Dòng sự kiện:

3 bước đơn giản giúp mẹ tập cho trẻ thói quen ngủ sớm

Theo PLXH
19:15 27/03/2017
Cho bé vào giường vào một giờ cố định, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu mệt (7h tối với trẻ dưới 2 tuổi và muộn nhất là 8h tối với trẻ trên 2 tuổi).

Bước 1: Chuẩn bị

Một trong những điều kiện để bé ngủ ngon là bé được chơi thả phanh, được vận động chạy nhảy ngoài trời lúc ban ngày. Điều này liên quan đến hormon melatonin, hormon điều khiển đồng hồ ngày đêm của cơ thể. Vì vậy, hãy cho bé ra ngoài chơi thật nhiều, vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giúp ăn ngon miệng và vừa giúp bé ngủ ngon.

Điều kiện thứ 2 là giảm thiểu thời gian phơi nhiễm trước màn hình (tivi, ipad, điện thoại..), nhất là trước giờ ngủ vì ánh sáng màn hình khiến cơ thể ít cảm thấy mệt hơn so với bình thường.

Trước giờ ngủ không cho bé chơi tivi, ipad, điện thoại. (Ảnh: Babycare)

Điều kiện tiếp nữa là trẻ không nên ăn đồ ngọt vào buổi tối. Cái này vừa liên quan đến hormon, vừa liên quan đến vệ sinh răng miệng.

Trẻ ngủ trưa cũng không có vấn đề gì, miễn là trẻ thức dậy trước 3h chiều (với trẻ từ 1 tuổi trở lên).

Bước 2: Bắt đầu quá trình tập ngủ

Bố mẹ lên lịch chọn một ngày thích hợp để bắt đầu quá trình tập ngủ. Không nên chọn những ngày bé ốm hay mới khỏi ốm, cũng không nên chọn những ngày gia đình có việc hay có thay đổi lớn. Ví dụ như khi mới sinh em bé chẳng hạn, không nên bắt đầu tập ngủ cho bé lớn mà nên làm từ trước khi sinh bé nhỏ. Đến ngày đã định thì nói với bé "tối nay sau khi đọc truyện xong thì con tự ngủ nhé" (nếu bạn chọn hoạt động đọc truyện cho con trước khi đi ngủ).

Cho bé vào giường vào một giờ cố định, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu mệt (7h tối với trẻ dưới 2 tuổi và muộn nhất là 8h tối với trẻ trên 2 tuổi). (Ảnh: Kiến thức)

Bước 3: Tạo thói quen cho bé (và cả gia đình nếu cần thiết)

Tạo thói quen cho bé (và cả gia đình nếu cần thiết) và thực hiện tập ngủ. Tạo thói quen sinh hoạt buổi tối làm song song với bước 1 ở trên.

Gia đình nên ăn tối vào một giờ nhất định. Sau bữa ăn tối thì đánh răng, thay quần áo ngủ, mặc bỉm (nếu bé vẫn tè đêm). Sau bữa tối cũng chỉ nên có các hoạt động nhẹ nhàng như vẽ vời, chơi đồ hàng, nói chuyện, tắm, xếp hình...

Cho bé vào giường vào một giờ cố định, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu mệt (7h tối với trẻ dưới 2 tuổi và muộn nhất là 8h tối với trẻ trên 2 tuổi).

Khi cho bé vào giường thì đọc truyện, kể chuyện, nói chuyện hay hát là hoạt động hợp lý nhất và dễ thực hiện nhất. Với các bé lớn, bố mẹ có thể để cho bé tự chọn truyện, nếu bé chọn nhiều quá mà bố mẹ không muốn đọc hết thì có thể ra quy định chẳng hạn như "con tự chọn 3 quyển truyện để mẹ đọc cho con". Còn nếu bố mẹ muốn và có thời gian thì có thể đọc cả chục quyển cũng không sao cả. Với bé nhỏ hơn thì bố mẹ tự chọn và nói với bé "hôm nay mẹ đọc cho con 3 câu truyện. Đọc xong thì con ngủ nhé".

Trước khi đọc đến quyển cuối cùng thì nhắc lại "mình đọc nốt quyển này rồi con ngủ nhé". Đọc truyện xong, bố mẹ tắt đèn và nói chúc con ngủ ngon.

Đọc truyện trước khi đi ngủ là hoạt động hợp lý nhất và dễ thực hiện nhất. (Ảnh: Gia đình)

Bước tiếp theo có thể bố mẹ muốn nằm cạnh con đến khi con ngủ hoặc bố mẹ muốn con tự ngủ luôn mà không cần bố mẹ nằm cạnh.

Nếu muốn nằm cạnh con thì bố mẹ nên nằm yên, không trò chuyện gì cả. Các bé có thể đòi nắm tay, đòi ôm. Bố mẹ cho con ôm, cho con nắm tay nhưng vẫn giữ im lặng. Nếu bé đòi dậy chơi hay đọc thêm truyện thì mẹ nhắc "đến giờ ngủ rồi, con ngủ đi". Dần dần bé sẽ ngủ.

Nếu không muốn nằm cạnh con mà muốn để cho con tự chìm vào giấc ngủ một mình thì "phức tạp" hơn một chút.

Trước khi lên giường, bố mẹ nói với con "hôm nay đọc truyện xong là con tự ngủ nhé. Bố mẹ sẽ ngồi đọc sách của bố mẹ ở ghế cạnh giường con” (trước đó đã kê cái ghế cạnh giường con).

Sau khi đọc truyện cho con xong, chúc con ngủ ngon và tắt đèn thì ra ghế ngồi, đọc sách của bố mẹ. Con có thể muốn chơi đồ chơi ở trên giường, muốn đọc sách, muốn ôm gấu bông... thì cũng được, miễn là con chỉ ở trên giường, không được rời khỏi giường. Nếu con mè nheo đòi bố mẹ đọc thêm sách thì bố mẹ nhẹ nhàng từ chối, nói giờ là lúc con ngủ, còn mẹ đang đọc sách. Nếu con đòi ra ôm bố mẹ thì cho con ôm hôn rồi lại nói chúc ngủ ngon. Nếu con ra khỏi giường thì nhẹ nhàng đưa con vào giường và nhắc lại đến giờ ngủ rồi, con phải nằm trên giường.

Mấy ngày đầu có thể mất vài tiếng con mới ngủ, nhưng dần dần sẽ đỡ hơn. Nếu như con chưa sẵn sàng tự ngủ (biểu hiện bằng việc gào khóc và chống đối) thì bố mẹ hãy tạm ngưng việc tập một thời gian và làm lại khi thấy con đã sẵn sàng hơn. Trong thời gian chờ thì vẫn tạo thói quen về các hoạt động buổi tối trước giờ ngủ như trên.

Nếu như con chưa sẵn sàng tự ngủ (biểu hiện bằng việc gào khóc và chống đối) thì bố mẹ hãy tạm ngưng việc tập một thời gian. (Ảnh: Báo mới)

Sau vài hôm con tự ngủ khi bố mẹ ngồi cạnh giường thì bố mẹ bắt đầu di chuyển ghế ra xa giường con (không nói với con mà cứ làm thôi), tiến dần tới... cửa phòng ngủ.

Rồi sau vài ngày, cũng trong yên lặng, bố mẹ mang ghế ra khỏi phòng, để cửa phòng hé mở. Con có hỏi thì bố mẹ nói "đến giờ con ngủ rồi, ngủ ngon nhé, bố/mẹ ngồi đây làm việc của bố/mẹ". Sau vài ngày thì bố mẹ không cần ngồi ghế ở trước cửa phòng nữa mà có thể ra sofa ngồi xem phim, có thể vào bếp làm việc bếp, nói chung là làm gì thì làm. Nếu con có hỏi hay đòi bố mẹ thì hãy nói "bố mẹ ở nhà với con mà. Con ngủ ngon nhé". Nếu con có chạy ra thì cũng nhẹ nhàng dắt con lại vào giường, chúc ngủ ngon và nhắc lại đến giờ con ngủ rồi. Con tự chơi trên giường với đồ chơi của mình cũng được, miễn là con chỉ ở trên giường là được.

Nói ngắn gọn thì quá trình này là để cho con thấy "đến giờ rồi, việc của con là ngủ, còn bố mẹ có việc khác để làm".

Vậy là xong. Mất bao lâu mới thành công là tuỳ vào từng bé. Tuy nhiên sau 2 tuần áp dụng mà bé vẫn chưa tự ngủ được, vẫn khóc đòi bố mẹ thì nên dừng lại, nguyên nhân có thể là bé chưa sẵn sàng hoặc cách tập này không phù hợp với bé.

Phương pháp này áp dụng cho trẻ từ ít nhất 1,5 tuổi trở lên hoặc khi trẻ đã đi lại vững vàng, có thể trèo ra trèo vào giường mà không sợ trẻ bị ngã.

Nguồn: Gia đình Việt Nam