Dòng sự kiện:

Mặc áo dài với váy xòe: Đẹp hay thảm họa?

19:37 01/02/2017
Mốt áo dáng dài kết hợp cùng chân váy xòe đang gây tranh cãi gay gắt trong dư luận, người thì cho rằng đẹp nhưng có người cho rằng đây là thảm họa.

"Mắm tôm pha với ca cao"

Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn đang tranh cãi về mốt áo dài kết hợp váy xòe/ váy đụp tràn ngập dịp Tết Đinh Dậu 2017. Một số người phản đối vì trang phục không đảm bảo tính thẩm mỹ, đồng thời làm mất đi vẻ thướt tha của tà áo dài truyền thống.

"Năm trước là áo dài mặc với quần ống bó, thôi thì cũng tạm chấp nhận dù nhìn hơi không giống ai cho lắm, giống như sữa pha với nước mắm để uống buổi sáng. Cá nhân em thấy dưới váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao ấy ạ", Facebooker Hoàng Nguyên Vũ nêu ý kiến.

"Em trân trọng di sản, có thể hơi khắt khe nhưng em vẫn yêu cái tinh thần nguyên bản của áo dài. Cùng lắm, cách tân có tâm và có tầm, là cái áo dài cổ thuyền, làm cho cái cổ của chị em phụ nữ trở nên quyến rũ. Nhưng mấy cái đợt cách tân gần đây, em thấy chị em phụ nữ đang bị ngược đãi bởi mấy cái nhà cách tân trời ơi đất hỡi kia", Hoàng Nguyên Vũ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, thành viên mạng tên Miu Phạm bày tỏ: "Mình vẫn thích áo dài truyền thống. Mốt áo dài năm nay không hiểu nổi. Con nít mặc nhìn còn được, chứ mấy chị mấy mẹ mặc nhìn dị quá".

Khán giả Bảo Trân khẳng định chị không có thiện cảm với mẫu áo dài cách tân này và không bao giờ sử dụng, bởi chị tôn trọng cái đẹp của văn hóa Việt.

Cách tân... "đại loạn"

"Trên mạng có rất nhiều hình ảnh chứng minh cho chuyện đó. Điều đáng lo ngại ở đây là chúng ta đang tự đồng hoá mình một cách hồn nhiên, vô tư và thiếu hiểu biết. Không chỉ người tiêu dùng, một số nhà thiết kế cũng dựa vào đó để ra những mẫu tương tự.

Có thể một số người nghĩ mặc cho vui trong ngày Tết vì thấy hao hao giống áo dài. Trang phục người Khmer, Ấn Độ cũng có nhiều cái giống áo dài nhưng không thể vì thế mà gọi đó là áo dài Việt Nam. Về văn hoá, giáo dục, lịch sử phải đúng rồi mới đẹp", NTK Sỹ Hoàng chia sẻ với Zing.vn.

Nhà báo Trác Thuý Miêu đồng tình với NTK Sỹ Hoàng khi gọi những chiếc áo dài cách tân trong Tết Đinh Dậu là “đại loạn”. Chị cho biết Lễ hội Áo dài diễn ra vào tháng 3 sắp tới sẽ là lời tuyên chiến của nét đẹp truyền thống Việt với những kiểu dáng cách tân không rõ nguồn gốc đang du nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là lời tuyên chiến với cái dốt, thiếu thẩm mỹ.

"Hiện tại, tôi và một số nhà thiết kế nghiên cứu để đưa ra những minh chứng xác thực. Cái đau lòng nhất của người làm mỹ thuật đến từ tay những người tự xưng là NTK độc lập đến từ Việt Nam", Trác Thúy Miêu nói.

Theo quan điểm của nhà thiết kế Minh Châu, không phải tất cả thiết kế cách tân đều đáng bị lên án, chê bai. Chúng ta nên tiếp nhận những cách tân đẹp, phù hợp để làm năng động hóa tà áo dài.

"Áo dài đi với chân váy thì không phù hợp áo dài Việt Nam. Nếu kết hợp quần xếp ly thì lại là xu hướng mới vì có tính ứng dụng, ứng dụng được nhiều nơi và phù hợp với giới trẻ. Quần xếp ly, quần lửng vẫn giữ được nét duyên dáng. Tôi vẫn thiết kế các kiểu dáng cách tân như vậy".

"Chỉ người bảo thủ mới chê áo dài cách tân"

Bên cạnh những ý kiến phản đối về cách mix áo dài của một bộ phận chị em phụ nữ trong dịp Tết năm nay thì khá nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ với lý giải nếu phối màu ổn giữa tà áo và quần, váy lửng, phù hợp với những người ưa năng động, trẻ trung, cảm thấy bị vướng víu khi mặc kiểu quần cũ.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ với VietNamNet: "Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân. Ngày nay chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, và cổ tròn làm đa dạng và đó chính là sự vận động đổi mới của thời trang xu hướng.

Tết năm nay thay vì nhưng bộ đầm tây giới trẻ có những sáng tạo mới khi kết hợp váy với áo dài theo xu hướng thế giới, tôi cho rằng đó là điều đáng mừng bởi trong tiềm thức vẫn có bản sắc dân tộc. Tôi không áp đặt những mẫu áo dài quá sang trọng vào giới trẻ có lẽ vì tôi chuyên thiết kế cho các doanh nhân và chính khách nên cũng có cách nhìn khác.

Người bảo thủ mới chê áo dài cách tân hay họ nhầm sáng tạo của giới trẻ là của riêng mình? Đó là câu hỏi tôi đặt ra và suy nghĩ mấy ngày qua. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên khuyến khích các nhà tạo mẫu sáng tạo. Hơn nữa chúng ta đừng đặt nặng quá về vẻ bề ngoài của chiếc áo dài mà cử chỉ, văn hóa của người mặc áo dài cũng sẽ góp phần làm áo dài đẹp hơn".

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam