Dòng sự kiện:

Thí sinh nhí có quá sức khi hát 'Ngắm hoa lệ rơi', 'Bùa yêu'?

Sân chơi dành cho thí sinh nhí này không thiếu những ca khúc nhạc trẻ, vốn dành cho người lớn. Dù được sửa lời nhưng nhiều khán giả không hài lòng về cách làm này.

Giọng hát Việt nhí bước sang mùa thứ 6 đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, việc hấp dẫn khán giả là bài toán quan trọng và nan giải. Biện pháp được các huấn luyện viên (HLV) đưa ra là để thí sinh nhí hát ca khúc nhạc trẻ, nổi tiếng trên thị trường, phần lời được chỉnh sửa. Cách làm này quả thực thu hút đối tượng khán giả trẻ thông qua sức nổi tiếng của ca khúc và dòng nhạc đáp ứng được thị hiếu.

Tuy nhiên, sự chú ý ban đầu không mang lại hiệu quả, cách làm này thậm chí gây tranh cãi. Nhiều bài hát người lớn khi được làm mới trong Giọng hát Việt nhí vẫn vấp phải ý kiến trái chiều.

"Gồng mình" hát nhạc người lớn

Việc thí sinh nhí hát nhạc người lớn không còn là chuyện mới mẻ. Dư luận bàn tán mỗi mùa Giọng hát Việt nhí lên sóng, và nhiều cuộc thi khác dành cho độ tuổi trẻ em cũng rơi vào tình huống tương tự. Năm nay, HLV Giọng hát Việt nhí đặc biệt ưa chuộng việc viết lại lời cho các ca khúc thị trường.

Chẳng hạn, đêm thi bán kết diễn ra tối 22/12, phần lớn trong số tiết mục của 7 thí sinh đều là bài hát đang được khán giả ưa chuộng. Trong đó, thí sinh Minh Chiến tiếp tục được HLV Khắc Hưng – Bảo Anh cho hát một ca khúc nhạc thị trường mang tên Mùa thi (viết lại lời từ Bùa yêu). Ở hầu hết vòng thi, Minh Chiến đều thể hiện bài hát dạng này, trước đó là Chờ người nơi ấy hay Ngắm hoa lệ rơi.

Phương Trúc thể hiện hai ca nổi tiếng Vpop 2018.

Thiên về những ca khúc đòi hỏi kỹ thuật, thuộc dòng dân ca, dân gian đương đại… nhưng Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang cũng nắm bắt xu hướng. Bộ đôi từng mashup hai ca khúc gây sốt Vpop 2018 là Hongkong1 - Thằng điên để thí sinh Phương Trúc thể hiện trong tập 13.

Thông thường, các bài hát được lựa chọn trong cuộc thi nếu không phải nhạc thị trường cũng là những ca khúc khó, đòi hỏi cả kỹ thuật thanh nhạc lẫn trải nghiệm đời sống.

Trước đó, hai thí sinh Tấn Bảo, Nhật Duy của cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca nhí mùa 2 cũng hát ca khúc Chuyến tàu hoàng hôn với giai điệu, ca từ não nề “Ai chia tay ai đầu sớm vắng êm đềm, Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành/Đem yêu thương đi đến nơi nao cách đôi tình”. Cũng tại cuộc thi này, nhiều bài hát có nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ em cũng được chọn như Duyên phận, Mưa nửa đêm,... 

Hay như Khánh Hà, Hải Yến và Hà Mi của Voice Kids từng thử sức với ca khúc Mẹ yêu con. “Mẹ thương con có hay không, thương từ khi thai nghén trong lòng”, ca khúc đòi hỏi sự trải nghiệm mà ngay cả ca sĩ lâu năm cũng chưa chắc thành công về kỹ thuật lẫn cảm xúc.

Mẹ yêu con thậm chí có tuổi đời lớn hơn nhiều lần so với 3 thí sinh.

Trong khi đó, cả ba cô bé còn quá non nớt, đặc biệt Hải Yến chỉ mới 7 tuổi. Chưa kể bị làm khó bởi yêu cầu kỹ thuật luyến láy, rung ngân, hát giọng gió, ba bé cũng không hiểu hết nội dung để có thể truyền tải một cách trọn vẹn nhất.

"Quá sức và thiếu tính thuyết phục"

Thực tế, việc sử dụng ca khúc do người lớn thể hiện cho thí sinh nhí là điều khó tránh khỏi khi vốn bài dành cho độ tuổi này có hạn, ít được làm mới trong khi các cuộc thi ngày một nhiều. Chưa kể, các HLV luôn hướng đến yếu tố khoe giọng, khoe kỹ thuật và những ca khúc thiếu nhi được sáng tác phù hợp với độ tuổi thì khó có thể đáp ứng yêu cầu đó.

Tuy nhiên, cách làm mới của HLV Giọng hát Việt nhí năm nay, đặc biệt đội Khắc Hưng kèm theo nhiều tranh cãi. Ở đây, việc viết lời mới dù thể hiện ý thức của nhạc sĩ nhưng sử dụng những bài hát thị trường, vốn gắn liền với chuyện yêu đương vẫn là chuyện khó chấp nhận với nhiều khán giả.

