Làm thế nào để lấy lại vóc dáng như trước khi có thai?
Mẹ lên cân chưa chắc con lên cân
Thực tế, rất nhiều chị em lo lắng sợ thai nhi không đủ cân, suy dinh dưỡng nên cố gắng ăn rất nhiều trong thời gian mang thai và ngay cả trong thời kỳ hậu sản. Thực ra, không có mối liên quan tỷ lệ thuận giữa mức độ tăng cân của mẹ và trọng lượng thai nhi, có nghĩa có trường hợp mẹ tăng cân rất nhiều nhưng thai lại nhẹ cân suy dinh dưỡng, ngược lại cũng có những trường hợp mẹ tăng cân ít nhưng con lại khá to. Điển hình là hai trường hợp người bệnh đã từng theo dõi thai và sinh con tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Trường hợp thứ nhất là chị Trần Nguyễn M., 35 tuổi (ngụ TP.HCM). Chị M. chia sẻ: “Vợ chồng tôi lấy nhau 8 năm mới có thai. Vì khó có con nên lúc mang thai tôi được chăm sóc rất kỹ, bồi dưỡng đủ chất dinh dưỡng với mong muốn con thật khỏe mạnh. Ngoài ra, vì sợ động thai nên tôi cũng không dám đi lại nhiều và thế là suốt thời kỳ mang thai tôi lên 22 kg. Cuối thai kỳ tôi bị tiền sản giật nặng nên phải mổ. Bé sinh ra chỉ nặng 2,5 kg. Sau sinh mổ, tôi cho con bú nên cần phải ăn nhiều để có sữa, cũng như vì sợ đau vết mổ nên không dám tập bất cứ môn thể thao nào. Hiện tại sau sinh 1 năm, tôi không sụt cân được nhiều, chỉ ít hơn lúc mang thai khoảng 4 kg (so với lúc trước khi mang thai là tăng 18 kg). Tôi rất buồn và lo lắng với vóc dáng của mình, để đến giờ tôi cảm thấy rất khó xuống cân, đặc biệt là vùng bụng”.
Trường hợp thứ hai là chị Lê Thị N., 30 tuổi, ngụ Bình Dương. Khác với chị M., trong suốt thời kỳ mang thai, chị N. chỉ tăng 8 kg. Lúc đó, chị rất sợ con sinh ra ốm yếu, không đủ cân nặng. Tuy nhiên, sau khi sinh thì bé được 3,5 kg, và sau sinh 6 tháng chị N. đã lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai.
Ăn đủ chất chứ không phải ăn nhiều
Theo ThS-BS Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược, muốn giữ được vóc dáng như trước khi sinh, phụ nữ cần lưu ý một số vấn đề: đầu tiên là không để tăng cân quá mức trong khi mang thai. Muốn thai nhi phát triển tốt và khỏe mạnh, cần có chế độ ăn hợp lý, đủ chất chứ không phải ăn nhiều (tăng cường thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi, hạn chế đường, tinh bột và chất béo). Mục tiêu tăng cân hợp lý là từ 8 - 12 kg/thai kỳ (trung bình 1 - 1,5 kg/tháng). Việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ khiến việc giảm cân sau này rất khó.
Ngoài ra, da cũng có xu hướng giãn nhanh, rạn da, bụng nhão chảy xệ, hông to, eo to, khó lấy lại vóc dáng cân đối.
Thứ hai, giảm cân sau sinh, nên đặt ra kế hoạch rõ ràng. Thông thường sau khi sinh được 6 tuần, hầu hết chị em đã giảm được một nửa số cân đã tăng trong lúc mang thai. Một nửa còn lại sẽ giảm tiếp trong vài tháng sau đó. Trong thời gian hậu sản (6 tuần đầu), cơ thể cần thời gian để hồi phục, do đó hãy tự cho phép mình nghỉ ngơi 6 tuần trước khi bắt đầu cố gắng lấy lại vóc dáng. Nếu cho con bú, nên chờ sau 2 tháng hãy giảm cân. Mục tiêu giảm 500 - 700 gr/ tuần là hợp lý. Để làm được điều này, chị em cần có chế độ ăn uống hợp lý (giảm 500 calories/ ngày) kết hợp với tập thể dục hằng ngày.
Bí quyết giảm cân
Theo các bác sĩ sản phụ khoa cũng như các chuyên gia thể dục, để giảm cân an toàn, chị em cần nằm lòng một số bí quyết sau: không bỏ bữa, chia các bữa ăn trong ngày ra thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ với những thức ăn đủ dinh dưỡng nhưng ít năng lượng thay vì chỉ ăn 3 bữa chính nhưng ăn nhiều (cách chia làm nhiều bữa nhỏ ít năng lượng sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu, tránh nguy cơ bị tiểu đường, béo phì... sẽ tốt hơn nhiều so với ăn ít bữa nhưng ăn nhiều), ăn chậm, chọn thực phẩm và sữa ít chất béo, chọn đồ ăn vặt như trái cây, rau quả (táo, cam, bưởi, ổi, chuối, cà rốt... là những thực phẩm vừa ít béo, vừa giàu sinh tố và chất xơ), uống nhiều nước khoảng 8 - 9 ly mỗi ngày, chọn món luộc/nướng thay vì đồ chiên/xào và hạn chế ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt và béo.
Ngoài ra, việc cho con bú giúp cơ thể đốt calories nên cũng có tác dụng giúp giảm cân. Thực tế cho thấy, giảm 500 - 700 gr/tuần không ảnh hưởng tới lượng sữa mẹ cũng như sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, giảm cân không nên vội vàng, đừng thực hiện chế độ ăn không đủ hay hạn chế một số loại thức ăn và chất dinh dưỡng.
Làm gì khi bụng nhão?
Vấn đề về vóc dáng sau khi sinh thường gặp như bụng nhão, hông to, eo to hơn trước khi có thai, thật ra tùy thuộc vào yếu tố cơ địa, bởi một số phụ nữ có thể không trở về chính xác cân nặng hay vóc dáng như trước khi mang thai. Chính vì vậy hãy đặt mục tiêu phù hợp với thực tế của mình.
Bên cạnh đó, việc tập thể dục thể thao luôn được khuyến cáo để giúp chị em giữ được sức khỏe và vóc dáng. Tuy nhiên, nhiều chị em do quá nôn nóng nên luyện tập với cường độ khá cao, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi hoặc đau nhức xương cốt. Theo bác sĩ Kiều Dung, một chế độ ăn hợp lý kết hợp với tập thể dục đều đặn là cách giảm cân tốt nhất. Tập thể dục sẽ giúp giảm mỡ thay vì giảm cơ, ăn ít hơn một chút nhưng vận động nhiều hơn một chút mỗi ngày là cách tuyệt vời để đánh bay lượng mỡ thừa ở bụng. Chị em cũng có thể tập thể dục buổi sáng đều đặn hay chọn một môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp mà mình yêu thích như tập yoga.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Hoàng Thùy chia sẻ bí quyết khiến vóc dáng ngày càng hoàn hảo
- Lấy lại vóc dáng sau 3 tuần tập luyện chỉ với 3 động tác
- Bí quyết đốt mỡ thừa giữ vóc dáng vạn người mê của ca sỹ Tóc Tiên
- Tăng cân vù vù, phải làm sao để lấy lại vóc dáng chuẩn?
- Mẹo lấy lại vóc dáng thon thả nhanh chóng bằng tinh dầu
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua