Dòng sự kiện:

11 kiểu thử thai "khủng khiếp" nhất trong lịch sử

03:00 13/10/2015
Những phụ nữ thời xưa phải sử dụng rất nhiều cách kỳ lạ để dự đoán mình có thai hay không.
 

 [mecloud]qxqxQQQhUI[/mecloud]

1. Dùng hạt giống


Đây được xem là cách thử thai ra đời sớm nhất. Cuốn sách y học Kahun Papyrus từ thời Ai Cập cổ đại, năm 1350 trước Công nguyên viết rằng phụ nữ thời đó muốn biết mình có bầu hay không sẽ lấy một số hạt lúa mì và lúa mạch ngâm trong nước tiểu của mình vài ngày. "Nếu hạt lúa mạch nảy mầm, người phụ nữ đó mang thai bé trai. Nếu lúa mì nảy mầm thì thai nhi là bé gái. Nếu không hạt lúa nào nảy mầm thì chứng tỏ người phụ nữ đó không mang thai".

Người Ai Cập cổ đại tin rằng, nếu túi hạt lúa mì nảy mầm thì người mẹ sẽ sinh con gái, nếu túi hạt lúa mạch nảy mầm thì sẽ là bé trai. Thật thú vị, cách thử thai này được các nhà khoa học xác nhận đúng tới 70%, vào những năm 1960.

Nghe có vẻ vô lý nhưng nghiên cứu của viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1963 đã chứng minh phương pháp này cho kết quả chính xác tới 70%. Nước tiểu của người phụ nữ mang thai đã kích thích hạt lúa nảy mầm trong khi nước tiểu của đàn ông và phụ nữ không mang thai thì không làm được như vậy.  Các nhà khoa học sau này phát hiện ra rằng, do nước tiểu của phụ nữ mang thai có nồng độ cao hormone estrogen, kích thích hạt nảy mầm.

 

2. Dùng củ hành

 

Khác với người Ai Cập, người Hy Lạp cổ đại dùng củ hành để xác định xem người phụ nữ nào đó có thai hay không. Nếu nghi ngờ một người phụ nữ mang thai, bác sĩ nhét củ hành hoặc củ có mùi mạnh khác vào âm đạo người phụ nữ, rồi để qua đêm. Nếu hơi thở của cô ấy có mùi hành, nghĩa là cô ấy đang mang thai. Người Hy Lạp lý giải rằng, củ hành khi nhét vào vùng kín sẽ ngấm vào máu và hơi thở người phụ nữ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học hiện đại cho rằng, đây là phương pháp thử thai phản khoa học.

3. Dựa vào màu sắc âm đạo 

 Khi người phụ nữ mang thai khoảng 6 đến 8 tuần, cổ tử cung và âm đạo sẽ thay đổi màu sắc: có thể có màu tím hoặc đỏ sẫm do lượng máu đến khu vực này tăng lên. Đây được cho là dấu hiệu đáng chú ý của thai kỳ, trước cả những dấu hiệu phổ biến như thèm của chua, ốm nghén. 

Một bác sĩ người Pháp đã chú ý đến dấu hiệu này từ năm 1836 nhưng đến tận năm 1886, bác sĩ sản khoa James Read Chadwick mới giới thiệu phát hiện này tại một cuộc họp của hội Phụ khoa Mỹ. Sau đó, việc theo dõi màu sắc vùng âm đạo để thử thai được gọi là "dấu hiệu Chadwick". Tuy nhiên để nhận thấy "dấu hiệu Chadwick" đòi hỏi phải khám âm đạo vì vậy nhiều phụ nữ không muốn dùng biện pháp rắc rối này.

4. Sử dụng chìa khoá

Nếu một người phụ nữ nghi ngờ mình có thai, cô ấy sẽ dùng một cái chìa khoá kim loại bỏ vào bát. Sau đó, cô ấy đi tiểu ngập chìa khoá, để trong 3 tiếng. Nếu chiếc chìa khoá sáng loáng thì chứng tỏ cô ấy đang mang bầu. Ở thời đó, người ta tin rằng trong nước tiểu của thai phụ có hàm lượng axit cao sẽ làm sáng chìa khoá. Lý giải này cho tới nay vẫn chưa được sáng tỏ.