Trong tập thi mới nhất, Minh Chiến thể hiện ca khúc Mùa thi được viết lại lời từ Bùa yêu. Cậu bé thể hiện chất giọng khỏe khoắn, tròn trịa nhưng tổng thể tiết mục chưa làm hài lòng người nghe, đặc biệt là về mặt cảm xúc.

Từ việc sửa lời đến phần thể hiện của thí sinh 11 tuổi đều khiến khán giả có cảm giác gượng gạo, thiếu tự nhiên. Nội dung bài hát từ chuyện tình yêu chuyển sang học hành nghe vô nghĩa, thậm chí nhiều ca từ bị vô duyên và thô.

Hầu hết đêm thi, Minh Chiến đều hát những ca khúc không dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Dù phần lời đã được chỉnh sửa nhưng vẫn khiến người nghe cảm thấy gượng gạo.

“Thi hay không thi, không thi hay thi vẫn học bài thôi/ Nhưng con không vui, chẳng còn thời giờ nghĩ ngợi/ Dẫu không có thi vẫn luôn học nhiều”… bài hát bộc lộ nỗi niềm của những đứa trẻ luôn bị cha mẹ ép học hành đến mức kiệt sức. Tuy nhiên, cách viết lời không khéo khiến người nghe cảm thấy kỳ quặc và khó chịu. 

“Sao cứ phải mượn bài hát để đổi lời vậy. Mình nghe khó chịu và không thấy đặt được tình cảm vào bài hát”, “Lời viết nghe buồn cười quá, nghe như kiểu mấy thánh chế lời trên mạng xã hội. Đội này toàn kiểu viết lại lời nghe vô duyên gì đâu”, người nghe bức xúc.

Trước đó, khi cậu bé hát Ngắm hoa lệ rơi, dư luận cũng phản ứng tương tự. Bài hát khi nổi tiếng trên mạng xã hội bị đánh giá là nhạc thị trường, ca từ sến sẩm.

“Thấy Minh Chiến hát toàn hit từ vòng đầu tới giờ: Nơi ấy con tìm về, Ngắm hoa lệ rơi, Chờ người nơi ấy, Ngồi hát đỡ buồn, giờ đến Bùa yêu. Ngoài bài đầu tiên ra thì bài nào cũng viết lại lời nghe chối tai. Nói thật, giọng của bé dư sức với những bài khó chứ không phải mấy bài nhạc hit để câu view như thế này”, một ý kiến nhận xét.

Nên hay không việc viết lại lời?

Dưới tiết mục Mùa thi của Minh Chiến, quan điểm được bắt gặp nhiều nhất là phản đối việc viết lời mới cho các ca khúc người lớn.

“Xem Giọng hát Việt nhí mà có thấy nhí tí nào đâu. Chọn bài thì cũng phải chọn sao cho phù hợp với lứa tuổi của các em chứ. Cứ chọn mấy bài của người lớn để các em hát nghe như kiểu đả kích vậy”, một người xem bày tỏ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng không ủng hộ việc viết lại lời bài hát để thí sinh nhí sử dụng. Theo anh, dù sửa lại lời thì ca khúc cũng không còn là tác phẩm văn hóa trọn vẹn mục đích, ý nghĩa ban đầu của người sáng tác.

“Nhiều ca khúc đã im đậm trong tâm chí người nghe với ca từ yêu đương, tình cảm trai gái, đôi lứa. Vậy tại sao lại để thí sinh nhí thể hiện”, anh nhấn mạnh.

Nhiều khán giả cho rằng việc viết lời cho ca khúc thị trường không phù hợp với giọng ca nhí.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đồng tình quan điểm không nên để thí sinh nhí hát ca khúc người lớn. Theo anh “việc này không nên, vì các em có thế giới tuổi thơ của các em, người lớn không nên đánh cắp tuổi thơ của bằng cách bắt các em hát nhạc người lớn”.

Tuy nhiên, anh cũng nhìn nhận thực tế “các bài hát thiếu nhi hiện nay dường như chưa đáp ứng được nhu cầu của các em”. Ở trường hợp khan hiếm, dẫn đến phải chuyển lời bài hát người lớn, thì theo anh cần xem xét 3 yếu tố.

Cụ thể: “Nội dung có phù hợp lứa tuổi các em không, hai là kỹ thuật cũng như khung độ giai điệu (nốt thấp nhất và nốt cao nhất) các em có hát được không, ba là khi sửa lời thế có được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm này không. Nếu 3 yếu tố trên phù hợp thì bài hát không có vấn đề gì”, anh khẳng định.

Về câu hỏi chuyển lời như thế nào để bài hát không bị vô nghĩa, nhà nghiên cứu cho biết: “Đó là nhiệm vụ của các nhạc sĩ sáng tác. Bên cạnh cảm xúc sáng tạo, khi sáng tác hãy đặt trách nhiệm và sứ mệnh của mình vào trong tác phẩm. Có như vậy chúng ta sẽ có những tác phẩm có chất lượng và phù hợp với đối tượng mà ca khúc hướng tới”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam