Dòng sự kiện:

Người già, trẻ nhỏ nên ăn gì những ngày giá rét để không ốm?

15:51 25/01/2016
Hiện tại, nhiệt độ ngoài trời cũng như trong nhà đang cực kì giá rét khiến người già và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh. Vì thế, một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp họ chống trọi lại được virut gây bệnh.

 

 

 

 [mecloud]NmMy4kBmEA[/mecloud]

Nên bổ sung cho cơ thể những gì?

Ths. Lê Thị Hải – nguyên GĐ Trung tâm khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) cho biết trên báo Khám Phá, đối với tất cả mọi người nói chung và đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng trong những ngày rét là vô cùng quan trọng.

Theo Ths. Hải, đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh trong mùa đông thì cần phải tăng sức đề kháng cho trẻ, bởi mùa đông nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn mùa hè, có như vậy trẻ mới có sức chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Trong các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, liên quan đến đường hô hấp, thì vitamin A là vô cùng quan trọng, giúp biểu mô của niêm mạc đường hô hấp tốt hơn, hệ thống chất nhầy đường hô hấp tốt hơn khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập vào ít đi, tăng cường miễn dịch cho đường hô hấp.

Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm (trứng, sữa...) giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin E, có trong các loại quả có dầu như quả hạnh nhân, quả bơ, hạt dẻ, hạt hướng dương, củ cải, đu đủ, cải xoăn, cải chân vịt, giá đỗ, dầu ăn....

Nên cho trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin A. Ảnh minh họa

Ăn thức ăn ấm nóng, tươi, sạch là tốt nhất, ăn đủ chất để có cơ thể khỏe mạnh, tăng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để phòng chống được nhiều bệnh chứ không riêng gì bệnh hô hấp.

 “Quan trọng nhất là cho trẻ ăn cân đối, cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Muốn trẻ giảm bệnh, giảm tần suất cơn hen cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, trong thức ăn hàng ngày trẻ cần ăn đủ chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…), các vitamin A (rau củ quả, bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ, chuối…), vitamin C (cam, quýt, bưởi, rau xanh…), sắt, kẽm (hàu, ngao, thịt gà…) nhằm giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ”, Ths. Hải nhấn mạnh.

Không nên ăn những thực phẩm nào?

Theo bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, khi chọn các thực phẩm để chế biến món ăn cho trẻ trong mùa đông cần chú ý tránh các loại thực phẩm như các món ăn vặt như khoai tây chiên, nước có gas,..; Nghêu sò; Các loại rau củ có tính hàn thực; Thức ăn lạnh.

“Khoai tây chiên là món ăn khoái khẩu các bé rất thích nhưng nó được chế biến trong môi trường nhiệt độ cao, có nhiều dầu mỡ và chứa nhiều acrylamidev (độc chất gây ung thư-PV). Nếu như các mẹ cho con ăn nhiều, con sẽ no và bỏ bữa chính, gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ. Bên cạnh đó, nước ngọt có gas cũng không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Bởi, nó cung cấp năng lượng “rỗng” không đủ các chất dinh dưỡng, chủ yếu là cung cấp đường”, bác sĩ cho biết.

Tránh cho trẻ nhỏ ăn những thực phẩm có tính hàn. Ảnh minh họa

Bác sĩ Tường Vi cho biết thêm, các mẹ thường bổ sung nghêu sò vào trong khẩu phần ăn của trẻ bởi đó là thực phẩm có nhiều kẽm. Tuy nhiên, đây lại là món ăn có tính hàn, phù hợp chế biến các món ăn trong ngày hè. Vì vậy, mùa đông trẻ ăn rất dễ bị đầy bụng và rối loạn tiêu hóa, nhất là những ngày giá rét. Bên cạnh đó, dưa chuột cũng là thực phẩm có tình hàn, lại ăn trực tiếp nên dùng nhiều dễ lạnh bụng. Vì vậy, các mẹ nên tránh cho trẻ ăn dưa chuột.

Ngoài ra, thức ăn lạnh như kem, đá tuyệt đối không cho trẻ ăn. “Kem, đá được để ở nhiệt độ thấp, khi dùng cho trẻ vào mùa đông có thể gây giảm nhiệt độ làm trẻ lạnh hơn.Thậm chí, có thể khiến trẻ bị viêm họng nặng. Nhưng, các mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua, vì ngoài tác dụng cung cấp các thành phần bổ dưỡng, sữa chua có thể kích thích tiêu hóa giúp trẻ ăn uống ngon và dễ tiêu”, bác sĩ khuyến cáo.

Bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh, trước khi cho trẻ ăn sữa chua, cần lấy ra khỏi tủ lạnh để ở nhiệt độ bên ngoài khoảng khoảng 15-20 phút để sữa đỡ lạnh rồi mới cho cho ăn. Cần cho bé sử dụng sữa chua sau bữa ăn ít nhất là 30 phút, không nên cho bé ăn lúc đói.

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video hot: [mecloud]n7cn8XNbYj[/mecloud]