Dòng sự kiện:

Xúc động tìm về “Ký ức Hà Nội” qua những kỷ niệm thời bao cấp

Yến Anh, ảnh Bá Lục
14:09 26/12/2018
Ai đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội suốt một thời bao cấp, hẳn sẽ có nhiều ký ức đẹp về mảnh đất này.

 Một đô thị cổ kính với rất nhiều nét văn hoá truyền thống, thậm chí nhiều phong tục tập quán trở thành “mẫu mực” cho văn hoá ứng xử giao tiếp cũng như sự bài bản trong các hoạt đông lễ tết. Thời đại mở cửa cuốn phăng đi nhiều thứ, nhưng chắc chắn những giá trị văn hoá cốt lõi làm nên bản sắc riêng của người Việt Nam sẽ trường tồn. Những ký ức về một thời Hà Nội xưa cũ cũng chính là những điều làm nên khí chất của người Hà Nội ngày hôm nay.

Ngày 30-12 tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du) sẽ diễn ra chuỗi sự kiện “Ký ức Hà Nội” với 3 hoạt động chính là Trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp, Triển lãm tranh ký họa và Ra mắt sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa và hồi ức”. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Ngon Garden và nhóm Urban Sketchers Hanoi, kéo dài trong một tháng tại khu vườn giữa lòng thủ đô - 70 Nguyễn Du.

 Với mong muốn tái hiện, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của một thời kỳ lịch sử. Các tác giả cả chuyên và không chuyên của Urban Sketchers Hanoi mang đến triển lãm “Ký họa Hà Nội” 250 bức tranh. Đây là những tác phẩm đặc sắc nhất trong số hàng ngàn tác phẩm có chủ đề tập thể Hà Nội xưa được chọn lọc và thẩm định bởi các chuyên gia mỹ thuật, hội họa và kiến trúc.

Với rất nhiều những kỷ niệm được chia sẻ, “Ký ức Hà Nội” sẽ là một cuộc triển lãm nhiều cảm xúc dành cho những ai từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kỳ này. Cuộc triển lãm này nhằm giới thiệu cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa và hồi ức” cùng những bức tranh vẽ về một Hà Nội xưa cũ. Bên cạnh đó, công chúng đến với triển lãm sẽ được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời Hà Nội bình yên, nghèo nhưng rất đẹp.

 Đó là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hang, là cửa hang mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh… Những hình ảnh ấy được thể hiện hoặc trên những bức tranh, hoặc được sắp đặt tại chỗ để khán giả có thể trực tiếp cảm nhận như ấm trà vối nóng kèm kẹo lạc, những món ăn chơi như kẹo rồi, mứt me, mứt bí, mứt gừng,… thậm chí là món cơm độn sắn, món lòng xào dưa chua,… những thứ rất quen thuộc với Hà Nội thời bao cấp.

 

Chia sẻ cảm xúc của mình về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – một cư dân chung cư cũ của Hà Nội cho rằng cuốn sách là một ý tưởng độc đáo. “Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ” – nhà văn nổi tiếng chia sẻ.

Ông cũng tâm sự, những người viết và vẽ về các chung cư thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn. Những trang viết thật giản dị, trung thực nhưng xúc động lạ thường. Người đọc nhận ra rất rõ ràng một điều : những người viết đang trở về nơi chốn mình đã sống trước kia bằng một con đường trong tâm khảm. Con đường của những kỷ niệm, những buồn vui, những da diết, những thương nhớ và những suy ngẫm về chính đời sống của cá nhân mình. Những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội… giờ đây lại hiện ra trong một ánh sáng khác. Và như thể lần đầu, chúng ta ngỡ ngàng nhận tra ô cửa sổ, ban công, cánh cửa, lồng sắt, bức tường, căn phòng, cầu thang, quán nước….đẹp đến nao lòng.

 

Bà Trần Thị Thanh Thuỷ - Trưởng nhóm Urban Sketchers Hanoi – những người làm nên cuốn sách và những bức tranh trong triển lãm chia sẻ: “Triển lãm và cuốn sách để đánh dấu một giai đoạn, giữ lại những bức hình trong 1 năm hoạt động của nhóm. Chúng tôi muốn những người tham quan được sống lại một thời Hà Nội. Nhà tập thể là minh chứng của thời đổi mới, gắn với kỷ niệm của một thế hệ nên nhóm ký hoạ lại để ghi lại ký ức xưa”.

 Với chủ đề xuyên suốt là Ký ức Hà Nội, ban tổ chức đã mang đến sự tươi mới bằng cách kết hợp cả ngôn ngữ hội họa và văn hóa ẩm thực. Hai hoạt động bổ sung và nâng đỡ nhau, hứa hẹn mang tới một trải nghiệm đặc biệt cho người tham dự về một Hà Nội rất quen nhưng rất lạ. 

Bữa cơm bao cấp tại triển lãm

Chia sẻ lí do tổ chức sự kiện, đại sứ ẩm thực Việt, bà Phạm Thị Bích Hạnh từ Ngon Garden nói: “Sự kiện lần này thêm một lần nữa thể hiện sứ mệnh của Quán Ăn Ngon, đó là gìn giữ ẩm thực, văn hoá truyền thống của dân tộc. Triển lãm ẩm thực thể hiện rõ thời kỳ bao cấp ăn sâu vào cuộc sống và mang nét đẹp rất riêng của Hà Nội, đồng thời cũng mang tới trải nghiệm mới lạ, ấn tượng cho khách tham quan về các món ăn được chế biến theo hướng hiện đại. Những người tham gia sẽ có sự hoài niệm, nhìn thấy gia đình mình trong đó. Tôi cho rằng bây giờ cuộc sống vật chất càng đầy đủ thì những giá trị văn hoá như vậy sẽ càng quý giá biết bao.”