Dòng sự kiện:

Nữ sinh đa tài từ chối Ivy League để nhận gói học bổng 6 tỷ

11:17 09/04/2018
Đỗ Bảo Ngọc Vi là một trong số ít học sinh Việt Nam được nhận vào một trường thuộc khối Ivy League trong mùa tuyển sinh năm nay nhưng cô lại có lựa chọn khác.

Đỗ Bảo Ngọc Vi, sinh năm 2000, vừa được nhận vào 5 trường đại học danh giá của Mỹ

Sinh năm 2000, Ngọc Vi được nhận vào 5 trường đại học danh giá của Mỹ gồm: Brown, Duke, Johns Hopkins, Northwestern và Colgate. Trong đó, ĐH Duke đồng ý trao cho em suất học bổng 69.000 USD/ năm và ĐH Colgate là 63.000 USD/ năm. 

Mặc dù Brown là một trong 8 trường thuộc khối Ivy League nhưng Vi dự định sẽ học Duke – một ngôi trường danh giá không kém và có cho em học bổng, “vì em không muốn tạo cho bố mẹ một gánh nặng khi phải trả học phí”.

Đặc biệt, với Duke, mặc dù gia đình không xin hỗ trợ tài chính nhưng trường vẫn dành suất học bổng 69.000 USD/ năm cho em dựa trên thành tích học tập xuất sắc (merit scholarship) như một lời mời hấp dẫn với những sinh viên tài năng.

5 ngôi trường còn lại mà Vi được nhận đều là những trường đại học có thứ hạng trên bản đồ đại học thế giới. Nếu Duke là ngôi trường nằm trong top 10 bảng xếp hạng các trường “national university” (đại học quốc gia) của Mỹ thì Johns Hopkins là trường y khoa hang đầu thế giới. Northwestern xếp hạng thứ 11 “national university”, trong khi Colgate đứng vị trí thứ 12 các trường “liberal arts college”.

Hiện Ngọc Vi đang học năm cuối ở Trường quốc tế Anh (BIS Hà Nội). Chương trình mà em theo học là bằng tú tài quốc tế IB. Thành tích học tập của nữ sinh 18 tuổi rất ấn tượng: 5/6 môn đạt 7 điểm tuyệt đối. Điểm số bài thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh TOEFL: 118/120. Điểm thi ACT (gồm 4 môn Anh văn, Đọc hiểu, Toán và Khoa học) của Vi cũng đạt điểm tuyệt đối là 36 điểm. Vi cũng là một trong những học sinh Việt Nam hiếm hoi đạt điểm tuyệt đối cả 4 môn trong bài thi ACT. Tỷ lệ này trên thế giới là 0,108%.

Để đạt được những thành tích học tập xuất sắc này, Vi chia sẻ, em rất thích đọc sách, cả sách tiếng Anh và tiếng Việt. Đọc sách tiếng Anh nhiều giúp em phát triển vốn từ vựng rất tốt. 

Bên cạnh thành tích học tập, Ngọc Vi có một dự án khá khác biệt ở làng Rạch Vẹm, Phú Quốc. Đó là dự án đưa giống cá mú heo từ Indonesia về Rạch Vẹm giúp dân chài cải thiện đời sống.

“Đây là một dự án mà em rất tâm đắc và đạt kết quả như mong muốn. Em nghĩ rằng đó là một thành công” – Vi nói. 

Ngoài ra, Vi cũng từng đến châu Phi, Tanzania để hỗ trợ xây trường, trồng cây với các bạn học sinh quốc tế trong hệ thống Trường quốc tế Anh trên khắp thế giới.

Trong bài luận của mình, Vi viết về chiến tranh Việt Nam và tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. “Bài luận của em được lấy cảm hứng từ cuốn sách ‘Nỗi buồn chiến tranh’ của tác giả Bảo Ninh. Khi đọc cuốn sách, em thực sự cảm thấy đau xót trước số phận của người phụ nữ. Từ đó, em nghĩ về người phụ nữ trong chiến tranh, về những người phụ nữ Việt Nam và tầm quan trọng của họ. Em nói về số phận của người phụ nữ trong bối cảnh xã hội Việt Nam, khi mà người phụ nữ chưa thực sự được bình đẳng với nam giới. Em cũng liên hệ tới mẹ - một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, giỏi trong công việc nhưng vẫn sắp xếp dành nhiều thời gian cho con cái. Đó là điều mà em rất ngưỡng mộ ở mẹ” – Vi chia sẻ.

Trong vòng phỏng vấn dài 15 phút ngắn ngủi, Vi đã thể hiện cho đại diện của trường thấy sự quyết tâm trong tính cách của mình. Em cũng chia sẻ về những dự định tiếp theo với dự án Rạch Vẹm. “Khi thực hiện dự án Rạch Vẹm, việc đi lại giữa Hà Nội và Phú Quốc mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nhưng em vẫn quyết tâm làm, cứ mỗi khi được nghỉ là em đi. Em thực sự muốn giúp người dân nơi đây, giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn phần nào”.

Khoa học môi trường là ngành mà em dự định theo học, nên Vi cũng nhận được những câu hỏi về biện pháp cải thiện ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. 

Học tập trong môi trường quốc tế từ năm lớp 7, Ngọc Vi thừa nhận em nhận được rất nhiều lợi thế từ đây. “Giỏi tiếng Anh là một trong những điểm cộng khi học ở trường quốc tế. Khi học ở đây, trường rất tạo điều kiện để học sinh đi ra ngoài, làm những thứ mình thích, chứ không chỉ tập trung vào việc học”.

“Tuy nhiên, ở trong môi trường quốc tế lâu và vị trí của trường khá tách biệt với thế giới bên ngoài, nên bọn em nói tiếng Việt không tốt bằng các bạn học trường khác và thường bị đánh giá là hơi ‘ngố’. Đó là một điểm trừ mà em không thích và vẫn luôn cố gắng để cải thiện. Đặc biệt, em rất thích đọc sách tiếng Việt. Em cố gắng tham gia các câu lạc bộ, va chạm với bên ngoài nhiều hơn” – nữ sinh 18 tuổi chia sẻ.

Ngoài thời gian dành cho học tập và các hoạt động ngoại khóa, Vi thích chơi đàn guitar, vẽ, tập kick-boxing… Đó cũng là những thú vui giúp em cân bằng cuộc sống, giảm “stress” rất tốt. 

Từ kinh nghiệm của mình, Vi cho rằng các bạn trẻ nên mạnh dạn làm những gì mình thích, chắc chắn sẽ tìm được đam mê của mình. “Lúc đầu em không biết em thích môi trường. Nhưng sau khi đi phượt, đi cắm trại, em phát hiện ra mình thích học về môi trường”.

Nói về những dự định sắp tới khi đặt chân tới nước Mỹ, Vi cho biết, “chắc chắn em sẽ tham gia chương trình trải nghiệm sang các nước châu Phi, châu Á mà ĐH Duke tổ chức cho tất cả sinh viên”. 

Theo Vietnamnet