Dòng sự kiện:

Tiểu lắt nhắt ở trẻ em, coi chừng nhiễm trùng tiểu

Theo MarryBaby
15:03 16/09/2018
Tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày khiến trẻ khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chắc chắn là như vậy, vì bản thân người lớn đặt mình gặp tình huống này cùng thấy rất phiền hà.

Tiểu lắt nhắt được định nghĩa là trẻ đi tiểu rất nhiều lần, khoảng cách giữa các lần rất ngắn, có khi cứ vài phút trẻ lại đòi đi một lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút nước tiểu. Trong quá trình nuôi dạy con, thấy trẻ đi trên 7 lần/ ngày có thể coi là tiểu nhiều lần.

Trong bài này BS. Trần Văn Công (Chuyên khoa Nhi Phòng khám Victoria Healthcare) lý giải tiểu lắt nhắt không dùng để diễn tả thuật ngữ Frequent Urination nghĩa là tiểu thường xuyên hơn bình thường. Frequent Urination bao gồm cả các trường hợp đi tiểu nhiều lần với số lượng lớn nước tiểu và liên quan tới các bệnh nội tiết như đái tháo nhạt, đái tháo đường.

Nguyên nhân gây tiểu lắt nhắt ở trẻ em

Tiểu lắt nhắt có thể kèm theo những than phiền khác như đau, buốt, nóng, rát khi đi tiểu, thay đổi tính chất nước tiểu… Nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này:

Nhiễm trùng tiểu

Thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Ngoài triệu chứng tiểu lắt nhắt các bé thường hay than phiền nóng rát hay đau. Nhiều khi đau đến nỗi khóc thét khi đi tiểu hoặc nín tiểu, lấy tay bóp chỗ kín vì đau.

Có thể kèm theo thay đổi tính chất nước tiểu: Có máu ( đỏ ) hay mủ ( đục ), nước tiểu hôi …. Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu thường là do vi khuẩn từ đường ruột xâm nhập ngược trở lại đường niệu.

Ở trẻ trai thì có liên quan tới vệ sinh đầu dương vật kém, hay gặp ở các bé hẹp hay dài da bao quy đầu.

Để chẩn đoán nhiễm trùng tiểu thông thường dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm khảo sát hệ niệu. Kháng sinh cho trẻ em có ích trong trường hợp này đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi hoặc nhiễm trùng tiểu mà có sốt cao.

Đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy “cáu”

Đi tiểu không hết do ám ảnh tâm lí

Tình trạng này khá thường gặp ở trẻ em. Đây có thể coi là một rối loạn hành vi liên quan tới tâm lí nhiều hơn là bệnh tật y khoa. Trẻ có thể có cảm nghĩ mình đã dành quá ít thời gian cho việc đi vệ sinh và việc đó khiến mình bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng, do đó trẻ thường xuyên đi tiểu.

Tuy nhiên mỗi lần đi lại không làm trống hết bàng quang và dẫn dần hình thành thói quen tiểu rất nhiều lần mỗi lần một ít . Lâu ngày các cơ thắt cổ bàng quang trở nên nhạy cảm quá mức và khó làm được chức năng giữ nước tiểu đầy đủ như bình thường.

Điều trị tình trạng này chủ yếu là hướng dẫn trẻ thực hành thói quen đi tiểu tốt, khuyến khích trẻ đi tiểu hết mỗi lần và lên lịch đi tiểu mỗi 2-4 giờ .

Táo bón

Là tình trạng khá phổ biến, khi có ứ đọng phân khối phân trong trực tràng có thể đè vào bàng quang khiến trẻ có cảm giác mót tiểu thường xuyên. Táo bón ở trẻcũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Điều trị tháo phân và kiểm soát táo bón cho tốt làm hết hiện tượng này.

Tiểu lắt vô căn( Pollakiuria)

Sự co bóp bàng quang cũng phụ thuộc rất lớn vào tình trạng tâm lí, khi bị hồi hộp , stress…. Trẻ rất dễ có cảm giác mót tiểu dù rằng trong bàng quang chưa đủ lượng nước. Việc này có thể kéo dài hình hành thói quen tiểu nhiều lần mà không hề có bệnh thực thể nào.

Tình trạng này cũng có thể tự biến mất sau 3 tháng. Giải tỏa stress, huấn luyện hành vi nín tiểu, đánh lạc hướng để bàng quang tích đủ lượng nước tiểu rồi mới đi tiểu là điều trị đầu tiên. Sau 3 tháng nếu nếu không cải thiện, một số thuốc có thể giúp ích cho việc điều hòa lại co bóp bàng quang.

Phòng bệnh hiệu quả

Tùy nguyên nhân mà có nhiều cách phòng ngừa đặc hiệu.

  • Bé gái để cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục sau đi cầu, đi tiểu. Chú ý động tác lau hậu môn và dội nước sau mỗi lần đi cầu phải được thực hiện theo hướng từ trước ra sau để tránh trẻ đưa phân, vi khuẩn ngược lại bộ phận sinh dục.
  • Trẻ trai phải vệ sinh rửa sạch đầu dương vật đặc biệt ở những trẻ bị hẹp bao qui đầu .
  • Giun kim cũng là tác nhân đưa vi khuẩn lên gây viêm tiết niệu bé gái, do đó cần tẩy giun định kì.
  • Tăng cường chất xơ, lượng nước nhập vào, luyện tập đi tiêu mỗi ngày … để ngừa táo bón.
  • Giải tỏa các căng thẳng, stress cho trẻ, không nên la mắng hay cáu giận khi trẻ bị tiểu lắt nhắt, điều này khiến trẻ bị nặng hơn.
  • Tiểu lắt nhắt ở trẻ em cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và chia sẻ tâm lý lo lắng cùng trẻ. Không nên nóng giận điều trị mà làm bệnh càng trở nặng hơn. Đừng ngần ngại đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích.
  • Nguồn: Gia đình Việt Nam