Dòng sự kiện:

Trẻ ăn bao nhiêu muối trong thực đơn ăn dặm là đủ?

02:10 14/08/2016
Thực đơn ăn dặm của trẻ cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và cả gia vị cũng là thành phần vô cùng cần thiết. Bổ sung muối đúng cách sẽ giúp cơ thể trẻ hấp thụ tốt và khỏe mạnh hơn.

Chủ đề bổ sung muối đúng các trong đồ ăn dặm của bé hẳn là chủ đề phổ biến gây ra những "cuộc chiến" mâu thuẫn chăm con trong nhiều gia đình. Vậy thực tế trẻ ăn bao nhiêu muối trong thực đơn ăn dặm là đủ?

Hậu quả khôn lường nếu lạm dụng muối trong chế độ ăn dặm của trẻ

Muối có công thức hóa học là NaCl (Natri Chlorua), khi vào cơ thể sẽ được tách ra thành Natri và Chlor. Không chỉ là gia vị nêm nếm cho món ăn thêm đậm vị, muối còn giúp cân bằng thể dịch trong cơ thể, duy trì hoạt động bình thường của các tế bào.

Thiếu muối Iốt trẻ sẽ lùn, gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động sáng tạo của trẻ, trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung.

Bổ sung muối không đúng cách sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em.

Mặc dù muối là chất cần thiết, nhưng nếu các bậc cha mẹ lạm dụng quá đà đối với các trẻ đang tập ăn dặm sẽ gây hậu quả khôn lường, có thể làm tăng khối lượng dịch cho cơ thể, làm tăng huyết áp và gây các vấn đề nghiêm trọng đến tim, thận.

Một vài nghiên cứu thậm chí còn chứng minh rằng, nếu bạn bổ sung muối quá nhiều trong thức ăn của trẻ có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của não và có thể gây tử vong trong một số trường hợp.

Trẻ ăn bao nhiêu muối trong thực đơn ăn dặm là đủ?

Tùy theo độ tuổi và lượng thực phẩm trẻ tiêu thụ mỗi ngày, nhu cầu về muối của mỗi trẻ cũng khác nhau.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi, việc bổ sung muối trong các món ăn là không cần thiết. Thực phẩm tự nhiên, sữa mẹ, sữa công thức và bột ăn dặm hàng ngày đã đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Có thể nói, một chế độ ăn có nhiều sữa thì lượng Iốt thiếu hụt không nhiều vì 1 lít sữa có thể cung cấp 100 µg Iốt.

Như trẻ 6 tháng uống 800 ml sữa đã cung cấp được 90% nhu cầu Iốt rồi. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo rằng, không chỉ không cần thiết, việc nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm của trẻ còn có thể gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Qua một tuổi, nhu cầu của trẻ có thể tăng thêm. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên tập cho trẻ thói quen ăn quá mặn, hoặc quá ngọt. Tốt nhất, vẫn nên theo mức khuyến cáo do các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.

Theo Gia đình Việt Nam