Dòng sự kiện:

Vì sao suy buồng trứng khiến phụ nữ khó thụ thai tự nhiên?

Theo PNVN
09:03 02/04/2017
Con gái lớn đã học lớp 3, vợ chồng chị Vân (34 tuổi) rất muốn sinh thêm. Thế nhưng dù tẩm bổ và 'thả cửa' cả năm trời, chị vẫn chưa có bầu. Đi khám, chị Vân té ngửa là mình đã bị suy buồng trứng, tỉ lệ dự trữ trứng rất thấp và khó thụ thai tự nhiên.

Thông báo của bác sĩ khiến chị Vân bàng hoàng đến cả tuần sau đó. Bởi trong chuyện sinh đẻ, chị Vân vốn được coi là người khá “nhạy”. Hồi sinh bé thứ nhất, vợ chồng chị có thai ngay sau cưới, “dễ” và nhanh tới mức mọi người thường trêu là “ăn cơm trước kẻng”. Thậm chí, sau khi sinh bé xong, vợ chồng chị lo ngay ngáy chuyện tránh thai mỗi khi... gần gũi.

Thế nhưng giờ, khi bé đầu đã lớn, nhà cửa cũng xong xuôi, anh chị muốn có con thì mãi vẫn không thấy đậu thai. Nhiều người bảo chị nên cắt thuốc Bắc cho cơ thể khỏe mạnh, khí huyết lưu thông, sẽ dễ đậu thai nhưng chị uống cả hai chục thang thuốc cũng không có kết quả. Sau khi đi khám và biết bị suy buồng trứng, chị Vân được tư vấn là nên thụ tinh ống nghiệm.

Chị em nên sinh con cách từ 3 đến 5 năm để tránh vô sinh thứ phát do suy buồng trứng sớm. Ảnh minh họa: internet

Cũng phải đến viện điều trị vô sinh thứ phát, chị Lê Thị Trang (Quảng Ninh) không thể ngờ mình lại mắc suy buồng trứng sớm. Chị Trang cho biết, hồi đầu chung sống, vợ chồng chị cũng “thả cửa” tới hơn 1 năm mà vẫn chưa có con, đi khám thì được biết chồng chị tinh trùng yếu. Tuy nhiên, hồi đó cả vợ chồng còn trẻ nên chưa cần làm thụ tinh mà chỉ cần kiên trì uống thuốc theo chỉ định rồi canh ngày rụng trứng để giao hợp.

Bé đầu giờ đã 8 tuổi, định bụng sẽ sinh con tiếp nên anh chị cũng uống thuốc và áp dụng cách tính ngày sinh hoạt vợ chồng như trước. Song hơn 1 năm trôi qua vẫn không có kết quả. Đáng nói, trước đây kinh nguyệt của chị Trang khá đều đặn nhưng khoảng gần 1 năm trở lại đây hay thất thường. Có đợt phải 2-3 tháng liên tiếp chị không có “đèn đỏ”. Do thấy mình cũng đã 35 tuổi, sợ càng để lâu càng bất lợi nên chị Trang đi khám. Kết quả chị bị suy buồng trứng, bác sĩ khuyên chị nên sớm làm thụ tinh ống nghiệm.

Không nên để quá lâu mới sinh bé thứ 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, cho biết, suy giảm buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng ngừng hoạt động sớm khi chưa đến tuổi mãn kinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả với những phụ nữ còn trẻ, chưa sinh đẻ lần nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng. Ở một số phụ nữ do bị rối loạn trong chu kì kinh nguyệt dẫn đến đột ngột mất kinh. Suy buồng trứng có thể xảy ra do nạo phá thai liên tục hoặc nhiều lần, dẫn đến rối loạn chức năng buồng trứng, khiến buồng trứng không thể sản sinh ra các trứng một cách bình thường hoặc có chất lượng.

Nếu thấy kinh nguyệt có vấn đề bất thường, chị em cần đi kiểm tra và điều trị sớm. Ảnh minh họa: internet

Trường hợp phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn, lây nhiễm bệnh tình dục, nhiễm virus herpes... cũng có thể là nguyên nhân gây ra lão hóa buồng trứng sớm, dù chưa đến tuổi mãn kinh. Ngoài ra, phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, stress cũng có thể gây rối loạn thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết làm giảm hormone Estrogen, gây giảm chức năng buồng trứng.

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh suy buồng trứng sớm là kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh không hành kinh, hành kinh nhưng huyết ít hơn, nhạt màu... Bên cạnh đó, do nồng độ hormone giảm nên bệnh nhân có thể mắc một số bệnh như: Stress, loãng xương, suy tuyến giáp, bệnh tim... Ở một số người, khi mắc suy buồng trứng, cơ thể có các dấu hiệu như mãn kinh tự nhiên với cơn bốc hỏa, đau khi quan hệ tình dục, khô âm đạo, tiểu nhiều lần, són tiểu...

Cũng theo bác sĩ Nhã, buồng trứng là bộ phận quan trọng, không chỉ thực hiện chức năng nuôi dưỡng tế bào trứng mà còn sản xuất hormone sinh dục điều khiển hoạt động tình dục và hoạt động sinh sản ở phụ nữ. Do đó, suy buồng trứng sớm sẽ ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần cho người phụ nữ. Đặc biệt, đây còn là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn cho nữ giới.

Hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị tích cực nào có thể cải thiện khả năng sinh sản của những người bị suy buồng trứng sớm. Hầu hết, phụ nữ rơi vào tình trạng này sẽ phải áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm nếu muốn có con.

Vì thế, để tránh tình trạng vô sinh thứ phát do suy buồng trứng, phụ nữ nên quan tâm đến độ tuổi để có thai, vì càng nhiều tuổi (nhất là sau 30 tuổi) nguy cơ mắc suy buồng trứng cao hơn. Đồng thời, không nên kéo dài quá lâu khoảng cách giữa 2 lần sinh, thời gian lý tưởng là từ 3 đến 5 năm và tốt nhất sinh con trước 35 tuổi.

Bên cạnh đó, chị em cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, nếu thấy kinh nguyệt có vấn đề bất thường: Máu kinh ít, kinh thưa dần, mất kinh mấy tháng liên tiếp... cần đi kiểm tra và điều trị sớm, tránh để rối loạn nội tiết kéo dài gây suy buồng trứng. Ngoài ra, chị em cần hạn chế stress, căng thẳng, có chế độ ăn uống hợp lý... để tăng cường sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam