Dòng sự kiện:

10 nguyên nhân chủ yếu khiến chị em hay bị trễ kinh

16:30 15/11/2015
Nhiều bạn nữ thường than rằng, mỗi chu kỳ kinh nguyệt của mình thường tới chậm so với tháng trước vài ngày, thậm chí cả tuần trời. Nguyên nhân do đâu?

 

 

 


[mecloud]PYKXaGykGo[/mecloud]

1. Giảm cân nhanh hoặc tập quá sức

Theo Prevention, nếu chỉ số BMI giảm nhanh xuống mức 18 hoặc 19, bạn có thể bị chậm hoặc mất kinh. Tuy nhiên, hiện tượng này không hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ số BMI. Chán ăn hay tập thể dục, chạy bộ, làm việc quá sức cũng khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn.

"Cơ thể căng thẳng cực độ sẽ ngăn ngừa quá trình rụng trứng khiến bạn không đủ estrogen, dẫn đến mất kinh”, bác sĩ Alyssa Dwec - tác giả cuốn sách Vis for Vagina giải thích.

2. Thay đổi lịch làm việc, sinh hoạt

Thay đổi lịch làm việc, sinh hoạt có thể phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn chuyển cơ chế làm việc từ ngày sang đêm hay ngược lại. Nếu bạn thường xuyên thay đổi ca làm việc và thấy có vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, thì nên tính đến khả năng làm một ca không thay đổi hay chỉ đổi ca sau một thời gian lâu dài hơn.

3. Thay đổi các thuốc sử dụng


Có thể bạn sử dụng một loại thuốc mới và hậu quả là bạn bị trễ hay mất một kỳ kinh. Hãy báo với bác sĩ về tác dụng phụ này của thuốc. Sự trễ kinh rất thường xảy ra với một số phương pháp ngừa thai. Nếu bạn đổi thuốc, cần hỏi về những tác dụng phụ có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

4. Tăng thể trọng quá mức

Sự tăng thể trọng quá nhiều có thể làm các hóc môn tác động đến chu kỳ kinh và thậm chí làm ngừng kinh. Hầu hết phụ nữ thấy sẽ trở lại chu kỳ bình thường sau khi giảm một số cân thể trọng, kể cả sau khi giảm vẫn còn tình trạng thể trọng quá mức bình thường.

5. Sử dụng thuốc tránh thai

Chậm hoặc mất hẳn kinh nguyệt có thể là tác dụng phụ của thuốc tránh thai. “Một liều thuốc tránh thai nhẹ có thể làm thay đổi kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này không gây nguy hiểm và thậm chí trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu tích cực”, bác sĩ Dweck cho hay.

Bạn có thể thử dùng các phương pháp tránh thai khác như vòng tránh thai nội tiết tố, thanh cấy dưới da, bao cao su. Nếu chu kỳ vẫn không ổn định, bạn cứ dùng đều đặn một thời gian, chu kỳ sẽ ổn định trở lại.

6. Căng thẳng


Một biến cố làm chấn động cuộc sống của bạn có thể dẫn đến vô kinh.

Chuyên gia lý giải: "Trong não bộ, vùng dưới đồi chính là nơi sản sinh các hormone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Vùng dưới đồi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự căng thẳng. Vì vậy, nếu bạn đang đối mặt với những thách thức lớn như gia đình có tang, cuộc chia tay đau buồn, hoặc bất kỳ biến cố nào gây nhiều biến động, thì đó có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này".

7. Tuyến giáp bất thường

Tuyến giáp nằm ở cổ, điều chỉnh quá trình trao đổi chất và tương tác với nhiều hệ thống khác để giữ cho cơ thể luôn vận hành tốt.

Nếu bạn đang bị mất cân bằng tuyến giáp, dù đó là sự suy giảm hoặc tăng cường hoạt động của tuyến này cũng ảnh hưởng đến chu kỳ của bạn.

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khác của rối loạn tuyến giáp, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.

8. Triệu chứng đa nang buồng trứng

PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang) là sự mất cân bằng nội tiết tố làm thay đổi hàm lượng estrogen, progesterone, testosterone gây hạn chế rụng trứng.

Những trường hợp phụ nữ mất kinh do đa nang buồng trứng ngày càng nhiều và với những mức độ khác nhau. Nó có thể khiến bạn mất kinh hoàn toàn hoặc có nhưng không đều đặn.

Những triệu chứng khác của PCOS bao gồm sự phát triển lông ở những vùng ngoại lệ như mặt và ngực, tăng cân và tiềm ẩn những vấn đề về việc sinh sản. Nếu bạn bị như thế, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn một kế hoạch điều trị kịp thời.

9. Những bệnh mãn tính

Bất cứ căn bệnh mãn tính nào cũng gây căng thẳng cho hệ thống chung của cơ thể và có thể gây mất kinh. Ví dụ như bệnh dị ứng celiac...

10. Mãn kinh sớm

Khi phụ nữ dưới 40 tuổi bị thiếu hụt một lượng hormone đáng kể có thể bị mãn kinh sớm, còn được gọi là suy buồng trứng sớm. Cùng với "tắt" chu kỳ kinh nguyệt còn có các triệu chứng như nóng trong người, đổ mồ hôi ban đêm và khô âm đạo.

Tình trạng này không phổ biến lắm, do đó bạn không nên quá lo lắng về nó.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]ARJkkdRAE9[/mecloud]