Dòng sự kiện:

Mùa Tết, mùa đoàn viên của gia đình

21:37 12/02/2021
Covid-19 đã để lại cơn ác mộng cho toàn xã hội nhưng giữa thời điểm khó khăn đó nhiều giá trị đã được níu giữ và gắn kết trong mỗi gia đình Việt.

Khoảng cách lịch sử...

Mùa xuân năm 2020 được cho là ảm đạm nhất trong hàng trăm năm qua bởi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Tết nguyên đán năm 2020 đã đi vào lịch sử với đường phố vắng hoe, với lệnh cách ly toàn xã hội và ở đâu đó những khu vực bị phong tỏa do có người bị nhiễm dịch. Đâu đó len lỏi vào trong những câu chuyện ngày Tết, những bữa cơm gia đình là sự lo lắng, thấp thỏm về đại dịch có nguy cơ bùng phát. 

Đại dịch bùng phát, Việt Nam đối mặt với “cuộc chiến” mới với kẻ thù “vô hình”, mắt thường không thể nhìn thấy được. Những thông tin về Covid-19 được cập nhật liên tục khiến cho không khí Tết trở nên ảm đạm, nặng nề.  Từ ca đầu tiên được công bố, con số cứ dần tăng lên mỗi ngày, số ca mắc mới, số ca khỏi bệnh, số ca xét nghiệm âm tính… đan xen trong không khí đầu xuân khiến cho tất cả mọi người đều cảm thấy một áp lực vô hình đè nặng.

11

Khoảng cách lịch sử này của mùa xuân trước đã khiến cho mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn, trân trọng hơn những thời khắc đoàn tụ gia đình

Trước nguy cơ lây lan của Covid-19 trên diện rộng, ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc. Với người dân Việt Nam, mỗi ngày không được gặp gỡ bạn bè, người thân, láng giềng… đã trở thành một thử thách.

Những ngày giãn cách, ngoài những giờ cao điểm đường phố vắng vẻ lạ thường, một vài người, hay một vài phương tiện qua lại cũng trở thành điều gì đó đặc biệt của phố phường. Các bến xe, ga tàu hay sân bay thường ngày vẫn đông đúc người vào ra, giờ cũng trở nên trầm mặc. Sân vận động đóng cửa, mọi hoạt động tập trung đông người tạm thời phải dừng lại. Không còn những cụ già tập thể dục mỗi sáng, tối đến cũng không có người đi dạo, không trẻ con vui chơi như những ngày trước đó…. chỉ có những chiếc lá vàng phủ trên mặt ghế.

Không chỉ có thế, những người con của quê hương đất Việt đang đi học, đi làm ở khắp mọi miền tổ quốc, ở khắp nơi trên thế giới, vì dịch bệnh mà không kịp trở về bên nhau. Những người mẹ ngóng trông con, vợ chồng ngóng trông nhau, người thân yêu mong mỏi đợi chờ, những người bạn khao khát được gặp mặt…. Khoảng cách lịch sử này đã khiến cho mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn, trân trọng hơn những thời khắc đoàn tụ.

Rồi cuộc sống vẫn tiếp tục, đồng hồ thời gian vẫn quay, khi trải qua đại dịch, có chứng kiến những giây phút xa cách ấy con người càng thấy được ở bên nhau có ý nghĩa và đáng được trân trọng biết nhường nào.

... đến cái Tết đoàn tụ

Trước khi dịch bệnh xảy đến, có thể đối với nhiều người vẫn là những tháng ngày bon chen với cuộc sống, với công việc, thu nhập, sổ sách, tính toán, dự án… và nhiều lắm những thứ họ cần làm. Đâu đó có những người con bận việc đến mức chẳng thể cầm điện thoại lên gọi điện hỏi thăm cha mẹ, còn nói gì đến việc chạy về thăm. Đâu đó có những người chồng, người vợ vì mưu sinh mà còn cố bươn chải thêm mấy đồng thu nhập, đến việc trở về nhìn nhau cũng còn phải hoãn lại. Đâu đó những đứa con đi học xa bốn phương trời còn đang mải chạy theo ước mơ và hoài bão, việc trở về với gia đình còn phải đợi có thời gian… còn nhiều lắm những việc quan trọng hơn là những khoảng khắc bên người thân.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người chợt nhận ra rằng, những khoảng khắc mà mình vô ý bỏ qua ấy thật đáng trân trọng biết nhường nào. Và rồi, với con số thiệt hại trên mỗi bản tin Covid-19 hàng ngày trên khắp thế giới đã cho chúng ta một thông điệp rõ ràng nhất: những người thân yêu không biết lúc nào sẽ mất đi và không quay về nữa.

Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian dài để gặp lại người thân, tâm sự về những tháng ngày đã qua? Bởi vậy mới có câu: “Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy”.

hoa

Gia đình hạnh phúc bên nhau ngày tết đến (Ảnh minh họa)

Ngày Tết đối với gia đình Việt mang một ý nghĩa thiêng liêng, người Việt dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu, kể cả xa xứ hàng ngàn ki lô mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được hương khói thờ cúng tổ tiên. Tết không chỉ có hành trình của những chuyến trở về, mà đằng sau đó là cả một quá trình về với cội nguồn, về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Mùa xuân năm nay, khi dịch bệnh đã được khống chế  khiến nhiều người bừng tỉnh và trân trọng hơn giá trị gắn kết trong mỗi gia đình. Phải ở trong hoàn cảnh bị chia cách mới biết, dù có nhìn thấy nhau qua internet, nói chuyện, nhắn tin hàng ngày…. nhưng không có công nghệ nào có thể gắn kết hơn sự đoàn viên, được nhìn thấy nhau, chăm sóc nhau, ở chung một bầu không khí, nhất là những khoảng khắc chuyển giao một năm.

Những cái tết đã qua đi có thể đối với nhiều người chẳng có nhiều dư âm cho lắm, nhưng sau khi trải qua cái tết chia cách vì dịch bệnh nhiều người mới nhận ra và trân trọng những khoảnh khắc mình đang có.

hoa1

Tết là để về nhà cùng đoàn viên bên nhau (Ảnh minh họa)

Một mùa xuân nữa đã sang, cái tết đoàn viên không “lệnh cách ly” mang lại tâm trạng vui sướng và hạnh phúc cho những gia đình Việt được đoàn tụ bên nhau. Dường như tết năm nay đáng nhớ hơn, đáng trân trọng hơn rất nhiều…

Vẫn còn nhiều nơi trên thế giới dịch bệnh vân đang tiếp tục gây đau thương mất mát. Vẫn còn nhiều người con xa quê đang kẹt lại ở vùng dịch chưa thể trở về đoàn tụ với gia đình. Và rồi trong cái hân hoan đầu xuân năm mới, vẫn còn những người đau đáu ngóng trông nhau…

Mỗi gia đình có một cái tết khách nhau, nơi này thì vui, nơi kia lại lặng buồn, nhưng những giá trị gia đình vẫn còn nguyên vẹn đó, để khi có cơ hội được ở bên nhau mỗi người sẽ hiểu hơn ý nghĩa của gia đình, nhất là những gia đình Việt với truyền thống gắn bó yêu thương…

Bảo Trâm

Link nguồn:

https://giadinhvietnam.com/mua-tet-mua-doan-vien-cua-gia-dinh-d166612.html

Theo giadinhvietnam.com


TAG