Miễn học phí Sư phạm: Chuyên gia nói bỏ, giảng viên muốn giữ
TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chính sách miễn học phí cho sinh viên Sư phạm ra đời khoảng 20 năm trước. Thời điểm đó ngành Sư phạm tuyển sinh rất khó khăn trong khi nhu cầu giáo viên lớn. Nhờ chính sách miễn học phí này, ngành Sư phạm đã thu hút được nhiều học sinh giỏi, điểm chuẩn các trường tăng cao.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay việc miễn học phí không còn hấp dẫn với người học. Tình trạng hàng nghìn cử nhân sư phạm thất nghiệp khiến học sinh, các gia đình lo lắng cho tương lai xin việc nếu học ngành này.
Ông Khuyến đề xuất thay miễn học phí bằng chính sách cho vay với sinh viên sư phạm và có cơ chế xoá nợ với những em ra trường về dạy học ở vùng sâu, vùng xa.
Giáo viên hiện nay được hưởng lương như thế nào. Đồ hoạ: Tiến Thành - Quỳnh Trang.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cũng đề xuất cho sinh viên sư phạm vay tín dụng và miễn trả nợ cho các em ra trường làm đúng nghề. Các sinh viên sau tốt nghiệp không đi dạy sẽ phải trả nợ cho ngân hàng.
"Thực chất chính sách ưu đãi học phí là không thay đổi, nhưng chúng ta có cơ chế để thu lại được khoản cấp bù học phí với những em không làm đúng nghề", ông Thi nói.
Theo ông, trước đây quy định miễn học phí cũng kèm yêu cầu sinh viên cam kết sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành giáo dục, nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế, khoản cấp bù học phí cho những em làm trái ngành không được thu lại. Lý do là Nhà nước chưa có cơ chế thu và sinh viên nói không được bố trí công việc dù sẵn sàng đi dạy.
Việc để học sinh làm việc với ngân hàng theo gói vay tín dụng để nộp học phí, theo ông Thi, sẽ giải quyết được vướng mắc nêu trên.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trái ngược với ý kiến các chuyên gia, nhiều giảng viên các đại học sư phạm Hà Nội, Đà Nẵng, Huế lại cho rằng phải duy trì việc miễn học phí cho sinh viên ngành này.
Chị Lê Thị Thu Hương (giảng viên Đại học Sư phạm Huế) cho biết, phần lớn sinh viên của trường khi được hỏi lý do chọn nghề đều trả lời vì được miễn học phí. Trường Đại học Sư phạm Huế có khoảng 5.000 sinh viên thì khá đông trong đó là con em gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số. Nhóm này chiếm 70-80% tổng số sinh viên ở một số khoa. "Nếu phải đóng khoảng 20 triệu đồng cho cả khoá học đại học, gia đình các sinh viên nói trên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn", bà Hương nói.
Đề xuất cho vay tín dụng và chỉ miễn cho những người làm đúng nghề, theo nữ giảng viên là không khả thi và không công bằng. Hiện các địa phương đều có rất ít chỉ tiêu biên chế giáo viên, ở Huế nhiều năm nay không tuyển dụng nhân sự nào cấp THPT. Sinh viên sư phạm vì thế ra trường rất khó xin việc, có em muốn vào ngành phải bỏ ra khoản tiền lớn để "chạy". Việc được làm đúng nghề giáo đã trở thành "may rủi", nên sẽ không công bằng nếu những em đã không may mắn trong xin việc, lại phải trả nợ ngân hàng. "Nhà nước sẽ thu như thế nào với những em đi làm trái ngành một vài năm rồi lại xin đi dạy", bà Hương đặt câu hỏi.
Hai giảng viên khác của Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng cho rằng "nhất thiết phải miễn học phí cho sinh viên sư phạm", vì nguồn tuyển lớn nhất của ngành học này đang là học sinh nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn.
Theo các giảng viên, bên cạnh miễn học phí, Nhà nước cần giải quyết bài toán gốc khiến nhiều học sinh không dám đăng ký vào sư phạm là sự bấp bênh khi xin việc sau ra trường.
"Nhiều sinh viên của tôi yêu nghề sư phạm lắm nhưng ra trường nhiều năm vẫn không xin được việc đúng ngành, phải bỏ vào TP HCM kiếm việc khác. Trong hoàn cảnh đó, nếu giờ ta bắt các em bỏ khoản tiền lớn nộp học phí mà ra trường bấp bênh xin việc thì ai dám vào học ngành này, kể cả học sinh giỏi hay các em có đam mê với nghề", một giảng viên nói.
Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cũng cho rằng, nếu bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhà nước phải tạo việc làm sau ra trường cho sinh viên và trả lương cao với giáo viên. Để giải quyết được việc đó, cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
Theo ông Vỳ, chỉ nên để một số cơ sở lớn làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên, các trường đa ngành hay cao đẳng không nên tuyển sinh ngành này nữa.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Học sinh THCS sẽ được miễn học phí
- Thầy giáo nhặt rác suốt 10 năm giúp học sinh nghèo đóng học phí
- Bộ GD&ĐT lên tiếng về học phí đại học lên đến 50,5 triệu đồng
- Học phí ĐH công lập có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng
- Phụ huynh chậm đóng học phí, trường 'giam lỏng' học sinh tại lớp
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua