Dòng sự kiện:

Những dấu hiệu nhiễm độc thai nghén mẹ bầu cần biết

13:34 17/03/2017
Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất như chóng mặt, buồn nôn nhiều, phù nề, tăng huyết áp, tức ngực…,các mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Nghe tin bác sĩ thông báo mình bị nhiễm độc thai nghén, Dịu hoảng hồn bởi đây là lần đầu mang thai nên cô chưa từng nghe đến điều này trước đó… 

Lần đầu làm mẹ, cảm giác hồi hộp hạnh phúc bao nhiêu, Dịu từng sợ ốm nghén bấy nhiêu, qua được hai tháng khó khăn ấy cô mới bắt đầu bồi bổ. Mấy tuần gần đây, thấy mình tăng cân nhanh, cô mừng thầm.

Niềm vui chưa được bao lâu thì mấy ngày gần đây, Dịu có lại cảm giác chóng mặt, buồn nôn, chẳng khác gì những triệu chứng bị ốm nghén lúc được ba tháng. “Lẽ nào mình bị nghén lại nhỉ? Nhưng bé nhà mình đã được gần ba mươi tuần rồi cơ mà” -Dịu tự hỏi. Điều làm cô khó chịu nhất là chân cô bị phù.

Dịu tìm cách tự khắc phục như gác chân lên cao và nghỉ ngơi nhiều hơn. Cô có biết những trường hợp phù thông thường do thai chèn ép thì làm theo cách đó sẽ đỡ. Nhưng Dịu thực hiện đúng mà chẳng thấy giảm phù chút nào.  “Hay là em thử đi khám xem sao?”-Chồng cô góp ý.

Dịu do dự: “Hai tuần nữa mới đến lịch bác sĩ hẹn khám cơ anh ạ!”. Chắc Dịu cũng sẽ chờ cái lịch ấy nếu như hôm nay cô không phải nghỉ làm vì mệt. Mẹ đẻ sang chơi, thấy Dịu cứ ung dung ngồi nhà thì sốt ruột: “Con phải đi khám ngay chứ. Mẹ sinh bốn đứa, thời gian đầu cũng nghén nhưng có đứa nào bị nghén lại thế này đâu”. 

Thấy mẹ nói có lý, Dịu bắt taxi đến phòng khám. Vừa nghe cô miêu tả triệu chứng, bác sĩ vội đo huyết áp và cho thử nước tiểu. Giờ nghe bác sĩ thông báo kết quả bị nhiễm độc thai nghén, Dịu sợ lắm. Thấy Dịu lo lắng quá, bác sĩ trấn an: “Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và sản giật. Nhưng phát hiện kịp thời thế này sẽ có biện pháp điều trị kịp thời nên em đừng căng thẳng quá”. “Em luôn ăn uống vệ sinh lắm chị ạ, sao lại bị nhiễm độc được nhỉ?”. 

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý phát sinh ở người phụ nữ khi mang thai

Nghe thấy vậy, vị bác sĩ mỉm cười trả lời: “Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý phát sinh ở người phụ nữ khi mang thai. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén vẫn chưa xác định rõ. Có thể là do cơ thể người phụ nữ mang thai không chịu nổi gánh nặng của thai nghén nên gây ra cản trở các hoạt động chức năng dẫn đến biến chứng.

Biểu hiện của em là nhiễm độc thai nghén trong ba tháng cuối của thai kì. May mà em đã đến khám kịp thời chứ nhiễm độc thai nghén thời kì cuối mà không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy hiểm lắm đấy”. Dịu thắc mắc: “Nhưng sao thời gian đầu em cũng có cảm giác nghén, chóng mặt buồn nôn, giờ cuối thai kỳ vẫn có cảm giác nghén nặng nhiều hơn trước như vậy được?”.

Nghe vậy, bác sĩ cho Dịu biết: “Thời gian đầu hiện tượng nghén của em là những biểu hiện nhiễm độc thai nghén nhẹ, em chỉ cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ và chia ra làm nhiều bữa trong ngày. Nhưng ở thời kỳ cuối thai nghén thì triệu chứng nhiễm độc lại khác hẳn, các bà mẹ đang mang thai có thể thấy có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu... Nếu không điều trị, tình trạng sẽ càng nặng thêm. Lúc đó xuất hiện thêm một số triệu chứng như: nhức đầu, hoa mắt, tức ngực, nôn ọe, ù tai… Nhưng hiện những biểu hiện của em vẫn ở dạng nhẹ. Trước mắt, có thể lưu lại điều trị vài ngày, em nên nghỉ ngơi nhiều, đồng thời giảm ăn muối, uống thuốc theo đơn là sẽ ổn”. 

Nghe bác sĩ nói vậy Dịu tạm yên tâm. Cô đặt tay lên bụng thầm nghĩ. Lúc nào, mình cũng tự nhủ sẽ dành những điều tốt đẹp nhất cho con yêu thế mà có đôi lúc lại  đơn giản hóa vấn đề, suýt nữa thì làm hại mình, hại con.

Theo Gia đình Việt Nam