Dòng sự kiện:

Những sinh mạng thoát chết từ cơn tỉnh ngộ của mẹ trầm cảm

Theo Vnexpress
19:10 16/06/2017
Bế con lội ra giữa sông định tự tử, bất chợt thấy cậu con trai một tháng tuổi nhoẻn cười, Ngọc (Ninh Bình) thần người rồi quay vào bờ.

Ngọc, 28 tuổi vốn là một cô giáo hiền lành, hòa nhã với mọi người. Sau khi sinh con trai đầu lòng, ai cũng chúc mừng nhưng cô lại luôn cảm thấy chán chường, mệt mỏi.

Con không chịu bú, khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, nhiều lúc Ngọc nản, bỏ mặc con, lấy tay bịt tai, ôm đầu ngồi một góc. Bị nhà chồng chỉ trích là không biết dỗ và chăm con, Ngọc càng buồn, suốt ngày khóc, không ăn, không ngủ.

Cuối cùng, trước ngày cả nhà làm đầy tháng cho cháu, cô bế con ra sông, định tự tử. Khi lội nước tới ngang bụng, Ngọc nhìn xuống đứa con trong tay thì em bé bỗng nhoẻn cười.

"Nụ cười của con đã đánh thức cô ấy. Ngọc đã bế con quay về và được gia đình đưa đi trị liệu", tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục (Hà Nội), kể.

Ảnh minh họa: Self.

Bà Bưởi cho biết, đối với hầu hết phụ nữ, sinh con là một trải nghiệm hạnh phúc nhưng đó cũng là cuộc vượt cạn gian nan gây cho họ nhiều biến đổi về tâm sinh lý, thậm chí dẫn tới trầm cảm sau sinh như Ngọc.

Theo tiến sĩ Bưởi, hội chứng này xảy ra là do sự kết hợp của 3 yếu tố: nội tiết - tâm lý - xã hội. Sau sinh, nội tiết thay đổi, lượng máu mất nhiều, lại có thể bị kiệt sức, mất ngủ do phải chăm con, tâm lý người mẹ dễ bất ổn.

Một số người phiền muộn, lo âu trong thai kỳ, có hôn nhân bất hạnh hoặc kinh tế khó khăn, không được chồng và gia đình hỗ trợ cũng dễ rơi vào u uất. Những chị em nhạy cảm, khả năng thích nghi kém thường dễ bị trầm cảm sau sinh hơn.

Chuyên gia cho biết, hay gặp và nhẹ nhất là người mẹ cảm thấy buồn, mệt mỏi, muốn khóc, lo lắng và cáu kỉnh ngay tuần đầu sau sinh rồi sau đó tự cân bằng.

Những trường hợp trầm cảm nhẹ và trung bình thường mất hứng thú với mọi thứ, hay khóc, tuyệt vọng, đôi khi hoảng sợ, lo không thể chăm con, ngại giao tiếp. Một số chị em còn thấy mình xấu xí, sợ chồng ruồng bỏ, có ý định tự sát hoặc làm hại con.

Bà Bưởi cho biết, đáng sợ nhất, dù ít gặp, là loại trầm cảm nặng có loạn thần khi người phụ nữ có thể lú lẫn, mê sảng, bị hoang tưởng ảo giác.

Theo chuyên gia, khi được điều trị kịp thời và có gia đình hỗ trợ, người phụ nữ trầm cảm sau sinh thường sẽ sớm hồi phục hoàn toàn. Trường hợp chị Thanh (Trường Chinh, Hà Nội) là một điển hình.

Chị Thanh được gia đình đưa đến trong tình trạng người gầy rộc, thẫn thờ. Trước đó, sau khi sinh một tháng, chị thường cảm thấy buồn chán, nghĩ mình là người vô dụng. Cô con gái mới chào đời phải giao cho chị gái Thanh chăm sóc vì mẹ không muốn đụng tới con.

Tuyệt vọng cùng cực, Thanh bắt xe tới Yên Tử (Quảng Ninh), xin lên đỉnh chùa với ý định sẽ gieo mình xuống tự vẫn để không ai tìm thấy nữa. Thấy Thanh nét mặt thất thần, vị sư thầy không cho cô lên núi, khuyên cô nghỉ ngơi và nói "Con nên về vì đang có người chờ con ở nhà".

Nghe câu đó, Thanh cảm thấy như bừng tỉnh và bắt xe trở lại Hà Nội. Tới bến xe Mỹ Đình, cô thấy một người bạn thân đang đợi mình. Hóa ra, khi phát hiện Thanh bỏ đi, gia đình, bạn bè đã tá hỏa chia nhau đi tìm ở khắp nơi.

Khi được đưa tới gặp nhà tâm lý, cô tâm sự: "Thà bị cụt tay, mất chân hay chết đi cho xong chứ cháu không thể chịu nổi cảm giác đau khổ, tuyệt vọng kinh khủng thế này".

Sau khi được trị liệu và hỗ trợ của gia đình, Thanh đã dần thoát khỏi tình trạng u uất. Đi làm lại, Thanh còn được đồng nghiệp làm điểm tựa bằng sự sẻ chia, đùm bọc. Cô đã tìm thấy niềm vui và sự gắn bó khi ở bên con.

Tiến sĩ Bưởi cho biết, hiện nay, nhiều người chưa hiểu rõ hội chứng trầm cảm sau sinh nên khi gặp tình trạng này không biết tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhiều người vợ rơi vào tình trạng này còn bị chồng và người thân chỉ trích nên càng bế tắc. Trường hợp của Trâm (Bắc Giang) là một minh chứng.

Sinh con được hai tuần, Trâm nhất định không chịu bế con, không cho con bú, hễ ai nhắc cô phải chăm con thế này, dỗ bé thế kia thì cô nổi khùng.

Thấy vậy, gia đình chồng cho là con dâu hỗn hào nên càng trách móc. Bố mẹ Trâm tới thăm, thấy con gái bơ phờ, chỉ khóc lóc, không muốn nói chuyện thì cho rằng cô bị nhà chồng đối xử tệ. Mẹ cô còn đay nghiến con ngu không biết chọn chồng. "Nó là đứa ngoan hiền, trước giờ lúc nào cũng đúng mực, chắc bị o ép hay không được quan tâm, chăm sóc thì mới thành ra thế này", mẹ Trâm nói khi đưa con đi khám.

Chuyên gia xác định Trâm bị trầm cảm sau sinh và đề nghị người thân quan tâm, hỗ trợ điều trị. Dù vậy, hai bên gia đình vẫn mải công kích, đổ lỗi cho nhau. Đến khi phát hiện Trâm có ý định ôm con tự tử, gia đình nhà chồng đã viết ngay đơn ly dị cho con trai còn bố mẹ Trâm thì đến đón con gái về.

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi cho biết, khi vợ trầm cảm sau sinh, vai trò của người chồng rất quan trọng. Người đàn ông cần quan tâm chia sẻ với vợ bằng hành động và lời nói, hỗ trợ chăm sóc con, để vợ cảm nhận được sự yêu thương, an toàn.

Tình trạng này vẫn có khả năng tái phát khi sinh đẻ nên những chị em từng có biểu hiện rối loạn cảm xúc khi sinh nên được tư vấn kỹ trước khi mang bầu lần sau để có những sự chuẩn bị chu đáo, tránh rơi trầm cảm lần nữa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam