Dòng sự kiện:

10 việc cha mẹ không nên làm hộ con nếu muốn con biết tự lập hơn

07:27 27/03/2018
Để dạy con biết tự lập và chịu trách nhiệm với hành vi của mình, cha mẹ cần ngừng ngay những việc làm hộ con dưới đây.

Một số cha mẹ thường có thói quen giúp đỡ con cái quá nhiều, khiến trẻ dần mất đi khả năng tự lập vốn có. Làm hộ con chính là cha mẹ đang tước đi cơ hội để con tự lập. Chính vì vậy, không bao giờ là quá sớm để dạy con tính tự lập ngay từ chính thói quen hàng ngày của cha mẹ. Nếu bạn muốn bé tự đứng trên đôi chân của mình, hãy để bé tự chuyển mình từ một đứa trẻ nhút nhát, nhạy cảm thành một người lớn có trách nhiệm, sống tự lập thay vì cứ chạy theo và làm hết hộ con. Cha mẹ hãy ngừng ngay 10 việc làm sau:

1. Trả lời thay con

Trẻ thường rất vui khi được người lớn hỏi “Tên của con là gì?”, thế nhưng nhiều cha mẹ thường có thói quen trả lời hộ con mình, thậm chí khi con đã lớn. Điều này có thể chấp nhận được nếu các bé còn nhỏ và chưa biết nói, nhưng nếu trẻ đã lớn, biết nói thì cha mẹ không nên trả lời thay con như vậy. Bởi cha mẹ đang vô tình lấy đi cơ hội để chính trẻ tự trả lời câu hỏi của mình.

Việc cha mẹ cần làm: Cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ về những gì người khác đang hỏi nhưng tuyệt đối đừng bao giờ trả lời thay con. Hãy cố gắng kiềm chế và ngăn bản thân mỗi khi bạn muốn nói thay trẻ để con có cơ hội được tự đưa ra câu trả lời của mình.

2. Cố để làm bạn với con 

Không ít bố mẹ có suy nghĩ và đã cố gắng trở thành bạn với con của mình bởi họ không muốn con mình có bất kỳ bí mật nào. Điều này có thể dễ dàng hiểu được nhưng hãy cố gắng nhìn sâu hơn một chút: Như thế nào là 1 người bạn? Đơn giản đó chính là người mà con có thể thoải mái nói chuyện một cách bình đẳng, ngang hàng.

Còn cha mẹ lại có một vai trò đặc biệt khác đó là luôn quan tâm và yêu thương con cái với tư cách làm cha làm mẹ. Vậy nên cha mẹ không cần phải cố gắng để trở thành bạn thân của con, hãy cứ để trẻ tự tìm kiếm bạn bè bằng với lứa tuổi của mình. Cha mẹ sẽ là hậu phương luôn ở bên cạnh và hỗ trợ bất kỳ lúc nào con cần.

Việc cha mẹ cần làm: Nói không với mối quan hệ quá chặt chẽ với con, cha mẹ hãy hỗ trợ khi con cần, tôn trọng không gian riêng của con và để con tự tìm bạn của mình.

3. Phân biệt “con muốn” và “con cần”

Cha mẹ vẫn luôn muốn những gì tốt nhất dành cho con cái của mình nhưng đôi khi hành động và lời nói của cha mẹ giống như đang “đàn áp” trẻ, muốn con mình phải thế này, thế kia và nhất định phải đạt được mục tiêu mà người lớn đưa ra mà không tìm hiểu xem con thực sự cần gì, muốn gì. Nếu cứ tiếp tục làm vậy, trẻ sẽ bắt đầu nổi loạn và chống cự lại tất cả mọi người, kể cả cha mẹ.

Việc cha mẹ cần làm: Hãy tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của trẻ là gì. Nếu cần chỉ bảo và dạy cho trẻ những thói quen tốt, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu thay vì hành động một cách dữ dội và đàn áp trẻ.

4. Làm giúp con quá nhiều việc 

Thông thường, trẻ từ 2-3 tuổi đã có thể tự mặc quần áo, rửa chén bát, và cho quần áo bẩn vào trong máy giặt. Và thật sự thì trẻ luôn muốn tự mình làm mọi việc nếu có thể. Nhưng trong mắt cha mẹ thì con còn quá bé và không thể nào tự làm mọi việc được, cho nên cha mẹ sẽ làm thay con. Hành động luôn muốn làm giúp con, làm thay con quá nhiều việc trong khi trẻ hoàn toàn có thể tự làm được sẽ càng khiến con không còn muốn giúp đỡ cha mẹ nữa, mọi việc đều ỷ lại vào người lớn, dẫn đến việc trẻ không thể có cuộc sống tự lập và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình nữa.

Việc cha mẹ cần làm: Đơn giản là hãy để trẻ được tự làm càng nhiều việc càng tốt, bằng chính khả năng của trẻ.

5. Tự quyết định mọi thứ 

Cha mẹ thường cố áp đặt sở thích của người lớn như âm nhạc, loại sách, phong cách, quần áo với con cái và tự quyết định mọi thứ thay con. Mặc dù đây là ý tốt nhưng nó lại làm giảm đi cá tính của trẻ, trong nhiều trường hợp còn khiến trẻ giận dữ và phản đối lại cha mẹ mình, thậm chí làm ngược lại hoàn toàn.

Việc cha mẹ cần làm: Cha mẹ hãy xem những bộ phim, nghe những bản nhạc yêu thích của chính mình và hỏi ý kiến của con trước khi quyết định tham gia hoạt động nào đó. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng thảo luận với con về thần tượng của chính mình.

6. Kiểm đếm tiền của con

Mỗi đứa trẻ đều có một khoản tiền tiêu vặt nho nhỏ của mình. Cha mẹ không nên tra hỏi quá nhiều về số tiền mà trẻ đang có. Và điều này sẽ trở nên thật tệ nếu cha mẹ cố ý kiểm tra ống tiết kiệm hay túi ví của con để xem con có bao nhiêu tiền. Trẻ sẽ ngay lập tức cảm thấy mất niềm tin vào cha mẹ mình. Trước khi muốn kiểm tra, cha mẹ hãy cân nhắc liệu số tiền con đang giữ có thật sự quá quan trọng với người lớn hay không?

Việc cha mẹ cần làm: Hãy dạy con cách quản lý và chi tiêu tiền bạc của mình một cách khoa học để có được thứ mà trẻ muốn bằng chính đồng tiền mà con có.

7. Áp đặt sở thích với con

Cũng giống như trường hợp tự quyết định mọi thứ thay con, nhiều phụ huynh có xu hướng áp đặt sở thích của bản thân lên con cái. Chẳng hạn như mẹ muốn con gái chơi đàn violin và sẵn sàng đưa con đi khắp thành phố để học nhạc 3 buổi/tuần. Trong khi đó người bố lại muốn con trai mình chơi bóng đá mỗi buổi tối. Tất cả những việc làm này đều là đang cố gắng áp đặt sở thích của chính cha mẹ lên con cái.

Việc cha mẹ cần làm: Hãy kiên nhẫn và tìm hiểu xem bé thích gì, có khuynh hướng thiên về môn nghệ thuật nào hay bé đang quan tâm tới điều gì nhất để định hướng cho con phát huy được khả năng của bản thân.

8. Kể công, lạm dụng khoe thành tích của con 

Có nhiều ông bố bà mẹ thường thích khoe với mọi người những gì con mình đạt được nhưng lại hàm ý là thành công của cha mẹ trong đó. Ví dụ như “Chúng tôi vừa ăn cháo xong, mẹ con tôi đang tập đứng, tập đi, tập nói...”. Tất nhiên, cha mẹ là người giúp đỡ và định hướng cho bé rất nhiều, nhưng những việc bé đạt được thì đó là thành quả của bé.

Khi những đứa trẻ lớn lên trong lời khen ngợi, khoe thành tích kiểu như vậy sẽ khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn. Các bà mẹ và ông bố bắt đầu nói về việc con cái họ đã thi đỗ đại học và tìm được việc làm như thế nào, đơn giản cha mẹ chỉ muốn tỏ ra rằng nhờ công sức của mình mà con mới đạt được những thành công đó. Và tất nhiên, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cảm thấy buồn bực và khó chịu khi phải nghe những lời này.

Việc cha mẹ cần làm: Hãy giúp con định hướng và thật sự hạnh phúc khi con đạt được những mốc phát triển hay thành công nào đó trong cuộc sống, nhưng đừng vì thế mà khoe khoang quá nhiều hay lạm dụng lời khen để kể công với con.

9. Chọn quà thay con

Một đứa trẻ hoàn toàn có quyền chọn những gì bé muốn. Đó không nhất thiết phải là một chiếc áo phông thời thượng, đắt tiền hay một món đồ chơi được cho là giúp phát triển trí não hay mang tính giáo dục.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể để cho trẻ tự lựa chọn. Nhưng việc để cho trẻ được quyết định và chọn món quà ưa thích sẽ mang đến cho trẻ nhiều điều thú vị và bài học kinh nghiệm về khả năng lựa chọn, đưa ra quyết định và đối mặt với kết quả, hậu quả của nó. Những kỹ năng như vậy sẽ góp phần bổ trợ hữu ích cho cuộc sống sau này của trẻ. Chính vì thế cha mẹ không cần và không nên làm thay con để con được rèn luyện nhiều hơn.

Việc cha mẹ cần làm: Hãy để con tự chọn món quà mà con muốn và tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

10. Can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con 

Điều này cần đặc biệt lưu ý với cha mẹ có con ở lứa tuổi vị thành niên bởi giai đoạn này cha mẹ lại càng có cớ để hỏi han, tìm hiểu xem con đang quen ai, tiếp xúc với những người như thế nào. Điều này hoàn toàn bình thường và đúng với bản năng của người làm cha làm mẹ nhưng đôi khi lại vô tình làm trẻ cảm thấy khó chịu, bức bối, cảm giác như cha mẹ đang xâm phạm và can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con.

Việc cha mẹ cần làm: Thay vì tra hỏi, hãy để cho con có không gian riêng. Nếu thấy con không muốn chia sẻ bí mật riêng của mình thì cha mẹ đừng hỏi quá nhiều và tất nhiên, đừng bao giờ đọc lén tin nhắn hay nhật ký của trẻ. Đó là điều tối kị.

Theo Helino


TAG