Thầy giáo vào tận rẫy 'lấy' học trò trở về
Chiều 8/3, hai thầy Ninh Văn Dậu và Trần Văn Thế cùng nhau vượt quãng đường núi 20 km, đến tận rẫy nhà em Ksor Gôl (học sinh lớp 12 A2, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, Gia Lai) để lần thứ hai động viên gia đình cho em đi học lại. Rất may lần này, em đã đồng ý quay lại lớp.
Lần gặp trước, nam sinh nhút nhát, ngại chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Thầy Dậu hỏi gì, em cũng không nói, ngoài câu “Em bỏ học thầy ạ!”. Lần thứ hai các thầy đến tận nhà vận động, ánh mắt khao khát, lấp lánh hy vọng đã nói cho các thầy biết em sẽ quay về lớp.
Từ phải qua: Thầy Dậu, thầy Thế và Ksor Gôl. Ảnh: NVCC
Tâm huyết với học trò
“Nghe em nói 'theo thầy về liền' mà tôi vui còn hơn được bất cứ điều gì trên đời. Bao nhiêu mệt mỏi của mấy ngày lặn lội vượt đèo, dốc bỗng tan biến”, thầy Dậu chia sẻ trong vui mừng.
Trước đó, Ksor Gôl đã một lần bỏ học. Được thầy cô bạn bè động viên, em quay lại lớp nhưng được một tuần lại tiếp tục bỏ học. Thầy Dậu cùng một học sinh trong lớp đến tận rẫy nhà Ksor Gôl để vận động nam sinh quay lại trường nhưng em lắc đầu. Gia đình khó khăn, không có người làm nương rẫy, em phải nghỉ học vào tận rừng để cạo mỳ (sắn) kiếm sống.
Không đành lòng nhìn học trò học khá phải bỏ ngang giấc mơ giữa chừng, thầy Dậu tìm mọi cách giúp em quay lại lớp.
Đúng như lời tự hứa với bản thân, thầy đã “lấy” được học trò từ rẫy về, giúp thêm một cuộc đời có thể rơi vào số phận thất học và bế tắc.
Thầy Ninh Văn Dậu về trường THPT Đinh Tiên Hoàng công tác được gần 10 năm. Mặc dù đã có đủ điều kiện để chuyển công tác sang trường trong thị trấn tốt hơn, thầy vẫn tình nguyện xin được ở lại nơi đây.
“Đã gắn bó lâu nên mình cũng có tình cảm, thương các em. Mình đã hiểu cuộc sống, tâm lý của học sinh, phụ huynh nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn. Nếu mình chuyển, người khác cũng về nhưng sợ họ không chịu nổi gian khổ rồi lại đi”, thầy Dậu tâm sự về quyết định của mình.
Dù chưa lập gia đình, mẹ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, thầy Dậu vẫn nhận đỡ đầu, dìu dắt nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người trong số đó đã đặt chân đến giảng đường đại học, cao đẳng, trung cấp và có công ăn việc làm ổn định.
Quyết không để học sinh bỏ học
Những dòng suy tư, trăn trở của người thầy giàu tình thương và sự trách nhiệm khiến nhiều người không khỏi xúc động:
Chiều nay cũng giống như bất cứ buổi chiều nào khác? Hình như không! Cái se lạnh của đất trời Krông Pa đâu có giống như mọi năm. Cái kiểu thời tiết như buông lơi muốn bông đùa với lòng người làm cho tâm hồn ai đó bỗng thấy se sắt.
Chỉ mới cách đây hơn một tuần em đã hứa với thầy, với cô Linh và với cả tập thể 12 A2: Em sẽ đi học lại. Trong đó, cả gia đình em chứng kiến! Một tuần qua, em đã đều đặn tới lớp. Thầy cảm thấy thật ấm lòng trong cái tiết trời đầy nghiệt ngã và rất "khó ở" của mảnh đất này!
Hai ngày qua, thầy tới sinh hoạt lớp không thấy em xuất hiện và nhận thấy có gì không ổn! Đúng như linh cảm của người từng đi qua những nốt trầm của cuộc đời, cả lớp thông báo em bỏ học.
Nghe tới đó, lòng thầy nghẹn lại!
Tối về, thầy điện thoại nhưng em không nghe máy. Thầy liên lạc với người nhà để tâm sự và trao đổi thêm. Có lẽ, họ cũng cảm nhận được phần nào ý định của thầy.
Tuy nhiên, chốt lại vẫn là em bỏ học.
Thầy phải làm gì bây giờ khi đã hơn một lần cùng tập thể lớp tới nhà tìm hiểu, động viên? Thầy quyết định hỏi cho bằng được bây giờ em đang ở đâu. Gia đình cho biết em đang phá mì trong rẫy và ở lại trong đó luôn, không về vì đường quá xa, đi lại khó khăn, vất vả.
Chiều nay, thầy cùng bạn Tức lại lên đường. Vượt qua con đường rừng gần 20 km để vào được cái rẫy nhà em tận bên trong lòng hồ Ia H'Dreh. Thầy thấm mệt, bạn Tức cũng thấm mệt, nhưng cũng chưa là gì so với hình ảnh lấm lem trên khuôn mặt đen đúa của em. Hình ảnh lấm láp ấy gọi dậy tuổi thơ dữ dội của thầy....
Nhưng khi gặp em, ngồi trao đổi tâm sự, thầy quên cả đoạn đường khó nhọc mà mình đã vượt qua. Ngồi với thầy cả buổi, em không nói gì ngoài câu "Em bỏ học thầy ạ!".
Là người đứng trên bục giảng cả chục năm, chứng kiến không biết bao số phận đã đi qua - những phận đời đầy mỏng mảnh và éo le - lòng thầy vẫn quặn lại đầy xót xa...
Các em chính là mảnh ghép trong tâm hồn vỡ vụn của thầy! Giờ đây, thầy không muốn tâm hồn mình trở nên trống trải, thiếu hụt bởi bất kỳ vị trí nào trong lớp!
Trong những câu chuyện đời thường đang bộc bạch cùng em, thầy vẫn nhận thấy ánh mắt đầy tinh anh và cái cách nói chuyện lanh lợi của em. Đặc biệt, mặc dù em không nói ra, thầy vẫn nhận thấy rất rõ sự thèm khát cái chữ tới nhường nào trong đôi mắt ấy!
Vậy tại sao em có thể bỏ học? Thầy có nói gì em cũng không trả lời. Điều đó đồng nghĩa việc em sẽ từ biệt cái chữ từ đây thật sao?
Em có nghe ở ngoài kia cô Mị đang gọi A Phủ.....
Và nhân vật Thị vẫn đang theo đuổi anh Tràng?
Vậy tại sao em mãi nấp sau lũy tre làng?
Để những ước mơ mãi không thành hiện thực.
Những ước mơ không bao giờ được đánh thức.
Bỏ lại sau lưng cả một cánh đồng mì mênh mông cùng những làn gió nhẹ vi vút mãi câu nói "Em bỏ học thầy ạ!" làm đau một tâm hồn vốn rất nhạy cảm, dễ xúc động và đầy suy tư, trăn trở...
Có lẽ nào tôi đã thất bại hoàn toàn?
Thầy và cả lớp vẫn đợi em....
Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy, vượt rừng để trở về với trường, lớp, thầy sẽ vào rẫy "lấy" em về....
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- ‘Người mẹ tốt còn hơn cả một người thầy giỏi’ – Vậy làm người mẹ tốt như thế nào?
- Thầy giáo đứng lên bàn chửi tục phân trần về clip gây xôn xao
- Thầy giáo dạy Toán viết tâm thư về kỳ thi THPT 2017
- Đề thi Olympic Toán quốc tế xuất hiện tên thầy giáo Việt Nam
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua