Dòng sự kiện:

Tết Đinh Dậu: Chọn ngày tốt lành làm lễ hóa vàng

16:38 28/01/2017
Với mỗi năm khác nhau sẽ có những ngày tốt lành khác nhau để phù hợp làm mâm lễ cúng hóa vàng tiễn đưa tổ tiên, ông cha.

Theo tập tục thờ cúng của người Việt ta từ xưa, lễ cúng giao thừa đêm 30 tháng Chạp là lúc các con cháu trong gia đình làm mâm cơm mời tổ tiên, ông bà về dùng bữa để thưa những chuyện xảy ra trong năm cũ và cầu ước những điều tốt lành trong năm mới.

Sau lễ cúng đêm giao thừa sẽ có một lễ cúng gọi là lễ Tạ năm mới hay còn gọi là lễ hóa vàng để tiễn đưa tổ tiên về với âm cảnh.

Việc chọn ngày lễ hóa vàng tùy thuộc vào sự sắp xếp của từng gia đình, thông thường là từ mồng 3 Tết cho đến hết ngày 10 tháng Giêng. Từ xưa, nhiều gia đình thường chọn mồng 7 Tết để làm lễ Tạ này.

Tuy nhiên, với mỗi năm sẽ có những ngày tốt lành khác nhau để thích hợp làm lễ Tạ. Theo các chuyên gia phong thủy, "Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết chú, mồng 3 Tết thầy". Như vậy, mồng 3 Tết vẫn là ngày Tết thầy nên tổ tiên vẫn còn ở lại bên cạnh con cháu, mồng 4, mồng 5 Tết mới thích hợp để tiễn các cụ về âm cảnh.

Lễ hóa vàng nên bao gồm các lễ vật như: Hương, hoa, nước, quả (5 loại); Trầu cau, rượu, đèn nến; Bánh kẹo; Mâm cỗ mặn: bánh chưng, gà, các món ăn ngày Tết.

Văn khấn lễ hóa vàng:

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

Kính lạy:

- Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

- Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần.

- Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mồng ... tháng Giêng năm ...

Tín chủ chúng con ..........................

Ngụ tại ..........................................

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án.

Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin : Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lưiợng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát (3 lần).

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)

Tục hóa vàng  mã là do ảnh hưởng của người Trung Hoa. Tích kể rằng:  vào đời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thạo đã về quê mở xưởng. Giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên bị ế không bán được. Tuệ Nương bèn giả chết để thực hiện phương kế bán giấy.

Ngày thứ 3, trước khi đi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ. Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: “Dương gian tiền năng hành tứ hải. Âm gian chỉ tại tố mãi mại. Bất thị trượng phu bả chỉ thiêu. Thùy khẳng phóng ngã hồi gia lai”.

Nghĩa là: “Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian”. Nói rồi lại mang thêm 2 bó giấy nữa để đốt.

Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt hóa vàng. “Tin lành” đồn xa, người các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến 2 ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch”.

Khám phá

Nguồn: Gia đình Việt Nam