Dòng sự kiện:

Những lý do bất ngờ trẻ mắc cao huyết áp, cha mẹ đọc xong cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho con ngay

15:32 08/04/2021
Không ít trẻ nhỏ cũng bị cao huyết áp. Cao huyết áp ở trẻ dẫn tới những biến chứng khó lường như đột quỵ, bệnh tim… Tại sao căn bệnh thường chỉ gặp ở người lớn tuổi lại ngày càng nhiều trẻ gặp?.

Giật mình khi con 10 tuổi đã bị cao huyết áp

Con trai chị Trần Thị Hằng ở Hà Nội năm nay 10 tuổi nặng tới 40kg. Mới đây đưa con trai vào viện khám thấy bác sĩ bảo huyết áp của con cao lên tới 140/95 mmHg, chị đã giật mình vì con bị cao huyết áp. Ban đầu chị nghĩ là con đi bộ khá xa vào viện nên huyết áp mới cao. Sau nhiều lần đo, huyết áp tâm thu của cháu vẫn lên tới 140, 145, huyết áp tâm trương cũng là 90. Mẹ của chị từng 2 lần bị đột quỵ vì cao huyết áp nên thấy con còn nhỏ đã sớm bị, chị đã vô cùng lo lắng.

Thực tế cũng có rất nhiều cha mẹ như chị bất ngờ vì con mình còn nhỏ đã bị cao huyết áp. Thường mọi người chỉ nghĩ người ở độ tuổi trung niên hoặc người cao tuổi mới bị cao huyết áp. Tuy nhiên, cao huyết áp có thể ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Ở các bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp trẻ bị cao huyết áp, thậm chí đột quỵ từ lý do này.

Những lý do bất ngờ trẻ mắc cao huyết áp, cha mẹ đọc xong cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho con ngay - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), cao huyết áp ở người lớn có thể dễ dàng chẩn đoán bằng cách đo huyết áp thường xuyên bằng dụng cụ chuyên dụng. Ở trẻ em việc chẩn đoán khó khăn hơn. Khi chỉ số huyết áp bằng hoặc cao hơn 95% so với các bạn cùng giới tính, độ tuổi và chiều cao sẽ được chẩn đoán cao huyết áp ở trẻ em.

Điều đáng nói là bệnh thường diễn tiến âm thầm. Nhiều cha mẹ lại không chú ý đến vì không nghĩ là trẻ con cũng bị bệnh này. Nhiều trẻ chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh lý khác. Trong khi đó, cao huyết áp ở trẻ nhỏ cũng nguy hiểm không kém người lớn với các biến chứng có thể xảy ra như tiểu đường, tim mạch…

Các chuyên gia cho biết, cao huyết áp ở trẻ em thường gặp ở các đối tượng trẻ béo phì, thừa cân. Thừa cân, béo khi làm ảnh hưởng tới thành mạch, các mạch máu không còn dẻo dai kéo theo rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường. Ngoài ra, một số trẻ bị cao huyết áp thứ phát có thể do rối loạn chuyển hóa, mắc phải một số bệnh lý như suy thận, tim bẩm sinh, viêm thận – tiết niệu, hội chứng Cushing, hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh...

Một số triệu chứng tăng huyết áp ở trẻ em thường gặp như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, giảm thị lực, đánh trống ngực xảy ra theo từng cơn… Trường hợp nặng, trẻ có thể xuất hiện co giật, phù ngoại biên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ em bị tăng huyết áp sẽ khiến bệnh dễ diễn tiến nặng hơn khi trưởng thành, nguy cơ biến chứng nặng cao hơn. Biến chứng thường gặp khi không điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy tim, thận, gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ, tim mạch…

Phòng ngừa cao huyết áp ở trẻ

Các chuyên gia cho biết, dù cao huyết áp là bệnh nguy hiểm nhưng với trẻ nhỏ thường là cao huyết áp triệu chứng và trẻ có thể khỏi bệnh nếu cố gắng giảm cân, có lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng. Khi thấy con mệt, nhức đầu nhiều, huyết áp đột ngột vọt lên quá cao nên đưa đi kiểm tra để bác sĩ có lời khuyên cụ thể.

Điều quan trọng trong phòng ngừa cao huyết áp ở trẻ là điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống. Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ dinh dưỡng nhưng tăng cường thực phẩm ít béo, chất bão hòa, nhiều chất xơ, trái cây, rau củ… Ăn mặn nguy cơ cao tăng huyết áp nên cần giảm lượng muối. Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng, trẻ 4 – 8 tuổi lượng muối dưới 1.200 ml/ ngày, trẻ lớn hơn lượng muối dưới 1500 milligrams/ ngày.

Như đã nói ở trên, phần lớn trẻ bị cao huyết áp là do thừa cân, béo phì. Bởi vậy, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe, tránh ngồi một chỗ. Đồng thời, hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ chiên rán, đồ ngọt, nước có ga… là nguy cơ dẫn tới trẻ thừa cân, béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp lên tới 12 lần với bình thường.

Nếu trường hợp trẻ đã được thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt mà huyết áp chưa ổn định cần vào viện kiểm tra. Trường hợp cần thiết, bác sĩ cho thuốc điều trị.

Phương Thuận

Link nguồn:

https://giadinh.net.vn/song-khoe/nhung-ly-do-bat-ngo-tre-mac-cao-huyet-ap-cha-me-doc-xong-can-dieu-chinh-che-do-an-uong-cho-con-ngay-20210404154215485.htm

Theo giadinh.net.vn


TAG