Tết đến, cảnh giác với bệnh liên cầu lợn khi ăn tiết canh
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn (heo) để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn. Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này.
Món tiết canh gây ra 70% ca bệnh liên cầu lợn trên người
Theo Cục Y tế dự phòng, điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Bệnh lây truyền từ lợn sang người gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis). Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).
Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Ở nhiệt độ 25oC, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.
Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Quan điểm sai lầm: Lợn nuôi dân dã là lợn “sạch” miễn nhiễm bệnh
Theo thống kê từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca, nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng để lại những biến chứng nặng nề. |
Có một thực tế là, dù năm nào Cục y tế dự phòng cũng đưa ra lời cảnh báo nhưng vẫn xảy ra các ca bệnh. Nguyên nhân một phần là do những quan niệm sai lầm của người dân. Người dân thường có quan điểm cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thú y cho biết bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%.
Mặt khác, thực tế giám sát bệnh truyền nhiễm trên lợn của ngành thú y cho thấy có mối liên quan giữa bệnh liên cầu lợn và Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (hay còn gọi là bệnh heo tai xanh), do Hội chứng này làm suy yếu sức đề kháng của lợn, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn (trong đó có liên cầu lợn) phát triển mạnh, tăng độc lực và gây bệnh. Trong những năm gần đây, lợn bị heo tai xanh đã xuất hiện và gây dịch tại nhiều địa phương ở nước ta và là bệnh lưu hành trên lợn.
Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, điều trị lâu dài, tốn kém và di chứng nặng nề
Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Trường hợp nặng người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác như lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Nếu bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.
Các bác sĩ điều trị khuyến cáo, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Một điểm cần lưu ý là sau khi nhiễm liên cầu lợn người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.
Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người Hiện chưa có vắc-xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: 1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. 2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. 5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. |
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Năm hết tết đến phòng tránh bệnh nào để đón năm mới vui vẻ?
- Khai quật tử thi bé 15 tháng tuổi điều tra nghi án bị bệnh viện đánh rơi
- Căn bệnh khiến người phụ nữ Anh hóa cô Tấm trong truyện cổ Việt Nam
- 70% nữ giới bị suy giãn tĩnh mạch chân: Đừng bỏ lỡ 5 giải pháp tiết kiệm và an toàn này
- Mẹ bỉm sữa được lợi gì nếu dùng nước muối sinh lý đơn liều để vệ sinh mắt mũi cho trẻ
- 4 loại thảo dược hỗ trợ đắc lực cho bệnh giãn tĩnh mạch chân
- Thảo dược quý từ Pháp khắc tinh của bệnh giãn tĩnh mạch sâu chi dưới
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua