Dòng sự kiện:

Mẹo tránh mua phải bánh kẹo, đồ uống giả ngày Tết

13:36 24/01/2017
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, bánh kẹo, mứt Tết, đồ uống bị làm giả thường được tung ra thị trường khá nhiều. Chị em làm thế nào để mua được bánh kẹo, đồ uống an toàn?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), Tết đến, người dân thường mua nhiều thực phẩm để sử dụng và bánh kẹo, bia rượu để biếu. Vì vậy, dịp cận Tết, thị trường bánh kẹo, rượu giả, rượu lậu thường “sôi động”. Tuy nhiên, nếu dùng phải những thực phẩm, đồ uống này thì sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Người dân khi mua bánh kẹo cần quan sát kỹ các thông tin. Ảnh minh họa

PGS Thịnh phân tích: Đối với bánh kẹo, nếu sử dụng các hóa chất làm ngọt nhân tạo, phẩm màu bất hợp pháp và sản xuất mất vệ sinh thì người dùng dễ bị viêm dạ dày cấp tính, tiêu chảy nặng, bệnh lị, mất nước, viêm thận. Nếu uống phải các loại rượu không đảm bảo chất lượng, có thể dẫn ngộ độc cấp tính. Bởi trong các loại rươụ giả, rượu kém chất lượng thường có nồng độ methanol hoặc aldehyde cao. Đây là những chất có tác động rất mạnh đến tế bào thần kinh, có thể nhanh chóng gây tụt huyết áp, choáng váng, nôn mửa, mờ mắt... thậm chí dẫn đến tử vong.

“Hiện nhiều kẻ buôn gian bán lận, có khi hàng giả lại đắt hơn hàng thật, người tiêu dùng có thể sẽ mắc bẫy kép nếu cứ chăm chăm cho rằng hàng rẻ là hàng giả”, PGS Thịnh nói.

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, những ngày giáp Tết, từ bia rượu, bánh kẹo, mứt Tết cho đến các thực phẩm thông dụng nhất, đều dễ bị làm giả. Hơn nữa, nhiều chị em ham rẻ nên dễ mua phải hàng giả. Ví như có những can dầu ăn rất to, người nội trợ ham rẻ mua về dùng nhưng lại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, những món như mứt Tết cũng không có nhiều giá trị dinh dưỡng, vì khi làm khô rồi thì giá trị vitamin còn lại ít, tẩm ướt quá nhiều đồ ngọt cũng không tốt cho sức khỏe.

Theo PNVN

Nguồn: Gia đình Việt Nam