ăn cơm sớm sẽ làm giảm lượng sữa cần thiết hàng ngày của bé vì bé đã no bụng và chán bú.

Sau 19 tháng tuổi, khi có ít nhất 16 răng sữa, bé có thể làm quen với cơm nhão tán nhuyễn. Đến độ sau 24 tháng tuổi, bé có khoảng 20 răng thì có thể tập ăn cơm mềm. Thông thường tuổi thích hợp để bé ăn cơm là lên 2. Trong độ tuổi 18 đến24 tháng, bé có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nát và cháo đặc.


Mẹ cũng không nên tập cho bé ăn cơm quá trễ hoặc vì sợ bé nhai chưa quen nên nhiều mẹ thường xay nhuyễn cả cơm và thức ăn cho con – điều hoàn toàn không nên. Vì lúc này bé đã quen với việc ăn nuốt một cách dễ dàng, quên đi phản xạ nhai. Như thế, việc tập cho bé ăn thức ăn thô như người lớn sẽ rất khó khăn, gây nên những thói quen xấu như ngậm cơm, nhơi cơm..

Cơm cho bé chuẩn bị ăn cơm phải mềm hơn cơm người lớn. Khi nấu cơm bình thường của người lớn, có thể chọn ra một phần dùng muỗng đánh nhẹ làm cho vỡ hạt cơm ra rồi đem chưng trong nồi cơm một lần nữa. Nếu khéo léo có thể để nghiêng nồi cơm về một phía để có được phần cơm hơi nhão hơn cho bé.


Bữa cơm cho bé cần đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, lựa chọn những món bé thích và chế biến phù hợp. Thực phẩm nhóm chất đạm cần mềm, thái miếng nhỏ. Thực phẩm nhóm rau cần mềm, màu sắc đẹp, giàu chất xơ, giàu vitamin. Thực phẩm nhóm béo chọn lựa theo sở thích của bé, theo điều kiện kinh tế gia đình. Khi bé ăn cơm, cần linh hoạt, uyển chuyển sử dụng đầy đủ chất béo trong chế biến các món ăn, đáp ứng được nhu cầu rất lớn của bé trong những năm đầu đời.

Một trường hợp phổ biến mà các mẹ thường mắc phải là tỏ ra căng thẳng khi bé không thích ăn cơm, chỉ thích ăn mì gói, bún… Không nên để không khí gia đình quá căng thẳng vì bữa ăn của bé, để bé tự lựa chọn thứ mà mình thích. Nếu bé không thích ăn cơm, cóthể cho bé ăn các món khác cơm nhưng vẫn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ví dụ bé thích ăn mì gói thì có thể thêm chả, trứng, cá… để đảm bảo chất đạm, sau đó cho bé ăn thêm rau, trái cây.


Mẹ cần kiên trì dỗ bé ăn một ít cơm trước rồi mới cho bé ăn món bé thích sau để duy trì thói quen ăn cơm. Ngoài ra, khi bữa chính của bé không phải là cơm, cần bổ sung sữa, các chế phẩm từ sữa, các món ăn vặt… sau đó để bé nhận đủ chất dinh dưỡng. Bữa ăn chính của bé nên kéo dài trong khoảng thời gian 30-40 phút.

Cho con tập nhai cho con ở ngay lứa tuổi ăn dặm

– 6 tháng tuổi: cho trẻ ăn bột loãng rồi chuyển dần sang bột đặc.


– Đến 9 tháng tuổi: cho trẻ chuyển qua cháo, khi nấu cháo không nên xay nhuyễn quá. Các thức ăn như thịt, rau xanh chỉ băm nhỏ là được. Như vậy sẽ kích thích trẻ tập nhai.

– Khi trẻ được 1 tuổi cùng với chế độ ăn cháo đặc thì mẹ nên tập cho trẻ ăn vài thìa cơm nát trước bữa cháo. Cho trẻ ngồi ăn với gia đình, thỉnh thoảng đút cho bé một vài miếng nhỏ thức ăn có trong mâm như miếng rau, thịt hay cá, trứng để bé tập nhai và quen dần với mùi vị nhiều loại thức ăn.

Tập cho trẻ ăn cơm một cách vui vẻ

Bước đầu tập ăn cơm, mẹ không nên đột ngột thay cháo bằng cơm toàn bộ mà vẫn nên duy trì cháo. Ban đầu trẻ có thể chỉ ăn được 1-2 muỗng cơm, còn lại sẽ ăn cháo. Sau đó dần dần mẹ tăng lượng cơm lên một chút và giảm cháo đi. Một mẹo nhỏ là nên cho trẻ ăn cơm khi trẻ còn đói cùng với ít thức ăn xắt nhỏ. Hoặc khi mới tập ăn cơm, một số trẻ thích ăn cơm với nước canh thì mẹ cũng nên chiều ý.


Nên chọn chén dành loại nhựa tốt, có hình con vật ngộ nghĩnh dễ thương để trẻ thích thú. Muỗng chọn loại vừa với miệng trẻ, không nhỏ quá cũng không lớn quá.  Nên có những bữa ăn như phở, mì, nui, miến, bún… thay cho cơm để tránh nhàm chán. Và nên để trẻ tự múc ăn vì trẻ sẽ rất thích khi được tự lập. Nếu trẻ có làm rơi hoặc đổ thức ăn cũng không nên giận dữ la mắng. Hãy khen và dạy trẻ cách múc thức ăn sao cho gọn gàng. Đặc biệt không nên múc một lúc quá nhiều cơm và thức ăn vào chén mà nên múc từng ít một để khi trẻ ăn hết và xin thêm thì ba mẹ có dịp khen để khuyến khích trẻ.

Tạo sự thích thú cho trẻ trong bữa ăn

Thức ăn nấu cho trẻ vẫn phải đảm bảo 4 nhóm chất. Nên có ít nhất là 2 món: 1 món canh và 1 món mặn hoặc xào. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và xắt miếng nhỏ để trẻ nhai được như thịt băm hay đậu phụ sốt cà chua, cá kho…


Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn để trẻ có đủ dinh dưỡng và quen ăn đa dạng các loại thực phẩm. Thường xuyên thay đổi thức ăn cho trẻ theo bữa ăn, theo ngày, theo mùa. Có thể chế biến một số thức ăn mà trẻ thích, dễ ăn để cho trẻ ăn kèm như ruốc thịt (cần làm loại ruốc nhỏ thường gọi là ruốc vừng), muối vừng… Sau bữa ăn cần cho trẻ ăn tráng miệng hoa quả chín.

Thực đơn dinh dưỡng cho bé tập ăn

Khi trẻ bước sang giai đoạn 2-3 tuổi, răng đã mọc đủ để có thể ăn uống đa dạng hơn. Đây chính là tiền đề mẹ có thể giúp bé hứng thú hơn với chuyện ăn uống. Ngoài 3 bữa chính hằng ngày, mẹ nên cho bé ăn thêm bữa phụ để cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cho bé phát triển toàn diện. Mẹ có thể tham khảo những món ngon sau để chuẩn bị cho con theo từng bữa:
-Thực đơn bữa sáng: Bánh mì chấm sữa hoặc ăn kèm trứng ốp la, ngũ cốc và sữa tươi, súp cua, nui nấu thịt bằm và rau củ, bún sườn non, cơm chiên trứng, phở bò…
-Thực đơn bữa phụ sáng: Các loại nước trái cây, các loại hoa quả, bánh flan, sữa chua, sữa…
-Thực đơn bữa trưa: Cơm nát khoảng 2 lưng bát ăn kèm những món như: Đậu phụ sốt cà, canh súp khoai tây, tôm ram thịt, canh bông cải xanh, gà kho, cá sốt cà, canh cải bó xôi,…
-Thực đơn bữa xế: Bánh bông lan, các loại hạt, thức ăn vặt thân thiện,…
-Thực đơn bữa tối: Cơm nát khoảng 2 lưng bát ăn kèm thịt kho trứng, tôm rim, cá khi, cánh gà chiên nước mắm, bò nấu đậu, canh rau củ,…
-Thực đơn trước giờ ngủ khoảng 1-1 tiếng rưỡi: Sữa nóng, sữa chua, hoa quả, súp nóng,…

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam