Dòng sự kiện:

Vì sao Hà Nội có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết?

Những ngày gần đây, các con số thống kê về ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội liên tục tăng làm dấy lên lo ngại dịch sẽ bùng phát tại Thủ đô.

Trước hiện trạng này, sáng 27/7/2017, phóng viên (PV) đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Nội. 

PV: Thưa ông, tính đến thời điểm hiện nay số ca tử vong của Hà Nội do sốt xuất huyết là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Thống kê chính thức tại Hà Nội ghi nhận có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Về trường hợp tử vong của cháu bé 8 tuổi ở Đa Sỹ (quận Hà Đông), chúng tôi đã kiểm tra và xác định cháu bé tử vong do sốc nhiễm khuẩn, xét nghiệm không có dương tính với sốt xuất huyết.

PV: Hiện có thông tin cho rằng, Hà Nội có 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Thông tin những ngày qua cho rằng Hà Nội có 1.000 ổ dịch là chưa chính xác. Tích luỹ từ đầu năm, Hà Nội có gần 900 ổ dịch, trong đó 72% ổ dịch nhỏ chỉ có 1 hoặc 2 bệnh nhân. Chúng tôi đã nỗ lực cùng với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phát huy tinh thần cao nhất để phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch, cứu chữa người bệnh.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- UBND ngày 11/7/2017 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Trong Chỉ thị 13 cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của UBND các quận, huyện, thị xã như huy động nguồn lực bảo đảm công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài, lan rộng.Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến đi giám sát dịch tại nhà dân. Ảnh: Hồng Thương

PV: Ngoài yếu tố khách quan là năm nay thời tiết mưa nhiều, qua giám sát dịch tễ và những chuyến đi tại địa bàn, ông có thể khái quát về việc chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân Hà Nội như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Chúng tôi cho rằng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền mạnh. Bên cạnh đó, bệnh này cũng chưa có vắc-xin phòng đặc hiệu nên sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi bất thường. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

Ý thức phòng bệnh của người dân rất tốt nhưng thực hành làm như thế nào để không có bọ gậy lại không tốt. Qua giám sát địa bàn và vào tận gia đình người dân chúng tôi phát hiện nhiều bình hoa để lâu ngày bên trong còn nguyên nước, dốc ra rất nhiều lăng quăng. Nguồn bệnh lây lan sốt xuất huyết chiếm đến 30% trong các đợt giám sát khiến chúng tôi rất lo lắng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Gia đình Việt Nam