5. Nhìn vào mắt

Khi y học tiên tiến, ngày càng có nhiều bác sĩ muốn củng cố lý thuyết thử thai của mình là chính xác. Một trong những phương pháp lạ để dự đoán mang thai đến từ bác sĩ nhãn khoa người Pháp Jacques Guillemeau. Bác sĩ này cho rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và qua đó, có thể dự đoán nhiều thứ. Theo Jacques, đôi mắt của người phụ nữ mang thai sẽ nhìn sâu hoắm, đồng tử thu nhỏ, hai góc mắt sưng lên.

Các nhà khoa học hiện đại khẳng định, mặc dù có sự thay đổi về mắt trong 9 tháng mang thai nhưng không dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.

6. Tiên tri

Trong những năm 1600, một làn sóng tự xưng là “tiên tri” giúp chẩn đoán việc mang thai cho người phụ nữ. Họ sẽ nhìn nước tiểu của một người phụ nữ để tiên đoán việc mang thai. Nước tiểu của người mang thai sẽ trong, có màu vàng chanh nhạt và đục nhẹ trên bề mặt.

7. Đốt dải ruy băng ngâm nước tiểu

Một cách thử thai kỳ lạ ở thế kỷ 17 vẫn liên quan tới nước tiểu xuất hiện. Một người phụ nữ nghi mình có thai sẽ đi gặp bác sĩ và tiểu vào chậu. Bác sĩ sẽ dùng một dải ruy băng, nhúng ngập nước tiểu. Sau đó đem phơi khô rồi đốt trước mặt người phụ nữ. Nếu cô ấy ngửi thấy mùi nước tiểu từ dải ruy băng bị đốt và buồn nôn thì nghĩa là cô ấy đang mang thai.

Khỏi phải nói, đây là cách thử thai không có cơ sở khoa học.

8. Dùng thỏ


Một trong những cách thử thai lạ lùng xuất hiện ở thế kỷ 20 bởi phát minh bởi bác sĩ Bernhard Zondek và Selmar Aschheim. Cả hai phát hiện ra rằng, nếu đem nước tiểu của người phụ nữ mang thai tiêm vào những cơn vật nhỏ, giống cái thì buồng trứng của chúng sẽ to lên. Ban đầu, họ thử nghiệm trên chuột nhưng sau đó dùng thỏ. Mặc dù kết quả thử nghiệm là khá chính xác nhưng phương pháp này bị cấm vì sẽ làm hại tới thỏ.

9. Dùng ếch


Cùng thử nghiệm như thỏ, các nhà khoa học đã dùng ếch để kiểm tra xem một người phụ nữ đang có mang thai hay không. Thử nghiệm được sử dụng trên loài ếch Nam Phi. Dùng nước tiểu của người phụ nữ tiêm vào túi lưng bạch huyết của ếch. Sau đó, một con ếch cái sẽ đẻ trứng trong 12 giờ.

10. Nhìn vào máu sắc nước tiểu

Nhìn màu sắc nước tiểu Thử thai dựa vào màu sắc nước tiểu là phương pháp phổ biến tại Châu Âu vào thế kỷ 16. Một tài liệu từ năm 1552 đã mô tả nước tiểu của phụ nữ có bầu là: "có màu vàng nhạt đến trắng đục". Người ta còn thử thai bằng cách trộn nước tiểu với rượu rồi quan sát kết quả. 

Thực tế, rượu phản ứng với một số protein trong nước tiểu, vì vậy thử nghiệm này có tỷ lệ chính xác nhất định. Tuy nhiên, thử nghiệm này sẽ không chính xác nếu người phụ nữ mắc một số bệnh như tiểu đường, trầm cảm hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, dâu tây khiến màu nước tiểu thay đổi.

11. Cách thử thai đầu tiên tại nhà


Vào cuối những năm 1970, thử nghiệm có thai đầu tiên tại nhà được công bố. Các vật dụng thử thai được tung ra thị trường năm 1977 gồm một ống nghiệm, một lọ nước tinh khiết và một mẫu tế bào hồng cầu của cừu. Phụ nữ sẽ dùng một chiếc gương để tiểu vào trong ống, sau đó thêm nước tinh khiết và máu cừu vào lọ, để yên 2 tiếng. Nếu mọi thứ không bị hoà lẫn vào nhau thì là đang mang thai.

 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

 

 [mecloud]D6r50JRewr[/mecloud]